Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Như lần thứ hai được đón Bác về thăm

  • 16:26 | Thứ Bảy, 13/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau một thời gian chuẩn bị và gấp rút thi công, hôm nay, giữa Trung tâm TP. Đồng Hới, Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình” đã hiện hữu sừng sững, đẹp đẽ và thân thương. Công trình Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã thỏa ước nguyện thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình. 
 
Ước nguyện thiêng liêng
 
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam dựng lên chính quyền tay sai, ra sức phá hoại việc thực thi hiệp định, điên cuồng chống phá cách mạng, hòng thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
 
Trong điều kiện đất nước bị chia cắt, Quảng Bình-Vĩnh Linh trở thành nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Để động viên nhân dân Quảng Bình-Vĩnh Linh vượt qua khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, xứng đáng là “tiền đồn” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với tình cảm sâu nặng của mình, ngày 16-6-1957, Bác Hồ đã vào thăm Quảng Bình.
 
Bác dành thời gian quý báu để gặp mặt cán bộ cốt cán tại hội trường Tỉnh ủy; nói chuyện với ba vạn đồng bào, cán bộ, chiến sỹ LLVT Quảng Bình và Đoàn Dân chính Đảng Đặc khu Vĩnh Linh tại sân vận động Đồng Hới; đi thăm cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 325… 
Toàn cảnh Tượng đài
Toàn cảnh Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình". Ảnh: Xuân Hoàng
Dẫu thời gian vào thăm không được nhiều, nhưng trong khoảnh khắc lịch sử ấy, với tấm lòng yêu thương vô bờ bến, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Quảng Bình tình cảm thiêng liêng, sâu nặng và những chỉ dẫn ân cần, thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược, lâu dài, sâu sắc cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Bình.
 
Trong 63 năm qua, những hình ảnh thân thương, tình cảm sâu sắc, cùng những lời căn dặn ân cần của Người mãi mãi khắc ghi, ngày càng sâu đậm trong trái tim, khối óc của quân và dân Quảng Bình. Vì vậy, xây dựng Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" là ước nguyện thiêng liêng của cấp ủy, chính quyền, quân và dân Quảng Bình, để ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại đó.
 
Thận trọng, kỹ lưỡng, chu đáo
 
Ông Nguyễn Chung Nguyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình, chủ đầu tư thực hiện dự án cho biết: Chủ trương xây dựng Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2004.  
 
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Bình được quy hoạch xây dựng tượng đài nhóm A2 (tượng đài quy mô lớn) cùng với các tỉnh Hà Giang, Cần Thơ và Hải Phòng.
 
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, thông báo để xây dựng Tượng đài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình”. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng tượng đài; thành lập Ban tổ chức, ban hành thể lệ cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo, thành lập Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng đài và lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân với mẫu phác thảo mà Ban tổ chức cuộc thi đã chấm chọn. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, chủ quan khác nhau, dự án chưa thể thực hiện.
 
Ngày 25-8-2017, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thực hiện dự án xây dựng Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" theo hình thức sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để thực hiện dự án với phạm vi quy hoạch là 6,8ha, bao gồm hạ tầng Quảng trường trung tâm và định vị vị trí đặt tượng đài.
 
Tại phiên họp ngày 29-8-2018, sau khi nghe Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình báo cáo, xin ý kiến về mẫu phác thảo Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" và ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thảo luận và thống nhất cao mẫu phác thảo. Ban Bí thư hoan nghênh Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo tiến hành nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo công tác chuẩn bị mẫu phác thảo tượng đài; đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức thi công bảo đảm chất lượng nghệ thuật tốt nhất cho công trình.
 
Xác định ý nghĩa đặc biệt và tầm quan trọng của dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đã rất thận trọng, kỹ lưỡng và chu đáo trong suốt quá trình chỉ đạo thực hiện dự án.
 
Trong nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang luôn nhấn mạnh: Dự án Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" rất quan trọng, có ý nghĩa chính trị, văn hóa-xã hội sâu sắc, thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân Quảng Bình đối với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.
 
Đồng chí Hoàng Đăng Quang thường xuyên quan tâm chỉ đạo, đến kiểm tra công trình, nhắc nhở các đơn vị chủ đầu tư, giám sát, thi công thực hiện đúng tiến độ, chất lượng công trình…
 
Điểm nhấn của thành phố du lịch
 
Công trình Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" được đặt tại quảng trường trung tâm TP. Đồng Hới, quay về hướng đông, phía trước là đường diễu hành, sân quảng trường lát đá và thảm cỏ; phía sau là đồi cảnh quan trồng cây xanh, thảm cỏ và đường dạo. 
Tượng đài
Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình". Ảnh: Xuân Hoàng
Tượng đài gồm 7 nhân vật, được làm từ chất liệu hợp kim đồng, dày 2,5cm, bệ tượng cao 3m. Bác Hồ là nhân vật trung tâm, chiều cao tượng Bác Hồ 5,4m; các nhân vật còn lại cao từ 3,2-5,31m, gồm: nhân vật thiếu nhi đại diện cho thế hệ trẻ; nhân vật nữ đại diện cho nông nghiệp; nhân vật nam đại diện cho ngư nghiệp; nhân vật nam (bộ đội) đại diện cho LLVT; nhân vật nam (công nhân) đại diện cho công nhân, trí thức; nhân vật nữ người dân tộc Bru-Vân Kiều đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình. 
 
Toàn bộ nhóm tượng được đặt trên bệ tượng bằng đá cao 3m, thể hiện thần thái, trang phục Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Người về thăm Quảng Bình năm 1957, gặp mặt và nói chuyện thân ái với đồng bào, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Quảng Bình. Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.
 
Sau lưng cụm tượng là biểu trưng cánh buồm, với ý nghĩa thể hiện Quảng Bình đang căng buồm vượt sóng ra khơi, vươn ra biển lớn, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy. Cánh buồm làm bằng chất liệu đá xanh cao 20m, lõi kết cấu bê tông cốt thép. Hai bên tượng đài là 2 mảng phù điêu có kích thước tại vị trí cao nhất là 7,2m và vị trí dài nhất là 23m; bệ phù điêu cao 1,8m; đế phù điêu có kích thước cao 0,7m, dài 28m, rộng 3,1m. Bề mặt phù điêu, đế và bệ phù điêu được ốp bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa ghép khối, bên trong là hệ khung bê tông cốt thép.
 
Công trình Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" không chỉ giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng cho các thế hệ; thể hiện tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đối với Bác Hồ mà còn góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội của TP.Đồng Hới, thành phố du lịch đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
 
Theo các thành viên Hội đồng nghệ thuật, Công trình Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình", cùng với công trình đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ (nằm trong khuôn viên quảng trường) khi đưa vào sử dụng là một điểm nhấn về không gian, kiến trúc của TP.Đồng Hới. Công trình là địa chỉ đỏ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Bác Hồ vĩ đại, khu vực quảng trường đồng thời là nơi phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân và tổ chức các sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Bình.
Công trình Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình" có tổng mức đầu tư 78,8 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần Mỹ thuật và Xây dựng Việt Nam (đồng thời là tác giả mỹ thuật), một đơn vị có uy tín và kinh nghiệm sáng tác, thi công nhiều công trình tượng đài trong cả nước. Ngày 14-9-2019, tại TP.Đồng Hới, công trình chính thức được khởi công xây dựng. Trước đó, ngày 31-7-2019, tại thị trấn Phùng, TP.Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu mẫu phỏng đất sét tỷ lệ 1:1. Ngày 24-11-2019, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tổ chức lễ rót hợp kim đồng vào khuôn đúc Tượng đài "Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình". Ngày 27-3-2020, tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, tổ chức nghiệm thu công tác sửa nguội và chọn màu nhóm tượng. Ngày 17-4-2020, tổ chức rước tượng Bác từ Ý Yên, Nam Định về TP. Đồng Hới. Ngày 4-6-2020 tổ chức nghiệm thu phần mỹ thuật công trình; 16/16 thành viên Hội đồng nghiệm thu xếp loại A cho phần mỹ thuật công trình và đồng ý đưa công trình vào sử dụng…

Phan Phương