Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện ghi ở Khe Khế…

  • 08:29 | Chủ Nhật, 22/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Rất nhiều lần tôi đã đi ngang qua vùng đất ấy, nhưng vẫn thiếu một chữ duyên để có thể nán lại lâu hơn, dù nơi đó có những nếp nhà sàn, chén rượu ngọt đến mềm môi, đắm say lòng người. Cho đến hôm nay, nghe câu chuyện về những con người đã kiên cường bám đất, bám bản nỗ lực thoát nghèo, xây dựng bản văn hóa mới nơi đại ngàn hùng vĩ giữa bao bộn bề khó khăn, tôi quyết định trở lại bản Khe Khế, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy một lần nữa…
 
Từ Trầm Đòng đến Khe Khế hôm nay…
 
Theo chân cùng tôi trong hành trình trở lại bản Khe Khế lần này là anh Phạm Đức Hóa, Trưởng phòng dân tộc huyện Lệ Thủy, người có thâm niên gắn bó với nghề rừng, bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được gần 30 năm nay.
 
Do không hẹn trước nên chúng tôi đến bản sớm hơn dự định. Con đường bê tông dẫn vào bản với nhiều ngôi nhà đã nổi lửa, làn khói quyện với hơi sương giữa tháng ba tạo cảm giác ấm cúng, yên bình đến lạ. 
 Đường giao thông nông thôn ở bản Khe Khế đã được đầu tư xây dựng.
Đường giao thông nông thôn ở bản Khe Khế đã được đầu tư xây dựng.
Ngay tại đầu con dốc vào bản, chúng tôi ghé nhà Hồ Văn Kinh (34 tuổi), Trưởng bản Khe Khế. Bên ấm trà phảng phất hơi nóng, Hồ Văn Kinh kể rằng, hành trình 26 năm từ xứ Trầm Đòng xa tít trong núi rừng Trường Sơn của người dân bản Khe Khế đã có nhiều thay đổi và đáng tự hào hơn, ở đây vẫn có những con người hăng say lao động sản xuất, viết lên nhiều câu chuyện “cổ tích” về bản mới nơi đại ngàn.
 
Hồ Văn Kinh dẫn chúng tôi đi vào bản, người đầu tiên Kinh giới thiệu được xem là người giàu nhất, có uy tín nhất bản Khe Khế, đó là ông Hoàng Bình (60 tuổi). Trong ngôi nhà nằm sát cạnh con suối Khe Khế, nhấp hết chén rượu vừa rót ra, câu chuyện những ngày xưa cũ của bản Khe Khế bắt đầu hiện về trong tâm trí ông Hoàng Bình.
 
“Dân bản Khe Khế miềng gốc gác tận Quảng Trị, những năm đánh Pháp, Mỹ, bản Khe Khế vẫn được định cư tại địa điểm này. Nhưng vì chiến tranh tàn phá liên miên, bà con dân bản phải bỏ bản cũ, vào xứ Trầm Đòng (thuộc xã Kim Thủy) xa tít giữa đại ngàn Trường Sơn. Năm 1994, những người có uy tín ở bản mới vận động bà con trở lại xứ cũ này để an cư lạc nghiệp, làm kinh tế”, ông Bình nhấp tiếp chén rượu và nói.
 
Câu chuyện với ông Hoàng Bình bắt đầu trở nên rôm rả khi ông say sưa kể chuyện làm kinh tế của gia đình mình từ xứ Trầm Đòng xa xôi đến Khe Khế hôm nay. Ông kể, ông là người sinh ra và lớn lên trên dãy Trường Sơn, vùng đất Trầm Đòng cũ và Khe Khế mới mà ông đang sống bây giờ mùa hè nắng nóng, mùa mưa đi lại khó khăn vàgò bó bởi những hủ tục lạc hậu. Hơn nữa, đồng bào Vân Kiều quen với lối sản xuất "chặt, đốt, cốt, trỉa", do vậy mà cuộc sống vẫn còn bộn bề khó khăn.
 
Những “rào cản” ấy đã thôi thúc ông phải là người đi “tiên phong” xóa đói nghèo ở bản Khe Khế. Nghĩ và làm, bao nhiêu vốn liếng tích góp được, ông đã mạnh dạn mua trâu, dê về chăn nuôi trong gia đình. Nhưng ông nhận thấy, về lâu dài phải trồng được cái rừng tốt như bên Lâm trường Kiến Giang mới giàu. Vậy là ông mạnh dạn nhận thêm 8ha đất để tiến hành trồng rừng.Đến bây giờ, thành quả mà ông Hoàng Bình phấn khởi nhất là gia đình ông đã có 13 con trâu, 6 con dê và 8ha rừng trồng cây keo.
Ông Hoàng Bình người được xem là giàu nhất bản Khe Khế với mô hình chăn nuôi, trồng rừng hiệu quả.
Ông Hoàng Bình người được xem là giàu nhất bản Khe Khế với mô hình chăn nuôi, trồng rừng hiệu quả.
Cũng như gia đình ông Hoàng Bình, gia đình ông Hồ Tích (60 tuổi) cũng là một trong những hộ tiên phong về xóa đói giảm nghèo ở bản Khe Khế.
 
Ông Hồ Tích kể rằng, gia đình ông thuộc những lớp người đầu tiên xung phong trở lại bản Khe Khế. Hành trình trở lại đất cũ để xây dựng cuộc sống mới của gia đình ông cũng rất gian nan, vất vả. Những năm đầu, ông cùng vợ con hàng ngày cần mẫn khai hoang, vỡ đất, làm thủy lợi để trồng lúa nước nhằm giải quyết vấn đề lương thực cho gia đình. Sau đó, gia đình ông đã mạnh dạn nhận đất để trồng rừng và nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt nhằm nâng cao đời sống cho gia đình.
 
Ông hồ hởi khoe với chúng tôi rằng: "Từ chỗ thiếu ăn, chạy đói liên miên, đến nay, gia đình miềng cũng có 3ha rừng keo và đã thu hoạch được 2 vụ rồi, 5 sào lúa nước, nuôi 2 con bò. Thu nhập mỗi năm của gia đình cũng đạt gần 70/ triệu đồng/năm".
 
Vơi bớt gian nan trên hành trình xây dựng bản nông thôn mới 
 
Trưởng bản Hồ Văn Kinh lật cuốn sổ ghi chép, phấn khởi khoe với chúng tôi rằng: "Bản Khe Khế có 73 hộ với gần 290 khẩu, bây giờ đổi mới nhiều lắm, không còn hộ nào phải đói ăn như trước nữa. Nhà nào cũng có ngô, lúa, biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng. Nhiều gia đình có kinh tế khá giả. Nhưng hành trình xây dựng bản nông thôn mới ở Khe Khế vẫn còn có những khó khăn phía trước cần được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ".
Chia sẻ vấn đề mà Trưởng bản Hồ Văn Kinh lo lắng, ông Phạm Đức Hóa, Trưởng phòng dân tộc huyện Lệ Thủy cho biết, bản Khe Khế đã được huyện Lệ Thủy chọn làm "điểm" xây dựng bản nông thôn mới cùng với các bản Còi Đá (xã Ngân Thủy), bản Xà Khía (xã Lâm Thủy). Đến nay, theo đánh giá, rà soát của các cơ quan chức năng, bản đã có 11 tiêu chí đạt và gần đạt, như: giao thông, quy hoạch, thương mại nông thôn, lao động việc làm…
 
Tuy nhiên, bản lại có đến 8 tiêu chí chưa đạt, gồm: thủy lợi, trường học, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, giáo dục và đào tạo, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất… Qua rà soát một số tiêu chí chưa đạt của bản Khe Khế, huyện sẽ có những những giải pháp phù hợp để bản đạt được mục tiêu xây dựng bản nông thôn mới.
Ông Hồ Văn Mừng, Bí thư Chi bộ bản Khe Khế cho rằng, nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở bản chưa đạt nhưng Chi bộ Đảng và bà con dân bản sẽ cố gắng để hoàn thành, nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
 
Nhiều năm qua, dân bản Khe Khế rất chú trọng đến việc làm lúa nước. Đến nay, bà con dân bản đã khai hoang được 10ha nhưng do thiếu nước nên chỉ làm được 1 vụ lúa đông-xuân bởi một số công trình thủy lợi nhỏ ở bản đã xuống cấp, không còn sử dụng được. Nguyện vọng của bà con là mong muốn Nhà nước đầu tư một công trình thủy lợi để có nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
 
Đem những băn khoăn, trăn trở của dân bản Khe Khế qua trao đổi với ông Hồ Văn Xoan, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, chúng tôi được biết, bản Khe Khế có đến 99% đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống, đời sống của dân bản những năm qua đã được cải thiện, tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn khá cao. Bản đang được huyện Lệ Thủy tập trung xây dựng bản nông thôn mới, nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí chưa đạt, trong đó khó khăn nhất là tiêu chí thủy lợi…
 
“Mấy năm trước, huyện cũng đã khảo sát để làm một công trình thủy lợi lấy nước từ đập Phú Hòa (xã Phú Thủy) dẫn về bản cho bà con dân bản phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, sau khi tính toán, chi phí quá lớn nên đến giờ không thể thực hiện được”, ông Xoan trăn trở.
Ngọc Hải