Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Làng du lịch nơi đầu sóng

  • 07:31 | Chủ Nhật, 24/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là ngôi làng biển có bề dày lịch sử gần 400 năm, bao thế hệ người dân Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) chỉ quen với nghề chài lưới, khái niệm về phát triển du lịch vẫn còn mơ hồ đối với chính quyền và người dân nơi đây.
 
Thế rồi sự ra đời của Chương trình hành động số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 với những quyết sách đúng đắn đã tạo thành “cú hích” mạnh mẽ để Cảnh Dương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mình, trở thành ngôi làng du lịch nơi đầu sóng.
 
Khơi thông dòng chảy văn hóa...
 
Là một làng quê thuộc “bát danh hương” với lịch sử lâu đời và bề dày văn hóa truyền thống, ý thức được thế mạnh của mình, nhận thấy du lịch là hướng đi hiệu quả ngoài nghề truyền thống là khai thác, chế biến hải sản, Cảnh Dương đã phát triển và phục dựng các lễ hội, phong tục văn hóa truyền thống của làng. Đó là lễ hội Cầu ngư, chèo cạn, đua thuyền truyền thống, lấy lửa đình làng đêm giao thừa, nấu cơm thi cơm cần, đánh cờ người... Cảnh Dương còn có một “bảo tàng” cổ là Ngư Linh miếu, nơi trưng bày hai bộ xương cá voi có chiều dài lớn nhất Việt Nam-niềm tự hào từ bao đời nay của người dân địa phương.
Trò chơi dân gian đánh cờ người-một nét đẹp văn hóa độc đáo của xã Cảnh Dương.
Trò chơi dân gian đánh cờ người-một nét đẹp văn hóa độc đáo của xã Cảnh Dương.
Nếu trước đây một số lễ hội chỉ được duy trì với phần hội trong các dịp lễ tết, hoặc có những thời điểm do đời sống khó khăn, có những lễ hội bị lãng quên, thì đến thời điểm này, Cảnh Dương đã phục dựng và phát triển các lễ hộ ở mức cao nhất, bao gồm các tài liệu ghi chép khá đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc lễ hội, đầu tư trang phục, sưu tầm và đặt lời mới cho âm nhạc trong lễ hội...
 
Không chỉ dừng lại ở đó, Cảnh Dương đã mở những lớp hát ru, chèo cạn để truyền dạy, phát triển vốn quý này trong cộng đồng. Sau khi nghệ nhân dân gian (NNDG) Phạm Ngọc Thức qua đời, NNDG Lê Thành Lộc là gương mặt sáng giá tiếp nối cụ Thức để những giai điệu truyền thống của quê hương lan tỏa mạnh mẽ không chỉ trong cộng đồng làng xã mà bay cao, bay xa ở những hội diễn trong toàn quốc. NNDG Lê Thành Lộc cũng chính là người đã trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ con em Cảnh Dương về những giai điệu của quê hương thông qua CLB dân ca, những lễ hội ở quê nhà và các hội diễn trong tỉnh, trong nước.
 
Những tục lệ, trò chơi dân gian đẹp và độc đáo, như: lấy lửa đình làng đêm giao thừa, đánh cờ người, nấu cơm thi cơm cần... đã được nhiều người biết đến bởi cách thức tổ chức bài bản, quy củ, hiệu ứng quảng bá mạnh mẽ từ chính những người trong cuộc khi những nét đẹp văn hóa này được chụp ảnh, quay phim, chia sẻ rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội. Một không gian xưa cũ được khôi phục và phát triển trong dòng chảy ồn ào của cuộc sống hiện đại đã thu hút sự chú ý của mọi người. “Hữu xạ tự nhiên hương” có lẽ là sự phản ánh chính xác những vốn văn hóa quý báu của Cảnh Dương, đặc biệt là từ thời điểm Chương trình hành động số 06 ra đời với những định hướng đúng đắn và  sự hỗ trợ mạnh mẽ, đúng thời điểm của tỉnh, huyện và ngành du lịch.
 
Anh Nguyễn Văn Hồng, một du khách từ thủ đô Hà Nội đã ngỡ ngàng khi có mặt tại ngôi làng du lịch nơi đầu sóng này. “Ở quy mô làng xã, để có được vốn liếng về du lịch như Cảnh Dương, tôi nghĩ rất hiếm. Tôi cũng được đến Ngư linh miếu, nơi trưng bày hai bộ xương cá voi khổng lồ và là địa điểm diễn ra lễ cầu ngư và múa bông chèo cạn, tham quan nghĩa địa cá voi... Sau khi được bạn bè cho xem những hình ảnh về lễ hội bơi thuyền truyền thống và tục lấy lửa đêm giao thừa, tôi đã quyết định mình sẽ có mặt ở đây vào những dịp đặc biệt đó để được chứng kiến vẻ đẹp độc đáo của miền quê này!”. Có lẽ không chỉ riêng anh Hồng, mà với nhiều du khách, Cảnh Dương đã mang lại cảm xúc thú vị, những trải nghiệm khó quên bởi không gian đậm sắc màu văn hóa truyền thống.
 
Ngày mới ở “Làng bích họa”
 
“Làng bích họa” là tên gọi mới của Cảnh Dương, khi vào năm 2018, Sở Du lịch và nhóm họa sĩ đến từ Công ty TNHH Imajoo đã biến những ngõ nhỏ cổ kính của ngôi làng này trở thành những cung đường bích họa đầy màu sắc. Những bức tranh 3D không đơn thuần là tranh vẽ khi nó đã thể hiện được chiều sâu lịch sử văn hóa, tín ngưỡng dân gian, đời sống thường nhật và những hình ảnh bay bổng, lãng mạn về cuộc sống của người dân nơi đây. Năm 2019, giai đoạn 2 của làng bích họa đã được hoàn thành. Với tổng số trên 50 bức tranh bích họa, Cảnh Dương đã trở thành một địa điểm hút khách, nhất là các bạn trẻ.
 
Từ hiệu quả của làng bích họa, dịch vụ homestay đã ra đời, song hành cùng các dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Một số hướng đi mới cũng được lên kế hoạch, như: tổ chức tour câu cá mực, kéo lưới trên biển để thu hút thêm du khách đến với trải nghiệm mới.
 Một góc làng du lịch Cảnh Dương.
Một góc làng du lịch Cảnh Dương.
Họa sĩ Nguyễn Việt Dũng, người đóng góp lớn trong việc hoàn thành cung đường bích họa Cảnh Dương không giấu được cảm giác ngỡ ngàng và đầy thú vị đối với làng quê này. “Quá trình khảo sát và triển khai dự án, tôi đã nhận ra những vẻ đẹp đặc biệt của Cảnh Dương. Với chiều sâu văn hóa, không gian cổ kính, thiên nhiên tươi đẹp và con người năng động, ngôi làng này hứa hẹn những tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của tỉnh và ngành du lịch, tôi tin Cảnh Dương sẽ là điểm nhấn thú vị trên hành trình khám phá du lịch Quảng Bình!”.
 
Tại hội nghị tổng kết Chương trình hành động số 06, Cảnh Dương là 1 trong 9 tập thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020.
 
“Đây là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân xã nhà. Để có được thành tựu ấy, có thể khẳng định Chương trình hành động số 06 đóng vai trò to lớn trong việc định hướng phát triển. Quá trình thực hiện, chúng tôi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Sở Du lịch, huyện Quảng Trạch và sự phối hợp tự giác, hiệu quả của bà con. Dù hiệu quả về mặt kinh tế chưa cao, nhưng du lịch đã mở ra hy vọng mới, song hành cùng nghề truyền thống để Cảnh Dương vững vàng hơn trong giai đoạn phát triển mới!”, ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã chia sẻ.
Ngọc Mai