Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trần Cảnh Huống - người khai trí đất học Lệ Sơn

  • 07:47 | Thứ Năm, 09/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), vùng đất có hơn 500 năm lịch sử, không chỉ nổi tiếng bởi cảnh sắc hữu tình mà còn được khắp nơi biết đến, ngưỡng mộ và ngợi ca bởi sự học. Chính sự học đó đã đưa Lệ Sơn xếp vào vị trí đầu tiên trong 8 làng văn vật ở Quảng Bình: Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim. Nói đến đạo học truyền đời ở làng Lệ Sơn không thể không nhắc đến Hiệp biện Đại học sỹ, Thái học đường Trần Cảnh Huống, người đã có công khai trí, mở mang và phát triển con đường học vấn cho người dân Lệ Sơn. 
 
Miếu thờ Hiệp biện Đại học sỹ Trần Cảnh Huống ở xã Cảnh Hóa.
Miếu thờ Hiệp biện Đại học sỹ Trần Cảnh Huống ở xã Cảnh Hóa.
Theo gia phả họ Trần còn lưu giữ ở làng Lệ Sơn thì vùng đất Lệ Sơn có lịch sử tồn tại hơn 500 năm trước. Năm 1471, tướng quân Lê Văn Hành trong khi hộ tống vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, khi đi ngang qua vùng đất này đã vô cùng thích thú trước cảnh sắc nơi đây. Vì thế, sau khi đánh dẹp giặc trở về, ông đã xin phép vua Lê Thánh Tông đưa gia đình, dòng họ và một số dòng họ khác dừng chân nơi đây, khai khẩn, mở mang đất đai, lập ra vùng đất Lệ Sơn. 
 
Trải qua thời gian, làng xóm dần phát triển đông đúc. Cùng với việc khai khẩn đất đai lập làng xóm, cụ Lê Văn Hành còn chú trọng đến việc mở mang dân trí cho làng. Cụ đã đích thân sang xứ Tiên Lang (nay là xã Quảng Liên, Quảng Trạch) mời thầy đồ Trần Cảnh Huống về dạy học cho dân làng Lệ Sơn.
 
Cụ Trần Cảnh Huống có gốc gác, dòng dõi là hoàng tộc ở Vĩnh Phúc. Ông nội là Trần Nguyên Hãn, cha là Trần Cảnh Nông, đều là những võ tướng thời Lê, tham gia trong đoàn quân của vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành. Trần Cảnh Huống là người thông minh, được cha mẹ cho ăn học từ nhỏ nên thông tuệ, lại có phong cách sư phạm mẫu mực. Cả cuộc đời cụ gắn với sự nghiệp dạy chữ, dạy người.
 
Cụ còn được vua Lê mời vào cung dạy học. Điều đặc biệt là không chỉ dạy cho con cháu trong hoàng tộc mà cụ còn dạy cho cả con em lao động, những người nông dân nghèo khổ nhưng ham học. Điều đó thời bấy giờ rất hiếm. Bởi vậy, Trần Cảnh Huống được vua Lê Thánh Tông phong tặng: “Hiệp biện Đại học sỹ, Thái học đường Quốc tử giám”. Sau khi cụ mất, không chỉ con cháu trong dòng họ mà nhân dân Lệ Sơn đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao của cụ.
 
Đồng thời, để tỏ lòng biết ơn người đã có công khai trí đầu tiên ở làng Lệ Sơn, sau khi cụ Trần Cảnh Huống mất, nhân dân vẫn tiếp tục duy trì và phát triển sự học. Hiện nay, gia phả của các dòng họ như: Lê, Trần, Lương... vẫn ghi lại những câu chuyện về sự học hết sức ly kỳ. Anh em nhà ông Lê Thế Tập, nhà quá nghèo, dù không đủ áo quần để mặc phải quấn bao bố, vải rách để đi học nhưng vẫn không nản chí, vẫn say sưa học, tham gia thi cử và còn đỗ hạng nhất, nhì. Rồi chuyện ông Lương Duy Trí nhà nghèo không có tiền, phải đi ở chăn trâu, kiếm củi, vừa học lỏm nhưng vẫn theo học, đi thi và đỗ cử nhân... Người Lệ Sơn xưa coi việc học luôn song hành với đời sống, không thể tách rời.
 
Thuở xưa, Lệ Sơn là vùng đất có vị trí bị chia cắt bởi sau lưng là núi, trước mặt là sông Gianh, nên khó khăn trong giao thông đi lại, nhất là cản trở trong việc học hành thi cử. Bên cạnh đó, Lệ Sơn còn là vùng quê nghèo khó bởi ruộng ít lại lụt lội, hạn hán quanh năm, giao thông cách trở, vậy mà con em Lệ Sơn vẫn không nản chí, dù chỉ có củ sắn, củ khoai vẫn say mê với việc học.
 
Trước đây, Lệ Sơn tuy không có nhiều người đỗ đạt, làm quan to trong triều như nhiều vùng khác nhưng ngay từ xưa, Lệ Sơn đã nổi tiếng bởi trình độ dân trí cao và đều. Đến Lệ Sơn, có điều lạ là hầu như ai ai cũng thuộc lòng Tam Tự kinh, Minh Tâm bảo giám. Chính vì vậy mà trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong khi cả nước có đến gần 80% dân số mù chữ thì ở Lệ Sơn, hầu hết người dân đều được xóa mù. Qua đó để khẳng định một điều chắc chắn rằng, người dân Lệ Sơn đã có truyền thống học hành ngay từ khi mới lập làng và truyền thống đó ngày càng được bảo tồn, phát huy.
 
Ngày nay, việc học ở làng Lệ Sơn lại càng được chú trọng hơn xưa, bởi cuộc sống của người dân Lệ Sơn đã thay đổi hơn trước nhiều. Đặc biệt, chính quyền từ xã đến các thôn đều lập Quỹ khuyến học riêng từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Do vậy, có những gia đình khó khăn nhưng con cái vẫn bảo đảm được đi học, có nhà có đến 4-5 con là cử nhân, được tôn kính gọi “nhà đại học”. Học nhiều và quan tâm đến sự học nên nghề nghiệp các thế hệ con em làng Lệ Sơn chọn nhiều vẫn là nghề giáo, nghề y... Tuy nhiên, người Lệ Sơn vẫn quan niệm cho dù làm nghề gì thì cũng phải học thật giỏi, có như vậy mới làm tốt công việc của mình.
 
Hơn 500 năm kể từ khi lập làng, Lệ Sơn luôn phát huy truyền thống học hành mà ông cha đã tạo dựng. Đạo học ăn sâu bén rễ có từ thời cụ Trần Cảnh Huống đã được truyền đời, song hành với đời sống hàng ngày của người dân. Để khi nói đến Lệ Sơn, người ta không chỉ nghĩ đến vùng đất phong cảnh hữu tình, mà còn ấn tượng bởi cốt cách, trí tuệ của người dân nơi đây.
 
Hải Yến