Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Đường lên no ấm...

  • 08:51 | Chủ Nhật, 30/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoảng 15 năm về trước, các xã miền núi, biên giới huyện Lệ Thủy thực sự là vùng đất xa xôi đối với những người miền xuôi vì ngăn sông cách núi. Nhưng giờ đây, những vùng đất ấy đang xích lại gần hơn nhờ những con đường huyết mạch xuyên qua rừng già, giúp bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Thầy giáo Trần Văn Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Nông trường Lệ Ninh, người đã từng có 14 năm gắn bó với Trường tiểu học và THCS số 2 Kim Thủy kể lại: “Hơn 15 năm về trước, đường lên trường vất vả lắm chứ không được như bây giờ đâu. Muốn “cõng chữ” lên cho con em đồng bào, giáo viên chúng tôi phải đi bằng xe Minsk hàng giờ đồng hồ theo đường 16 hoặc đường 10. Đường ngày đó là những lối mòn hoặc đường cấp phối nối lại với nhau. Có đoạn đường khó đi, chúng tôi phải đẩy bộ rất vất vả, nhất là đoạn qua dốc hộp số. Một số đồng nghiệp của tôi còn vất vả hơn vì phải đi bộ lên Eo Bù-Chút Mút, xã Lâm Thủy cắm bản...”
 
Với tổng vốn đầu tư 6 tỷ đồng, năm 2017, xã Kim Thủy đã đầu tư xây dựng tuyến đường từ bản Cồn Cùng tới bản Chuồn dài trên 3km. Đây là tuyến đường liên thôn nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tuyến đường không chỉ giúp lộ trình bà con đi từ bản Cồn Cùng lên trung tâm xã được rút ngắn 10km mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
 
Ông Hồ A Lai, một người dân bản Cồn Cùng phấn khởi: “Nhờ có đường giao thông thuận tiện nên rừng trồng và các mặt hàng nông sản nhà tôi bán được giá cao. Năm trước, tôi cũng đã dành dụm mua chiếc xe ô tô để đi lại”. Từ khi có đường, các mặt hàng nông sản của ông Hồ A Lai và bà con trong bản được thương lái đánh ô tô về tận nơi thu mua. 
Đường từ bản Cồn Cùng đi bản Chuồn, xã Kim Thủy giúp bà con phát triển kinh tế-xã hội
Đường từ bản Cồn Cùng đi bản Chuồn, xã Kim Thủy giúp bà con phát triển kinh tế-xã hội
Ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nên hệ thống giao thông trên địa bàn xã biên giới được đầu tư xây dựng khang trang. Đến nay, các bản làng trong xã đều có đường ô tô về tận nơi. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương …”.
 
Hiện tại, đường giao thông từ trung tâm xã về các bản đạt gần 100%, đường nội thôn đạt khoảng 60%. Trên địa bàn xã có nhiều tuyến đường quan trọng, như: đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây, Quốc lộ 9C, gần 20km đường bê tông liên bản, nội bản.
 
Lâm Thủy là xã giáp với biên giới của huyện Lệ Thủy. Trong ký ức của những người dân thế hệ 8X trở về trước, đây là vùng đất gần như cô lập với miền xuôi. Trước năm 2000, muốn về tới trung tâm huyện, người dân chủ yếu là đi bộ.
 
Ông Hoàng Xao, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lâm Thủy tâm sự: “Để học được con chữ Bác Hồ, lên lớp 3, chúng tôi phải cơm đùm gạo bới đi bộ dọc đường 10 cả ngày trời mới về Trường dân tộc nội trú huyện. Thế hệ tôi, trong xã có hơn chục người, học từ lớp 3 đến lớp 9. Nhưng do đi lại quá khó khăn, vất vả nên nhiều người bỏ học giữa chừng. Ngày đó, ai theo học đến lớp 9 là giỏi lắm rồi! Nhưng giờ mọi thứ đã khác, đường sá đã thông, xe khách đã về đến tận trung tâm xã”.
 
Khoảng 15 năm trở lại đây, giao thông ở xã Lâm Thủy ngày càng thuận lợi. Hiện trên địa bàn có đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua. Đường 10 được nâng cấp sửa chữa với chiều dài 33km từ xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh) qua xã Ngân Thủy nối đường Hồ Chí Minh tại ngã ba Tăng Ký, xã Lâm Thủy.
 
Đường này được nâng cấp vào năm 2011 và trở thành tuyến quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với tầm nhìn chiến lược phát triển giao thông thương mại, đường đổi tên thành Quốc lộ 9B, được quy hoạch thuộc tuyến xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông-Tây, nối từ thành phố Đồng Hới đi cửa khẩu Chút Mút sang nước bạn Lào. Mặt đường rộng 7m, có tổng mức đầu tư khoảng 663 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có khoảng 10km đường liên bản, nội bản; 7km đường vào bản Bạch Đàn do huyện quản lý.
Quốc lộ 9B nối từ xã Vạn Ninh đi các xã biên giới huyện Lệ Thủy
Quốc lộ 9B nối từ xã Vạn Ninh đi các xã biên giới huyện Lệ Thủy
Trở lại Eo Bù-Chút Mút lần này, chúng tôi đi trên Quốc lộ 9C rộng rãi. Bởi trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp đường 565 (tức đường 16 cũ) có tổng chiều dài toàn tuyến là 72km, từ ngã ba Cam Liên xã Cam Thủy đến bản Eo Bù-Chút Mút, xã Lâm Thủy giáp biên giới Việt-Lào với tổng mức đầu tư trên 894 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, giúp bản xích lại với miền xuôi hơn.
 
Ông Hồ Bình, Trưởng bản Eo Bù-Chút Mút phấn khởi: “Chừ có đường rồi nên con cháu trong bản đi học, thầy cô đi dạy không vất vả như xưa nữa. Bà con trong bản ai nuôi được con trâu, con bò, con gà cũng tiện đem ra chợ bán. Nhờ đó, nhiều gia đình cũng ngày càng khá giả, mua sắm được ti vi, xe máy nữa!”
 
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: “Những năm qua, hệ thống giao thông về các xã miền núi, biên giới trên địa bàn huyện đã được đầu tư và đã có nhiều công trình được đưa vào sử dụng. Nhờ phát triển hệ thống giao thông nên đời sống của nhân dân vùng núi, vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư”.
 
Đến nay, 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô, điện về trung tâm. Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào giảm 6% (hiện còn khoảng 37%). Diện mạo nông thôn các xã miền núi, biên giới ngày càng khởi sắc, tổng số tiêu chí nông thôn mới tăng lên bình quân 6,3 tiêu chí/xã…
Xuân Vương