Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những hùng quan trên đất Quảng Bình

  • 08:38 | Chủ Nhật, 23/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một dải Hoành Sơn dung thân muôn đời) câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã gợi mở cho Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa rồi từ đó mở mang bờ cõi phía Nam. Nhưng có lẽ người đặt nền móng vững chắc cho nhà Nguyễn từ thời sơ khởi là Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, danh nhân gắn với hệ thống Lũy Thầy nổi tiếng…
 
Theo sách “Đào Duy Từ với Lũy Thầy” của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú, Đào Duy Từ (1572-1634) là người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn (nay là huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Ông vốn con nhà phường chèo nên dù học rộng, biết nhiều vẫn không được chúa Trịnh trọng dụng.
Hoành Sơn quan là điểm đến của du khách thập phương.
Hoành Sơn quan là điểm đến của du khách thập phương.
Do đó, ông tìm vào đất Đàng Trong với chúa Nguyễn. Tuy chỉ gắn bó với nhà Nguyễn 8 năm, nhưng với tầm nhìn chiến lược, Đào Duy Từ trở thành "linh hồn" của hệ thống phòng ngự ngăn chặn quân Trịnh xâm nhập, giữ gìn bờ cõi. Để rồi trong vòng 3 năm (1630-1634), ông đã chỉ đạo quân, dân binh xây dựng chiến lũy dài trên 30 cây số, mà đến ngày nay những cái tên như Trường Dục, Trường Sa, An Náu, Trấn Ninh, Nhật Lệ, Định Bắc Trường Thành… còn đọng lại trong tâm trí của mỗi người dân Quảng Bình.
 
Từ hệ thống Lũy Thầy đã xuất hiện những hùng quan nổi tiếng, đó là: Quảng Bình, Võ Thắng và sau này có thêm Hoành Sơn quan trên dãy núi chỉ dấu ngăn cách Đàng Trong với Đàng Ngoài.
 
Trong hệ thống chiến lũy từ Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, thực tế có 3 cửa quan, nhưng sử sách chỉ ghi chép 2 cửa, gồm: cửa vào Dinh Quảng Bình gọi là Quảng Bình quan (nay ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới); Lý Chính Đại Quan môn, sau này đổi tên là Võ Thắng quan hay còn gọi là Cổng Thượng và cửa Thủ Ngự (cửa chống giữ phía bờ Bắc sông Nhật Lệ).
 
Các cửa quan này nằm trọng hệ thống phòng ngự của Lũy Thầy, được xây dựng bằng đất, đá, gỗ lim…, về sau được vua Minh Mạng phục chế bằng gạch đá quy mô hơn, đẹp hơn.
 
Thời Trịnh Nguyễn, từ phía Bắc nếu muốn đi vào Phú Xuân thì phải đi qua Quảng Bình quan (cửa hạ), còn không đi qua Động Hải thì phải lên đường thượng qua Lý Chính Đại Quan môn để đến núi Ông Hồi, Trường Dục, Dinh Trạm, đi Phú Xuân.
 
Lý Chính Đại Quan môn trong hệ thống Lũy Thầy.
Lý Chính Đại Quan môn trong hệ thống Lũy Thầy.
“Quảng Bình quan đóng kín, giữ vững thành Trấn Ninh, đẩy lùi mọi sự tấn công của đối phương, mà riêng cửa Nhật Lệ bị chọc thủng thì trăm vạn quân Nguyễn ở trận lũy này cũng đành chịu bó tay. Ngược lại, cửa Nhật Lệ có như bàn thạch mà Quảng Bình quan, lũy Trấn Ninh lọt vào tay quân Trịnh thì mười cái trận đồ thủy trận cũng vô dụng. Đó là mối liên quan chiến lược giữ cửa biển Nhật Lệ với Quảng Bình quan làm cho hai vị trí này trở thành cửa ngõ của xứ Đàng Trong.” (sách "Đào Duy Từ với Lũy Thầy"-P.V) .
 
Năm 1965, thời điểm không quân Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Quảng Bình quan bị san phẳng, sau này được phục dựng hoàn toàn, trở thành điểm đến của du khách thập phương khi đến Quảng Bình.
 
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi đã có cuộc điền dã tìm hiểu về Lý Chính Đại Quan môn, nằm ở thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh), di tích lịch sử được xếp hạng quốc gia từ năm 1992. Quan ải này nằm khuất lấp trong cây cối, rêu phong phủ bóng thời gian.
 
Trên tấm bia ghi rằng: “Lũy Đầu Mâu và cổng Lý Chính Đại Quan môn, nằm trong hệ thống Lũy Thầy, do quan Nội tán Lộc Khê hầu Đào Duy Từ thiết kế, chỉ huy xây đắp bằng đất năm 1631 nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Trịnh, trong chiến tranh Trịnh-Nguyễn thế kỷ XVII-XVIII. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), cổng được xây bằng gạch đá và đổi tên thành Võ Thắng quan”.
 
Cũng như Quảng Bình quan, ở phía bờ Bắc của Lý Chính Đại Quan môn có một quai thành và quân binh bảo vệ nhằm nhăn chặn quân Trịnh vượt sông án vào cửa quan. Do trung thành với chúa Nguyễn mà đội quân giữ quai thành phía ngoài cửa quan này được gọi là đội quân Trung Nghĩa. Về sau họ định cư lập ấp, xây dựng xóm làng, khai khẩn đất đai lập nên làng Trung Nghĩa hiện nay.
 
Cùng với Quảng Bình quan, Võ Thắng quan, trên đỉnh Hoành Sơn hiện còn di tích Hoành Sơn quan, là một cái cổng bằng gạch đá được xây vào năm 1833 thời vua Minh Mạng để kiểm soát việc qua đèo. Đèo Ngang dài 6km, đỉnh cao khoảng 250m; phần đất phía Quảng Bình thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, phần đất phía Hà Tĩnh thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh. Theo sử sách thì đây là ranh giới cũ giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
 Quảng Bình quan trên tuyến đường thiên lý từ Bắc vào Nam thời Trịnh-Nguyễn.
Quảng Bình quan trên tuyến đường thiên lý từ Bắc vào Nam thời Trịnh-Nguyễn.
Sau khi vượt hàng nghìn bậc đá uốn lượn theo sườn núi, chúng tôi chạm tới Hoành Sơn quan, đứng ở đây phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy núi non trùng điệp kéo dài tít tắp, xa xa là nhà cửa làng mạc trù phú, từng ô ruộng như bàn cờ vào vụ chín rộ màu vàng và thấy được cả những đoạn đường lượn quanh ôm dưới chân Hoành Sơn.
 
Chạm vào những hùng quan trên đất Quảng Bình, chúng ta có thể cảm nhận được tiếng voi gầm, ngựa hí hay thân phận của ông cha qua những biến thiên của lịch sử. Ở đó không chỉ là mùi binh lửa mà còn là khát vọng chinh phục thiên nhiên, tầm nhìn chiến lược của tiền nhân trong dặm dài mở rộng dải đất của người Việt về phương Nam.
 
Có lẽ, chúng ta sẽ “ôn cố tri tân” với những sản phẩm du lịch điền dã gắn với cội nguồn từ hệ thống Lũy Thầy, để lịch sử không bị mai một mà tiếp tục được bồi đắp bởi thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Trần Minh Văn