Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đất nuôi quân, đất anh hùng

  • 07:28 | Thứ Bảy, 19/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy là nơi có nhiều đơn vị đóng quân, hành quân đi qua. Phát hiện điều này, giặc Mỹ đã huy động rất nhiều loại máy bay bắn phá ác liệt... Không chịu khuất phục, quân và dân nơi đây đã anh dũng vừa chiến đấu, vừa sản xuất, nuôi quân, chi viện cho chiến trường miền Nam…
 
Nhà nhà nuôi quân
 
Từ năm 1965 đến năm 1975, trên địa bàn xã Dương Thủy có hàng chục đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong đóng quân và hành qua đây. Trong đó, phải kể đến lực lượng của Trường Quân chính Trị Thiên-H52, Tiểu đoàn 45 bộ đội địa phương Quảng Bình, Đại đội 361, Ban chỉ huy Quân sự huyện Lệ Thủy…
 
Thời điểm cao nhất, toàn xã có khoảng 2.000 cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên địa bàn. Riêng Trường Quân chính Trị Thiên-H52 lúc nào cũng có trên 1.000 cán bộ, chiến sỹ thực hiện công tác huấn luyện trước khi tăng cường vào chiến trường.
 
Để nuôi bộ đội và các lực lượng đóng quân, nhân dân xã Dương Thủy đã ra sức lao động sản xuất. Ông Nguyễn Xuân Trọng (SN 1933), từng làm Xã đội trưởng và Chủ tịch UBND xã Dương Thủy trong những năm chống Mỹ kể lại: “Ngày đó, ở xã Dương Thủy, nhà nhà đều nuôi quân. Nhà nuôi nhiều nhất có gần 10 người, nhà nuôi ít cũng phải 2 người. Có nhiều hộ dân còn nhường cơm, nhường nhà cho bộ đội, nhất là lực lượng chiến đấu từ chiến trường miền Nam trở ra. Nhân dân trong vùng còn đào giếng nước, cử lực lượng đưa đò cho bộ đội qua sông, xem bộ đội như anh em trong gia đình…”.
 Giếng nước tại xã Dương Thủy từng phục vụ cho bộ đội những năm chống Mỹ đã được tôn tạo lại.
Giếng nước tại xã Dương Thủy từng phục vụ cho bộ đội những năm chống Mỹ đã được tôn tạo lại.
Khi Mỹ ném bom đánh phá Dương Thủy, Đảng bộ xã đã chỉ đạo quân, dân nhanh chóng chuyển trạng thái từ thời bình qua thời chiến, vận động nhân dân bám đất sản xuất, bám làng chiến đấu. Rồi các hợp tác xã điều chỉnh lại quy mô sản xuất, chia nhỏ các tổ, đội cũng như việc nuôi nhốt trâu, bò, cất giữ lúa gạo để tránh gây thiệt hại lớn.
 
Đặc biệt, phong trào “Ba đảm đang” của chị em phụ nữ đã được phát huy và giành được nhiều thành tích đáng kể. Bà Võ Thị Lệ, vợ ông Trọng góp chuyện: “Có thời gian, máy bay địch đánh phá ác liệt cả ngày nên nhiều khi chúng tôi phải sản xuất vào ban đêm. Người dân lúc đó cứ tay súng, tay cày bám ruộng vừa sản xuất, vừa chiến đấu”.
 
Vượt qua mọi khó khăn, quân và dân xã Dương Thủy luôn hoàn thành suất sắc các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, phân bón, thủy lợi, góp phần giúp xã hoàn thành việc sản xuất lúa 2 vụ. Thời điểm đó, các hợp tác xã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh sản xuất lúa thì việc trồng hoa màu, rau xanh, chăn nuôi cũng được chú trọng. Nhờ đó, năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng lên hàng năm, nhân dân và bộ đội không còn thiếu ăn như trước.
 
Từ năm 1965-1968, xã Dương Thủy đã đóng góp 125 tấn lương thực, 50 tấn thực phẩm phục vụ chiến đấu. Trong cuốn hồi ký của đại tá Hồ Hữu Lạn, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân khu 4 sau khi làm nhiệm vụ trở về đã đóng quân tại xã Dương Thủy gần 1 tháng có viết: “Toàn đại đội được cả 6 gia đình thương mến, nhường nơi ăn ở chu đáo. Nhiều chiến sỹ bị sốt nặng, được các mẹ, các chị thăm hỏi, chăm lo như con em trong nhà. Nơi đó, tình quân dân gắn bó, keo sơn như anh em ruột thịt khiến chúng tôi không thể nào quên…"
 
Toàn dân đánh giặc
 
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại (1965-1975), đế quốc Mỹ đã dùng không quân đánh phá vào xã Dương Thủy 354 lần, trong đó có 27 lần ác liệt. Chúng đã ném xuống xã 1.372 quả bom các loại, 2.010 quả đạn; làm bị cháy và hư hỏng nặng 120 nhà dân, 6 nhà kho hợp tác xã, 12 phòng học; phá hủy hoàn toàn 2 cầu và 1 công trình thủy lợi. Bom đạn Mỹ đã cướp đi sinh mạng 42 người và làm bị thương 48 người.
 
Xã Dương Thủy đã huy động 603 con em lên đường nhập ngũ, gần 350 người đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, 8.490 ngày công phục vụ chiến đấu. Toàn xã đào đắp 16km chiến hào, 18km hào giao thông, xây dựng 7 công sự chiến đấu chống đổ bộ đường không của địch, 47 công sự đánh máy bay, 3.500 hầm chữ A, 46 nhà hầm cho các lớp học, trạm xá và kho tàng; đồng thời, đóng góp 2.000 cây tre, gỗ để làm công sự và chi viện cho các xã bạn ở vùng biển và quốc lộ; thu nhặt và phá hủy 2.000 quả bom bi, 4 quả bom từ trường và 9 quả bom sát thương...
 Đường về xã Dương Thủy hôm nay.
Đường về xã Dương Thủy hôm nay.
Với thế trận toàn dân đánh giặc, nhân dân xã Duơng Thủy luôn phát huy tốt vai trò chiến đấu, sản xuất, nuôi quân và chi viện cho chiến trường miền Nam. Dương Thủy đã phối hợp bắn hạ 4 máy bay của giặc Mỹ, trong đó có chiếc F4H là máy bay thứ 300 của giặc Mỹ trên bầu trời Quảng Bình bị bắn hạ.
 
Với chiến công này, quân và dân xã Dương Thủy vinh dự được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, xã Dương Thủy có 62 liệt sỹ (trong đó có 3 liệt sỹ là nữ ), 132 thương binh. 
 
Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, xã Dương Thủy đã được Đảng và Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba trong các năm 1967, 1970; Huân chương Quân công hạng Ba năm 1968 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 1999, xã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 
 
Ông Phạm Quang Tình, Bí thư Đảng ủy xã Dương Thủy chia sẻ:  “Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ kết hợp với tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân là những nhân tố quan trọng để Dương Thủy đạt được những thành tựu trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Qua đó, tạo tiền đề để xây dựng quê hương Dương Thủy phát triển như ngày hôm nay…"
 
Xuân Vương