Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tình Bác ấm lòng dân

  • 16:45 | Thứ Ba, 19/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cả một đời vì nước, vì dân, trước lúc đi xa, Bác còn để lại “muôn vàn tình yêu thương” cho toàn Đảng, toàn dân. Cám ơn nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ tiếng lòng nức nở của muôn triệu con tim:“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông vạn kiếp người”.
 
Tình yêu thương con người của Bác dành cho tất cả người lao động, những người cùng khổ bị áp bức trên toàn thế giới, nhưng trước hết tình cảm của Người dành cho đồng bào mình, dân tộc mình mênh mông như sông dài, biển rộng. Người từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Tình yêu thương đó Bác dành cho tất cả mọi người, mọi vùng đất, không quên, không bỏ sót một ai, một nơi nào. Riêng đối với người dân Quảng Bình, tình Bác sâu nặng lắm.
 
Thời tuổi trẻ, Bác đi qua vùng đất này và hình ảnh Quảng Bình nghèo khó đã lưu lại trong trí nhớ của Người, để rồi mấy chục năm sau, trong một lần gặp lãnh đạo tỉnh, Bác hỏi: “Bệnh chân voi ngày xưa ở vùng cát phía Nam tỉnh nay còn không” rồi nhắc nhở ngành y tế phải chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Năm 1957, Bác về thăm, động viên, cổ vũ đồng bào, chiến sỹ xây dựng và phát triển kinh tế để Quảng Bình giàu đẹp, nhân dân có cơm no, áo ấm. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không có điều kiện trở lại thăm Quảng Bình, nhưng Bác luôn nhớ đến Quảng Bình, dành cho chiến sỹ, đồng bào những tình cảm sâu nặng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng  bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Tư, tỉnh Thái Nguyên năm 1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Tư, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu
Thương dân, vì dân, dẫu bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn theo dõi từng bước đi lên của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Khi thấy HTX Đại Phong của Quảng Bình trở thành lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa miền Bắc, Bác vui mừng biểu dương, viết ngay hai bài báo “Một hợp tác xã gương mẫu” và “Phong trào Đại Phong” khen ngợi: “Trong khoảng ba năm, từ một hợp tác xã 23 hộ nghèo khó phát triển đến 455 hộ sinh hoạt ngang với mức sống của trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để tiến lên." 
 
Khi miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết Quảng Bình ở tuyến đầu miền Bắc sẽ chịu nhiều tổn thất nặng nề, Bác căn dặn đồng bào, chiến sỹ phải làm tốt phòng không nhân dân để bảo đảm an toàn về tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại và chăm lo cải thiện đời sống nhân dân trong thời chiến. Biểu dương bài học dựa vào dân của Quảng Bình, trong bài nói chuyện tại lớp cán bộ cấp huyện ngày 18-1-1967, Bác chỉ rõ: “Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng: Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
 
Theo dõi cuộc chiến đấu của quân dân Quảng Bình từ năm 1965 đến năm 1968, Bác đã nhiều lần gửi thư khen quân dân toàn tỉnh và còn gửi thư khen đơn vị dân quân gái xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh) và tặng mỗi chị một huy hiệu của Người vì đã chiến đấu giỏi bắn rơi tại chỗ một máy bay phản lực Mỹ.
 
Cùng với thư khen là những lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” có thêu chữ ký của Bác; những huân chương cao quý và hàng trăm huy hiệu của Người tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong sản xuất và chiến đấu. Ngày 19-5-1968, đúng ngày sinh nhật lần thứ 78 của Người, Bác đã tặng quân và dân Quảng Bình tấm ảnh chân dung của mình với lời để tặng “Chào thân ái và quyết thắng” có chữ ký Bác Hồ. Thư, quà và ảnh Bác là nguồn động viên sức mạnh cho quân dân Quảng Bình vượt qua muôn vàn thử thách, càng đánh càng thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Không những có thế, Bác còn dành tình cảm yêu thương trìu mến mỗi khi gặp cán bộ, chiến sỹ là con em Quảng Bình. Trong Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua lần thứ IV năm 1966, khi bước vào hội trường, Bác đến ngay dãy ghế đầu ân cần hỏi thăm sức khỏe mẹ Nguyễn Thị Suốt. Bác còn biểu dương: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sỹ đã khuyến khích con cháu của mình vào bộ đội đánh giặc cứu nước, còn nuôi nấng, giúp đỡ, bảo vệ cán bộ và chiến sỹ khác như con cháu mình. Thí dụ: Bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to, gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu”.
 
Theo dõi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Quảng Bình, mỗi lần thấy các chiến sỹ, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong lập nhiều thành tích xuất sắc, Bác vui mừng, khen ngợi và cho vào gặp Bác. Bác vui mừng, khen ngợi khi nghe chị Nguyễn Thị Triển, Trung đội trưởng, Xã đội phó xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) thay mặt đơn vị kể về trận đánh mưu trí, dũng cảm đêm 27-7-1967 dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay RF4C (chụp ảnh ban đêm). Khi ra về, Bác tặng chị một chiếc đồng hồ đeo tay để tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Chị Nguyễn Thị Xuân, dân quân xã Quảng Phúc (nay là phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn) một mình với khẩu đại liên bằng 23 viên đạn bắn rơi chiếc F4H ngày 6-12-1967,  khi cùng các chiến sỹ gái Quân khu 4 vào thăm được Bác dẫn ra vườn trước ngôi nhà sàn và hái tặng mỗi chị một nhánh lan rừng sực nức hương thơm.
 
Có một kỷ niệm mà người dân xã Dân Hóa nhớ mãi, đó là vào năm 1966 khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt, biết được cụ Hồ Đa thọ hơn 100 tuổi, Bác đã gửi tặng cụ chiếc áo lụa và bức ảnh chân dung của Người có ghi dòng chữ “Tặng cụ Hồ Đa” do chính tay Bác viết.
Nguyễn Thị Kim Huế, người anh hùng của Đại đội TNXP 759 anh hùng trên Đồi 37 lại có kỷ niệm không thẻ nào quên được gặp Bác. Chị kể: “Được gặp Bác Hồ là vinh dự lớn lao nhất trong đời tôi. Hôm đó, sau giây phút xúc động mãnh liệt, tôi trấn tỉnh lại và say sưa ngắm Bác không chớp mắt. Bác mặc bộ bà ba màu gụ, bên ngoài khoác chiếc áo đại cán vải ka ki. Chân đi dép cao su, đầu tóc Bác bạc phơ nhưng nước da thì hồng hào, đôi mắt trong sáng hiền từ…”.
 
Cảm động nhất là khi thấy chị chỉ mặc chiếc áo TNXP mỏng, Bác nhắc chị về  nhớ mặc thêm áo kẻo lạnh. Bác ân cần hỏi thăm đơn vị, hỏi thăm các đồng bào các dân tộc thiểu số ở xã Dân Hóa và nhắc đến cụ Hồ Đa. Sau khi nghe chị báo cáo tình hình Đại đội 759, Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ ghi lại và bàn với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Bác cho thêm đơn vị mỗi người hai lạng rưỡi muối, 50 viên kí-ninh (thuốc phòng chống sốt rét). Riêng các chiến sỹ nữ, Bác bảo nhớ gửi cho mỗi cháu một chai cao ích mẫu.
 
Trước khi ra về, Bác bảo chị: “Cầm lấy phần kẹo của Bác đem về cho các cháu ở nhà mỗi cháu một chiếc, riêng Huế Bác cho 3 chiếc. Cháu về nói với đơn vị là Bác gửi lời thăm và nói với các cháu hãy công tác tốt để Bác vui, Bác khỏe, ngày đất nước thống nhất Bác vào thăm đồng bào miền Nam, Bác sẽ ghé thăm đơn vị cháu và đồng bào các dân tộc vùng tây Quảng Bình”[1]. Cảm động hơn khi biết chị Huế lấy chồng đã lâu nhưng do hoàn cảnh công tác mà chưa có con, Bác dặn: “Đánh Mỹ thì cứ đánh nhưng cháu phải lo có con” và nhắc đồng chí phụ trách: “Hết nghĩa vụ thanh niên xung phong tạo điều kiện cho vợ chồng cô Huế sống gần nhau”. Nhắc đến kỷ niệm này, nhiều lần chị Kim Huế không cầm được nước mắt.
 
Vụ đông-xuân1968, Quảng Bình mất mùa, bà con bữa cơm bữa cháo cầm cự qua những ngày giáp hạt. Trong lúc đó, tình hình ở chiến trường Trị Thiên khó khăn hơn, bộ đội, nhân dân nhiều nơi thiếu đói trầm trọng. Nhân dân Quảng Bình thực hiện khẩu hiệu “trút gạo trong nồi cho Trị Thiên đánh Mỹ”, các địa phương huy động được 2.600 tấn gạo cho tỉnh vay kịp thời chi viện chiến trường. Cuối năm 1968, giặc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Trung ương mở chiến dịch vận tải lớn vào chiến trường trong đó có hàng hóa, lương thực cho nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, tỉnh có chủ trương trả số gạo đã vay cho nhân dân.
 
Vụ 8 năm đó được mùa, bà con đã qua kỳ bĩ cực, thấy Nhà nước còn khó khăn, nhân dân các địa phương đề nghị ủng hộ số gạo đó cho chiến trường, tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Không ngờ, Bác biết chuyện. Trong một hội nghị ở Trung ương, Bác gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Người ân cần căn dặn: “Bác nghe Quảng Bình đã làm một việc tốt là vay gạo trong dân để kịp thời chi viện cho mặt trận. Bây giờ gạo đã chuyển vào, các chú phải trả lại cho dân thật sòng phẳng không được vay quyền ả, trả quyền tôi”[2].
 
Tết Kỷ Dậu năm đó, những hạt gạo Chính phủ đến với dân, biết được tấm lòng Bác, nhiều người không cầm được nước mắt. Cũng trong dịp đó, Bác gửi bánh kẹo, đường, sữa, vải lụa tặng các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên, nhi đồng, các gia đình liệt sỹ, thương binh và những người bị thương tật do chiến tranh.
 
Hơn nửa thế kỷ Bác đã đi xa, nhưng những câu chuyện về tình yêu thương của Bác vẫn ấm mãi trong lòng dân Quảng Bình.
 
[1] Theo ghi chép của Nguyễn Văn Nhĩ - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình
[2] Theo sách Tuyến lửa những năm tháng sôi động
 
Phan Viết Dũng