Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cửa biển Nhật Lệ

  • 07:06 | Thứ Bảy, 18/04/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cửa biển Nhật Lệ cách trung tâm thành phố Đồng Hới chừng 3km về phía đông bắc. Đây là nơi tận cùng của con sông cùng tên bắt nguồn từ đỉnh Trường Sơn phía tây Quảng Bình đổ ra biển. Cửa biển Nhật Lệ là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21-1-1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
 Tượng phù điêu ghi dấu ngày 16-6-1957 Bác Hồ đã tắm biển trong dịp Người vào thăm Quảng Bình. Ảnh: Tiến Hành
Tượng phù điêu ghi dấu ngày 16-6-1957 Bác Hồ đã tắm biển trong dịp Người vào thăm Quảng Bình. Ảnh: Tiến Hành
Theo sử cũ chép thì tên cửa biển Nhật Lệ có từ thời Lý và có nhiều tên gọi khác nhau như “Trú Nha”, “Cửa Sài”… Cửa biển Nhật Lệ vừa là di tích lịch sử vừa là một danh thắng nổi tiếng của Quảng Bình. Những năm đầu của thế kỷ thứ XI, cửa biển Nhật Lệ là nơi diễn ra những trận giao chiến quyết liệt giữa hai quốc gia Đại Việt và Chiêm Thành. Năm 1044, vua tôi Chiêm Thành quấy nhiễu biên cương phía Nam, vua Lý Thái Tông phải thân chinh đi đánh dẹp, thủy quân nhà Lý tập kết ở cửa biển Nhật Lệ. 
 
Năm 1069, trước tình hình nhà Tống (Trung Quốc) phối hợp với Chiêm Thành âm mưu xâm lược Đại Việt ở cả hai phía bắc và nam, vua Lý Thánh Tông trước đánh dẹp Chiêm Thành, sau cự Tống. Vua sai Lý Thường Kiệt làm tiên phong và tự mình thân chinh chỉ huy thủy quân tiến vào cửa biển Nhật Lệ, đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành. Giai đoạn này, cửa biển Nhật Lệ (Đồng Hới) thuộc châu Địa Lý. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép: “Vua đi đánh Chiêm Thành đến mũi Ma Cô, vụng Hà Não đóng quân ở cửa biển Trú Nha" (cửa biển Nhật Lệ).
 
Năm 1407, đời Trần Giản Định, tháng 6, Đặng Tất từ Nghệ An tiến vào Tân Bình, đánh tan quân Phạm Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ, đuổi theo đến cửa biển An Đại thì bắt sống được (1). 
 
Năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thủy quân tập kết ở cửa biển Nhật Lệ, đề thơ tức cảnh "Nhật Lệ hải tấn”:
 
Liễu khóa lên thuyền độ vĩ lư
Phiêu phiêu chính phái trú Hà Cừ
Sa hàn địa lão tà dương ngạn
Sương lẫm phong phi túc thảo khư
Long ngự cửa truyền tiên lý tích
Kinh phong do ký hậu trần thự.
Dịch nghĩa:
Trời sáng thuyền vua tới cửa sông
Hà Cừ phất phới đấng quân hồng
Đất cằn cát lạnh tà soi bến
Sương gió gò hoang ngọn cỏ hồng
Vua ngự còn thuyền tích sự ký
Quân hùng mãi chép chuyện thời Trần
Tuần Nam nay chỉ theo người trước
Mở rộng biên cương vạn dặm hồng
 
Trong suốt 50 năm dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, cửa biển Nhật Lệ có một vị trí rất quan trọng mà bên nào cũng quyết giữ lấy, vì vậy, nơi đây đã trở thành chiến trường ác liệt giữa hai thế lực phong kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài.
 
Năm 1631, Đào Duy Từ vạch kế hoạch cho chúa Nguyễn tự đôn đốc xây lũy Trấn Ninh từ cửa biển Nhật Lệ đến chân núi Đầu Mâu, lấy sông hói, khe suối mé ngoài làm hào… lại lấy xích sắt chắn ngang của Nhật Lệ và Minh Linh (2). Năm 1633, Nguyễn Hữu Dật đắp lũy Trường Sa thuộc xã Cừ Hà để chống quân Trịnh tấn công bằng đường biển. Lũy bắt đầu từ cửa biển Nhật Lệ chạy theo ven biển đến xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh). Cũng năm này, chúa Trịnh là Trịnh Tráng cất quân đánh chúa Nguyễn, rước vua Lê đi cùng để khuếch trương thân thế. Chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên đem quân chống giữ đóng quân tại cửa biển Nhật Lệ, quân Trịnh đánh lâu không được phải rút lui (3).
Bên cửa biển Nhật Lệ hôm nay. Ảnh: Tiến Hành
Bên cửa biển Nhật Lệ hôm nay. Ảnh: Tiến Hành
Năm 1672, Trịnh Tạc cùng đại quân và vua Lê cùng đi, tiến đánh quân Nguyễn. Đây là trận đánh lớn nhất ở cửa biển Nhật Lệ trong suốt 50 năm chiến tranh giữa hai họ Trịnh-Nguyễn. Trong trận này, chúa Nguyễn Phúc Tần huy động 20 vạn quân, cử hoàng tử tâm phúc là Nguyễn Phúc Hiệp làm nguyên soái, sai tướng Nguyễn Hữu Dật đóng giữ lũy Trường Sa, Tài Lễ đem chiến thuyền và đóng cọc giữ ở cửa biển Nhật Lệ (4).
 
Trong cuộc chiến giữa Tây Sơn-chúa Nguyễn (1787-1802), tháng 1 năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn sai Thiếu úy Đặng Văn Tất và Đô Đốc Lực đem 100 chiến thuyền chặn ngang cửa biển Nhật Lệ (5)…
 
Cửa biển Nhật Lệ là nơi thực dân Pháp hai lần tấn công và đổ quân lên thành phố Đồng Hới (19-7-1885 và 27-3-1947) nhưng chúng đều gặp phải tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân và dân ta. Ngày 18-8-1954, thi hành Hiệp định Giơnevơ, quân viễn chinh Pháp buộc phải lên tàu rút ra cửa biển Nhật Lệ. Đặc biệt, cửa Nhật Lệ vinh dự được Bác Hồ nghỉ lại và tắm biển trong dịp Người vào thăm quân dân Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh ngày 16-6-1957.
 
Ngày 30-6-1964, biệt kích người nhái của Mỹ-ngụy lén lút đổ quân lên cửa biển Nhật Lệ đã bị quân dân ta đánh trả quyết liệt. Cửa biển Nhật Lệ trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ là cảng biển rất quan trọng, là nơi có tàu thuyền vận chuyển lương thực, vũ khí từ Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi đây đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt. Các trận thủy lôi bom từ trường ném xuống nơi đây nhưng vẫn không ngăn được mạch máu giao thông trên sông, trên biển với những tấm gương anh hùng liệt sỹ: Trương Pháp, mẹ Suốt, Nguyễn Thị Khíu…
 
Cửa biển Nhật Lệ là một trong những thắng cảnh của tỉnh Quảng Bình. Năm 1809-1813, đại thi hào Nguyễn Du làm cai bạ ở Quảng Bình đã có câu thơ miêu tả cảnh hoàng hôn của cửa biển: “Buồn trông cửa biển chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa". Cảnh đẹp của cửa biển đã đi vào thơ ca, vùng sông nước trên bến dưới thuyền tấp nập. Bãi tắm Nhật Lệ trong xanh ngày càng thu hút du khách muôn phương về với Đồng Hới, với cửa biển Nhật Lệ của thành phố hoa hồng.
 
 Tạ Đình Hà
 
(1) (2) Đại Nam Thực lục Tiền Biên (NXB Sử học,  Hà Nội 1962. Quyển I)
 
(3) (4) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục (NXBKHXH, Hà Nội, 1977; trang 35,37,38)
 
(5) Bách khoa toàn thư, Chiến tranh Tây Sơn-Chúa Nguyễn (1787-1802)