Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lộc Long-Đất và người

  • 07:18 | Thứ Năm, 10/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Lộc Long, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh có chiều dài lịch sử và truyền thống yêu nước nồng nàn. Nhân dân Lộc Long vốn dĩ hiền lành, chất phác, cần cù chịu khó trong lao động nhưng cũng mạnh mẽ, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng. Những ngày tháng chín, chúng tôi đã có dịp đến với ngôi làng này để hiểu rõ hơn những câu chuyện nối dài về một làng quê anh hùng…
 
Những ký ức hào hùng…
 
Lộc Long có nghĩa là lộc của Rồng. Tương truyền, khi mới lập làng mới Tân Long, xung quanh không có ao hồ, sông suối nên làng không có nước ngọt để dùng. Đào cả trăm cái giếng cũng chỉ có nước mặn. Một hôm, ông thầy đồ trong làng mơ thấy Rồng bay qua báo mộng “Đào bốn góc làng 4 cái giếng ắt có nước ngọt”. Thầy đồ báo với trưởng làng huy động nhân lực đào trong ngày, quả nhiên 4 giếng làng đều có nước ngọt. Để cảm tạ ân đức của Rồng làng quyết định đổi tên Lộc Long.
 
Thuở xưa, khi mới lập làng, người đứng đầu làng hướng dẫn cho người dân lấy dây nối lại để chia từng lối (xóm) theo hình bàn cờ ngang, dọc thẳng hàng thẳng lối. Có lẽ cũng chính vì vậy mà làng có tục danh là làng Kẻ Dây, tên gọi khác theo tiếng địa phương là Kẻ Rây.
Đình làng Lộc Long được nhân dân đóng góp xây dựng với kinh phí 2,1 tỷ đồng.
Đình làng Lộc Long được nhân dân đóng góp xây dựng với kinh phí 2,1 tỷ đồng.
Làng Lộc Long ruộng đất ít nhưng người dân cần cù, chăm chỉ, hiếu học. Đặc điểm nổi bật của làng là quy hoạch đẹp, khoa học, với phương sách “Nam hào, Bắc Trôổng” (tức là đào hào phía Nam đắp đường phía Bắc) thuận lợi cho việc giao thông thủy lợi. Làng tọa lạc trên một mảnh đất hình vuông tựa bàn cờ và có tổng cộng 9 xóm. Cả làng đều làm nhà xoay về hướng Nam, quanh làng là những nạp tre dày đặc, xanh tốt.
 
Trước năm 1945, phong trào cách mạng ở Lộc Long khá sôi động. Từ đầu năm 1948, sau khi khôi phục phong trào, cán bộ tỉnh, huyện, bộ đội độc lập đã về móc nối, vận động tổ chức lực lượng du kích chống pháp. Đầu năm 1949, địch đánh hơi thấy ở Lộc Long phong trào chống Pháp lên mạnh nên theo dõi, lập mưu và bắt 25 người lên làng Xuân Dục.
 
Năm 1949, Lộc Long có 183 hộ với 615 khẩu sinh sống lao động như bao làng quê khác nhưng âm ỉ "cháy" một "ngọn lửa" cách mạng, một quyết tâm chống Pháp để giải phóng quê hương. Với lợi thế làng hình vuông, lại có hàng rào tre bao bọc, nhân dân Lộc Long chặt gỗ, tre làm hàng rào quanh làng chống Pháp. Các gia đình đều có hầm bí mật.
 
Ngày 17 tháng 7 năm 1949, với sự kiện tiếng bom Lộc Long được giật nổ ở cây đa hưởng ứng lời kêu gọi “hạ sơn”, quá trình chống giặc Pháp ở Lộc Long trong cao trào Quảng Bình quật khởi đã thành công thắng lợi.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Lộc Long đoàn kết, vừa bám hố bom sản xuất, vừa chiến đấu xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mẫu được tỉnh, huyện khen thưởng biểu dương.
 
Lộc Long đổi mới hôm nay…
 
Ông Nguyễn Văn Hề, Trưởng thôn Lộc Long tự hào chia sẻ, Lộc Long là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Người dân dũng cảm trong chiến đấu và cần cù trong lao động, sản xuất. Lộc Long là thôn đầu tiên trong toàn huyện Quảng Ninh được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nông thôn mới và đến nay đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra...
 
“Lộc Long hiện có 489 hộ với 1.750 nhân khẩu, phần lớn người dân gắn bó với nghề nông. Năm 2015, thôn Lộc Long bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Bước đầu triển khai, Lộc Long gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là trong ý thức của một số hộ dân, tuy nhiên, sau khi họp dân để thông qua thì đa số người dân nhiệt tình ủng hộ, đồng tình cao…”, Trưởng thôn Lộc Long Nguyễn Văn Hề cho biết.
 
Xác định mục đích cao nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới chính là làm cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, Lộc Long đặc biệt quan tâm đến tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ chỗ là địa bàn thuần nông, kinh tế trước đây chủ yếu là độc canh cây lúa với hơn 100ha, những năm gần đây, thôn Lộc Long đã đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
 
Đến nay, toàn thôn có hơn 250 lao động xuất khẩu chủ yếu ở các thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc… với nguồn ngoại tệ đáng kể gửi về địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho người dân với thu nhập từ 50-55 triệu đồng/người/năm, toàn thôn chỉ còn 10 hộ nghèo…
 
Ngoài tiêu chí thu nhập, điểm thực sự ấn tượng trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở Lộc Long chính là người dân đã quen với nếp sống xanh-sạch, luôn chú trọng chăm sóc nhà cửa, cải tạo vườn tược, có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường.
 
Theo trưởng thôn Lộc Long Nguyễn Văn Hề, từ khi xây dựng nông thôn mới đến nay, Lộc Long đã cơ bản đạt các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu với 100% đường trục chính thôn được bê tông hóa, có cây xanh, hoa hai bên đường; các trục đường thôn xóm đều có bóng điện chiếu sáng. Người dân đã hiến 3.845m2 đất để làm đường giao thông với trị giá gần 800 triệu đồng, đóng góp gần 500 triệu đồng xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương…
 Ông Nguyễn Trường Hùng là một trong những điển hình về làm kinh tế ở thôn Lộc Long.
Ông Nguyễn Trường Hùng là một trong những điển hình về làm kinh tế ở thôn Lộc Long.
Ông Nguyễn Trường Hùng (62 tuổi) là một trong những điển hình về làm kinh tế ở Lộc Long từ mô hình trang trại tổng hợp, như: chăn nuôi lợn, gà, kết hợp đào hơn 2 sào đất để nuôi trồng thủy sản, cải tạo vườn nhà, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
 
Bên cạnh đó, để giải quyết việc làm cho các lao động trong gia đình, ông đã động viên các thành viên trong gia đình đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Hiện tại, gia đình ông đang có 4 thành viên đi xuất khẩu lao động.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thuần, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Ninh: “Những năm qua, nhân dân Lộc Long đoàn kết, chung tay phát huy thế mạnh của mình trong phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo, xây dựng bộ mặt nông thôn mới với nhiều khởi sắc, Lộc Long xứng đáng là một tập thể điển hình tiên tiến cần được nhân rộng, học tập và làm theo tại địa phương…”
Ngọc Hải