Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xuân trên quê mới Bù Đốp

  • 08:28 | Chủ Nhật, 26/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân xuân đang về, lại nhớ tết năm năm kia, khi họp mặt đồng hương Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) tại TP.HCM, ngoài quê tôi cử một đoàn, có cả tân Bí thư Đảng ủy xã Văn Hóa là ông Lương Thanh Tấn, vào chúc tết bà con. Dự xong thì đoàn có nhã ý đi thăm Bù Đốp là nơi dân trong xã di cư vào sinh sống nhiều nhất ở miền Nam.
 
Tôi đưa đoàn đi. Bù Đốp cách TP.HCM 174 km, là một huyện biên giới của tỉnh Bình Phước với nước bạn Campuchia.Chưa ai tính được dân xã tôi hiện có bao nhiêu hộ ở đó, vì kể từ lượt di dân lớn đầu tiên là năm 1983 thì Văn Hóa đã có vài trăm hộ đi theo diện kinh tế mới. Rồi những năm sau đó nữa, phần lớn là đi tự do, nhưng cứ sau mỗi đận bão to lụt lớn là lại dắt díu nhau đi. Gần 40 năm nên đã gần qua cả một thế hệ, nhiều gia đình sinh con rồi đến lượt cháu, nhưng chỉ cần nói dân Lệ Sơn thì đã thấy gần gũi mà ngồi với nhau.
 
Lần đầu tôi vào Bù Đốp là năm 1986, khi vừa rời trường đại học. Bấy giờ, mong muốn duy nhất của tôi chỉ là tới đó để tìm anh em trong nội thân ngoại tộc đã dứt áo rời quê trong cảnh đói khát. Lúc ấy, từ TP.HCM, phải chầu chực ở bến xe miền Đông từ 3 giờ sáng để mua vé xe. Xe chỉ có một chuyến mỗi ngày nên chật ních người, là những chiếc renaul cũ kỹ của Mỹ, chạy bằng than nóng đúng kiểu… lò nung. Xe chạy đúng một ngày, nhập nhoạng tối mới đến chợ Bù Đốp. Xuống xe, nhìn chẳng biết ai là đàn ông, đàn bà, vì người nào cũng như một cây bụi di động, đỏ quạch từ đầu đến chân, bơ phờ, rệu rã.
Nông dân Bù Đốp chuẩn bị cây giống cho vụ trồng mới cao su và điều năm 2020.
Nông dân Bù Đốp chuẩn bị cây giống cho vụ trồng mới cao su và điều năm 2020.
Nhớ lúc đó nói đến Bù Đốp thì không phải là đến huyện Bù Đốp với 6 xã và 1 thị trấn như bây giờ, mà là đến một xã cuối của huyện Lộc Ninh là Thiện Hưng bây giờ. Vùng này nằm biệt lập trong một vùng thung lũng rộng lớn, có sân bay cũ của thời Mỹ - Diệm và cái chợ mới Bù Đốp là một đầu mối của hàng lậu từ Campuchia tràn về. Xe chở gỗ nườm nượp suốt ngày đêm, nối nhau cày xới những con đường đất đỏ mưa lầy nắng bụi, mỗi chiếc xe reo kềnh càng chỉ đủ sức chở một khúc gỗ lớn có khi là vài sải tay ôm vòng mới hết.
 
Ngày tôi đến tận mắt nhìn thấy nhiều điều mà trước đó ở quê chỉ nghe nói. Người ta kể là ở Bù Đốp sốt rét kinh hoàng lắm nhưng dễ làm ăn. Tịnh không ai nhắc đến việc chỉ mới trước thời điểm tôi vào chưa lâu thì vùng đất này được gọi là “tắm máu” trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
 
Bấy giờ ở quê vẫn đói. Văn Hóa quê tôi vẫn lúa đựng chum, đậu đựng hũ đựng chai, vẫn lèn chặt khoai gieo phòng khi lụt bão, vẫn quanh năm xơ mít dưa môn xót dạ, nên đến Bù Đốp thì tôi thực sự bất ngờ. Anh Lương Duy Cẩn, nhà ở ngay sau lưng chợ Bù Đốp, là nơi tôi đến đầu tiên. Anh là con bác tôi, dắt díu vợ con đi với hai bàn tay trắng. Anh khiến tôi phải xuýt xoa mãi vì trong nhà có những 2 sập lớn chứa đầy hồ tiêu khô, tính e phải bằng tấn. Dạo ấy cứ 10-15kg tiêu khô đã ngang 1 chỉ vàng y. Ấy là chưa nói tới đậu phụng, rồi lúa. Lúa nhiều đến độ đem nấu cả cho heo ăn. Tất cả đều do anh chị và các cháu đổ mồ hôi cày cuốc mà làm ra, thế mới nể, chẳng việc gì phải băn khoăn với nỗi ám ảnh với đói như ở quê.
 
Mà không chỉ anh Cẩn, dân quê tôi vào đó đều đổi đời hẳn. Dù là người đi theo chương trình di dân nên được cấp mảnh vườn và 6 tháng lương thực, được ưu tiên vào làm công nhân cạo mủ cao su, cho đến người đi tự do phải bắt đầu bằng việc làm thuê cho chính dân mình hoặc đạp xe vào rừng biên giới khai thác dầu rái, cá tôm rắn rít… Ai mà chịu làm thì đều xóa đói rất nhanh. Những gia đình của anh Phan Thành, anh Trần Đức Cầm, Lương Minh Hùng, rồi đại gia đình ông Trần Đức Lưu… đều rất tự tin với việc làm ăn, dù có năm nông sản mất giá, cứ chăm chỉ là có của ăn của để.
Những vườn cao su góp phần đổi thay cuộc sống của người dân Bù Đốp. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Những vườn cao su góp phần đổi thay cuộc sống của người dân Bù Đốp. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Chỉ có 2 điều mà thời bấy giờ khiến tôi ái ngại khi nghĩ đến Bù Đốp. Đó là sốt rét rất kinh hoàng. Thứ nữa là làm ăn thì dễ, nhưng hàng nông sản có lúc chẳng biết bán cho ai nếu không chịu bán giá rẻ cho nhà nước. Tôi nhớ ngày ra về, anh Cẩn nhờ tôi mang giùm 1kg hồ tiêu về làm quà cho em trai anh ở quê, vậy mà khi xe đò vừa ra khỏi thung lũng Bù Đốp thì quản lý thị trường đã kiểm tra và tịch thu mất.
 
Nhưng đấy là chuyện cũ. Chứ ngày tôi đưa đoàn cán bộ xã lên thăm Bù Đốp thì dù tôi cố chạy chậm do trên xe có cựu bí thư xã Lương Xuân Quế đã lớn tuổi, thì cũng chỉ hơn 3 tiếng đã tới. Đường nhựa thênh thang miên man trong bạt ngàn cao su, điều, tiêu kéo dài gần tới chợ Bù Đốp. Nhà lầu, nhà đúc, mái ngói lô xô trong màu xanh ken dày của vườn tược. Bí thư Lương Thanh Tấn cứ trầm trồ mãi: “Đất như ri thì trồng cây chi cũng tốt, cứ nghe nói đất miền Nam chừ mới thấy. Cần cù như dân mình mà vào đây thì răng mà đói được”.
 
Mà đúng là không thể đói được. Dù trời đã nhập nhoạng nhưng Anh Đàn - phụ trách một nhánh đồng hương, gọi quanh một chút đã thấy bà con kéo đến hàng chục người, kẻ dao người thớt, nào gà nào heo, nhoáng cái đã thấy bày ra mười mấy mâm. Toàn món quê đậm lưỡi. Chuyện quê, chuyện làm ăn cứ đan trộn vào nhau. Đúng là vui như tết.
 
Đêm, đoàn chia nhau mỗi người theo bà con về một khu khác nhau để san sẻ niềm vui. Đến đâu cũng thấy bà con hân hoan phấn khởi, niềm hân hoan chỉ thấy từ sự no đủ. Cũng không còn nghe ai ca thán về họa sốt rét rừng như năm nào. Đúng thôi, ăn uống no đủ, vườn tược điện đóm thế này thì những bệnh tật do rừng thiêng nước độc phải đầu hàng thôi.
 
Ngày chúng tôi rời Bù Đốp, bà con giành nhau cho quà. Đường xa lại phải đi nhiều nơi nữa nên chúng tôi đành từ chối, dù cũng muốn cầm ít nhiều cho bà con vui. Thì vậy, giờ có cầm cả tấn tiêu khô thì cũng chỉ ngại mỗi đi xa tay xách nách mang, chứ cứ hiên ngang mà đi, chả ai bắt bớ ngăn sông cấm chợ gì như ngày trước. Có thế mới giàu lên được chứ.
 
Lương Duy Cường