Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghĩa tình trên quê hương Hóa Tiến anh hùng

  • 14:44 | Thứ Ba, 01/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với núi cao, vực sâu, con người nghĩa tình, xã Hóa Tiến (Minh Hóa) được Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt đại bản doanh trong những năm chiến tranh ác liệt nhất. Và hôm nay, di tích lịch sử quốc gia đó là bài học quý giá để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương, đất nước. Tự hào về quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hóa Tiến đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, viết tiếp những trang sử hào hùng của các thế hệ đi trước để khẳng định “bản lĩnh” trong thời kỳ mới.
 
Hang đá “đại bản doanh”
 
Trên đường Hồ Chí Minh hôm nay, đoạn qua địa phận xã Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) có một tấm biển chỉ dẫn ghi: “Cụm hang xã Hóa Tiến-Hóa Thanh, chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965 đến 1966”. Cách đó non nửa cây số là ngôi nhà nhỏ của bà Đinh Thị Y, một y tá từng làm việc trong cụm hang đá những ngày ác liệt nhất của khói lửa chiến tranh. Câu chuyện của bà với chúng tôi đã làm sống dậy quá khứ hào hùng của những năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
 
Dòng ký ức như một thước phim quay chậm, cứ hiện về, rõ ràng và đậm nét như mới xảy ra ngày hôm qua. Bà Y kể: “Ngày đó, tôi là một y tá thuộc Bệnh viện 14, đóng quân trong hang núi mà bây giờ gọi là hang y tá. Phụ trách bệnh viện trong hang đá ngày đó là bác sỹ anh hùng quân đội Lê Đính. Chúng tôi hàng ngày đi gùi gạo, cáng thương binh từ các toạ độ lửa trên đường Trường Sơn như: Khe Ve, Mụ Dạ, Cổng Trời, Bãi Dinh, La Trọng...
  Biển chỉ dẫn Di tích lịch sử quốc gia: “Cụm hang xã Hóa Tiến-Hóa Thanh, chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965-1966”.
Biển chỉ dẫn Di tích lịch sử quốc gia: “Cụm hang xã Hóa Tiến-Hóa Thanh, chỉ huy sở Bộ Tư lệnh Đoàn 559 từ năm 1965-1966”.
Thương binh nhiều lắm, ngày nào cũng có. Tôi nhớ, có những thương binh nặng cần phải cấp cứu ngay, nhưng hang đá thì tối om, trên đầu thì máy bay Mỹ quần thảo, không thắp đèn được. Chúng tôi tiêm cho thương binh, nếu thuốc tiêm chảy thì biết họ còn sống, còn thuốc tiêm tắc giữa chừng tức là họ đã hy sinh...”
 
Theo lời bà Y, cụm hang đá ở Hóa Tiến-Hóa Thanh có khoảng 23 hang lớn nhỏ nối tiếp nhau quanh vách núi tạo thành một “đại bản doanh trong hang đá” của Đoàn 559 một thời chiến tranh máu lửa. Ngoài các hang đá, nơi làm việc của các đồng chí chỉ huy, trong “đại bản doanh” còn hang y tá, hang thông tin, hang kho xăng, hang hậu cần, hang tập kết của bộ đội…
 
Vọng tiếng đâm bồi, giã thuốc nuôi quân
 
Cũng như bà con các xã khác ở huyện miền núi Minh Hóa, ngày xưa, người dân Hóa Tiến nghèo lắm. Nghèo nên khác với miền xuôi, thức ăn hàng ngày người dân nơi đây dùng không phải là cơm mà là bồi. Chất liệu chính của bồi là bột ngô và củ sắn được nạo nhuyễn rồi đem hông. Những lúc mất mùa, những năm bom đạn phá hết nương rẫy thì bồi chỉ là thứ bột hỗn hợp giữa củ sắn, củ mài đào được trên rừng…
 
Đói khổ là thế, nhưng trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, người dân Hóa Tiến vẫn chia từng nắm bồi cho bộ đội, chia từng thìa bột ngô cho thương binh chữa bệnh. Đêm đêm, tiếng “thùm...thụp” đâm (giã) bồi vang vọng khắp các xóm làng, để đến sáng mai ra, từng nắm bồi nóng hổi, thơm bùi được các mẹ, các chị gói gém cẩn thận, trao cho bộ đội trước giờ hành quân vào chiến trường…
 
Ngày ấy, chiến tranh ác liệt, tất cả mọi thứ đều ưu tiên cho chiến trường. Vì thế, nhiều người dân ở Hóa Tiến không chỉ chia sẻ lương thực cho bộ đội, một số người dân hay thuốc còn biết lấy cây rừng làm thuốc cứu thương cho bộ đội trong điều kiện thiếu thốn đó. Cụ Đinh Thị Điền ở thôn Yên Hòa, xã Hóa Tiến là một người như thế. Cụ Điền năm nay đã 95 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng ký ức của một thời bom đạn ác liệt đó thì cụ vẫn nhớ như in.
 
“Hồi trước, nhà tui có đến ba cái bếp, lúc nào cũng đỏ lửa để nấu cơm, nấu bồi cho bộ đội ăn. Bom đạn ngày đêm không dứt nên bộ đội bị thương, bị rắn cắn nhiều lắm, các bác sỹ, y tá trong các hang đá không thể chữa xuể. Tui phải vô rừng lấy thuốc nam về chữa cho họ…!”, cụ Điền bồi hồi nhớ lại.
 
Ngày xưa, cụ Điền băng rừng tìm thuốc chữa bệnh, cứu thương cho bộ đội thì 40 năm qua và cho đến bây giờ, cụ vẫn làm thuốc chữa bệnh cho bà con nghèo. Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Điền cũng đã kịp truyền lại cho các con của mình những bài thuốc bí truyền từ cỏ cây của núi rừng Trường Sơn. Cụ Điền vẫn thường căn dặn con cháu hãy yêu lấy rừng, vì rừng luôn là kho thuốc, là "ân nhân" của con người.
 
Viết tiếp trang sử hào hùng
 
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, năm 1999, Đảng bộ, nhân dân Hóa Tiến đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng  LLVT nhân dân. Bước vào thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Hóa Tiến tiếp tục vượt khó, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
 Với vẻ đẹp lung linh, tráng lệ, hang La Vân nằm trên địa bàn là cơ hội để Hóa Tiến phát triển du lịch.
Với vẻ đẹp lung linh, tráng lệ, hang La Vân nằm trên địa bàn là cơ hội để Hóa Tiến phát triển du lịch.
Về Hóa Tiến trong những ngày tháng Tám lịch sử này, khí thế thi đua lao động sản xuất, chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước và đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra sôi nổi. Ông  Đinh Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Hóa Tiến cho biết, trong những năm qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiến Hóa đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ sự đầu tư của Đảng và Nhà nước (từ các Chương trình 135, 30a...), đồng thời, đưa ra những nghị quyết sát đúng với thực tế tại địa phương nên đã đạt được những kết quả đáng mừng.
 
Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, Hóa Tiến đã thực hiện hiệu quả 2 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện là chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Cùng với đó, Hóa Tiến đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Hệ thống cơ sở hạ tầng và nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn xã được quan tâm, đầu tư xây dựng.
 
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn của xã Hóa Tiến đã có nhiều thay đổi, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 18 triệu đồng/năm; toàn xã còn 93 hộ nghèo, chiếm 12,27%, bình quân mỗi năm giảm được gần 4% hộ nghèo.
 
Bên cạnh đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể. Đến thời điểm hiện tại, Hóa Tiến đã hoàn thành 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và theo lộ trình sẽ cán đích trong nhiệm kỳ 2020-2025…
 
“Là một xã miền núi nghèo, những kết quả đạt được như trên là sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân Hóa Tiến. Chặng đường tiếp theo còn hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải phấn đấu vươn lên nhiều hơn nữa để xây dựng Hóa Tiến thực sự trở thành một thị tứ trung tâm của các xã miền tây huyện Minh Hóa.”, Chủ tịch UBND xã Đinh Ngọc Thủy bày tỏ.
 
Phan Phương