Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Bác Hồ với "Đường Hồ Chí Minh"

  • 08:11 | Chủ Nhật, 17/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng nghìn, hàng vạn trang sách, báo nói đến. Riêng với Quảng Bình, Bác Hồ đã quan tâm và dành rất nhiều tình cảm cho những chiến sỹ bảo đảm con đường ra trận-đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh. Trong dịp kỷ niệm 130 Ngày sinh của Bác, tôi mở lại những trang nhật ký viết từ hơn 50 năm trước, lòng vẫn thấy xúc động trước tình cảm chân thật của tuổi trẻ ngày ấy hướng về Bác Hồ-cũng là biểu tượng cao đẹp của Tổ quốc thiêng liêng-trong cuộc chiến khốc liệt suốt ngày đêm dưới mưa bom bão đạn.
 
Ngày ấy, khoảng năm 1965-1966, chưa có tên đường Hồ Chí Minh, chỉ Đài BBC của Anh và đài Hoa Kỳ gọi các tuyến vượt Trường Sơn ra mặt trận là “đường mòn Hồ Chí Minh” mà trọng điểm chính là tuyến 12A vượt qua Cha Lo, đèo Mụ Giạ, vì lúc đó các tuyến đường khác như đường 10, 16 (vượt Trường Sơn ở phía nam Quảng Bình) và đường 20 chưa khai thông. Chính vì thế, đây là nơi hứng bom đạn nhiều nhất, chịu hy sinh nhiều nhất trong giai đoạn 1965-1966 và do đó được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.
 
Chính vào thời điểm cuộc chiến đấu trên những con đường bước sang giai đoạn ác liệt hơn, Bộ GTVT đã quyết định tổ chức “Đại hội Bảo đảm GTVT, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc. Ngày 9-3-1966, anh Phan Huy Đại, Phó Ban chỉ huy, Bí thư Đảng bộ Công trường 12A (ngày đó, để giữ bí mật, trên báo chí gọi là “Công trường Thống Nhất”) được thay mặt 1.500 cán bộ, công nhân, TNXP trên đường 12A, lên đường ra Hà Nội dự đại hội. Về đại hội này, báo chí đã đưa tin, trong đó có sự kiện Hồ Chủ tịch đã đến thăm đại hội chiều 24-3-1966. Anh Đại ghi lại vài dòng nhật ký liên quan đến đường 12A:
 
“... Mình gặp đoàn đại biểu lúc ở hội trường đi ra. Anh Ly tay cầm lá cờ luân lưu của Chính phủ tặng, vừa nói vừa cười, bộ mặt đỏ ửng lên: “Phấn khởi  l lắm! Cờ, huân chương,  nhưng cũng lo đấy!”. Việc Bác gặp riêng Công trường 12A là một vinh dự thật lớn lao, nhưng cũng nói rõ tầm quan trọng của con đường và báo hiệu cuộc chiến đấu sẽ còn ác liệt hơn...
 
Không phải đợi lâu, chính trong những ngày anh Đại và đoàn đại biểu Công trường 12A đang trên đường trở về, mang theo trọng trách của Tổ quốc trao cho, qua cái bắt tay của Hồ Chủ tịch với đồng chí Bí thư Đảng bộ Công trường, tại trọng điểm Ca Tang đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt 4 ngày liền bên bom nổ chậm.
 
 Bác Hồ với anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế. Ảnh tư liệu
Trong lúc dừng chân bên bờ bắc Ca Tang, chúng tôi nghe anh Diệm, Bí thư Đội Quyết Tiến kể: "Các ngày 28-29-30 và 31-3, bom nổ chậm nổ nhiều lần, anh chị em bị đất vùi, chưa bị thương, lại đứng lên tiếp tục cuốc đất lấp hố bom. Đêm 31-3, một số bị thương nhẹ, vẫn không rời trận địa. Ngay sau trận chiến đấu, ba cô gái Nguyễn Thị Ngụ (19 tuổi), Lưu Thị Khanh (20 tuổi), Trần Thị Tình (19 tuổi) đã được kết nạp vào Đảng…"
 
Nghe xong chuyện chiến đấu mấy ngày qua, đồng chí Phan Huy Đại nói, giọng xúc động: "Thay mặt Đảng ủy và Ban chỉ huy công trường, tôi nhiệt liệt biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí…". Sau đó, anh Đại kể lại giây phút được gặp Bác Hồ ở Đại hội Bảo đảm GTVT toàn miền Bắc.
***
…Không đầy nửa tháng sau, ngày 12-4-1966, không quân Mỹ tung “át chủ bài” B.52 đánh đoạn từ Bãi Dinh lên đèo Mụ Giạ. Bây giờ, sau khi mọi người đã chứng kiến trận “Điện Biên Phủ trên không” hạ hàng chục B.52 ngay trên bầu trời Hà Nội cuối năm 1972, vũ khí chiến lược này không còn là con ngoáo ộp ghê gớm nữa, nhưng trận ngày 12-4 có ý nghĩa lịch sử vì đây là lần đầu B.52 đánh miền Bắc. Có lẽ vì thế, sau trận này, Bác Hồ liền gọi điện vào Quảng Bình hỏi thăm tình hình.
 
Hai tháng sau, từ Công trường bộ, tôi cuốc bộ lên kiểm tra đoạn đường Cha Lo-Mụ Giạ. Khi trở về, tôi ghé lại Đại đội TNXP 759-đơn vị đảm đương đoạn đường xung yếu, chỉ ít ngày sau đã diễn ra trận chiến đấu bi tráng nhất trên đường 12A. Đó là ngày 3-7-1966, trận đánh diễn ra tại km21 (nên về sau gọi là trận “đồi 37” để giữ bí mật). Chính ở đây, trưa 18-6-1966, khi từ đèo Mụ Giạ về xuôi qua km21, tôi và 3 chiến sỹ công binh thoát chết trong gang tấc lúc lọt vào giữa trận bom mở đầu đợt đánh hủy diệt của không quân Mỹ quyết chặt đứt đoạn đường hiểm yếu này.
 
Cho đến đêm 3-7-1966, giữa lúc các chiến sỹ TNXP 759 và công binh Tiểu đoàn 2 đang đánh bộc phá dọn ba đống lớn khoảng 1.200m3, thì bom tọa độ đợt mới trúng ngay trận địa. 80% chiến sỹ thương vong nằm la liệt dọc đường. Trong bóng tối mù mịt, trong khi núi đất vẫn tiếp tục chảy xuống, có tiếng một cô gái: “Mẹ ơi! Con hy sinh vì Tổ quốc rồi! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tiếng kêu của Nguyễn Thị Sâm, chiến sỹ tiểu đội 5. Ngoài Sâm, còn có Thanh, Dương và các o Mị, Mai, Luyến… vết thương đau, vẫn nói: “Lên cứu đồng đội đã!”…
 
Chỉ riêng trong đêm 3-7, Đại đội TNXP 759 hy sinh 8 chiến sỹ. Những ngày sau, bom vẫn tiếp tục trút xuống, Sâm đã được cứu sống, nhưng số thương vong lên tới 35 người, một số thi hài mãi không lấy được. Nguyễn Thị Kim Huế, Tiểu đội trưởng tiểu đội 6, chân bị đau, vẫn dẫn đầu chị em lên trận địa tìm xác đồng đội, mở thông đường…
 
Không hẳn là sự trùng hợp tình cờ, đúng vào những ngày ác liệt này, chủ nhật 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước”, trong đó có câu nói lịch sử đã được lưu truyền đến hôm nay: “…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
 
Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ, không chỉ Đại đội TNXP 759 và Tiểu đoàn 2 công binh, mà nhiều đơn vị trong công trường đã tình nguyện lên km21 quyết nối lại con đường trong khi những chùm bọm tọa độ vẫn liên tục trút xuống...
***    
Cuối năm 1966, Đại đội TNXP 759 và Nguyễn Thị Kim Huế đã được tuyên dương Anh hùng tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc. Bức ảnh đẹp chụp Kim Huế ôm bó hoa tươi bên cạnh Bác Hồ được lan truyền “chóng mặt” - theo cách nói của truyền thông hiện đại. Điều đáng kể thêm là đã có sự nhầm lẫn quan trọng về bức ảnh lịch sử này. Trên nhiều sách báo trong mấy chục năm qua, khi đăng ảnh này đã chú thích nội dung: “Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa Bác Hồ” tại Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước họp tại Hà Nội, đầu năm 1967.
 
Nghe quá… hợp lý, vậy mà sai to và nhiều người không biết! Sai ở câu chú thích nội dung có thể vì báo chí cứ theo nhau in lại, không tìm nguồn gốc và cả vì một nếp nghĩ đã quá quen thuộc là hễ bà con, chiến sỹ các địa phương có dịp gặp Bác Hồ, không tặng hoa thì cũng tặng những sản phẩm của riêng mình, của địa phương mình. Không ai ngờ, trường hợp này thì ngược lại, chính là Bác Hồ đã tặng hoa cho Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế!
 
Và như thế, bức ảnh lại có ý nghĩa đẹp hơn: Lãnh tụ dành những gì tốt đẹp nhất cho các chiến sỹ ở mặt trận. Bó hoa ấy đâu chỉ dành cho Nguyễn Thị Kim Huế mà cho hàng nghìn TNXP, công nhân, bộ đội trên đoạn đường ngày đó mang tên “đường Thống nhất”, còn đài BBC thì gọi là “đầu mối đường Hồ Chí Minh”.
 
Vì sao tôi lại dám khẳng định như thế? Vì tôi còn giữ được tờ Báo Tiền phong tường thuật Đại hội TNXP miền Bắc đầu năm 1967, trong đó có câu: “Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đại hội vừa tặng Bác…”
 
Kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam, cũng là dịp để hiểu thêm tấm lòng của lãnh tụ đối với chiến sỹ Trường Sơn thời bom đạn...
 
Nguyễn Khắc Phê