Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Hồi sinh" giống lúa nếp quý và lễ hội cơm mới của người Bru-Vân Kiều

  • 13:59 | Chủ Nhật, 01/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm nay, đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) ai ai cũng vui cái “bụng”, bởi sau một thời gian thất truyền bà con đã tìm lại được giống lúa nếp than quý hiếm và phục dựng thành công lễ hội cơm mới, một nét đẹp văn hóa truyền thống đang có nguy cơ bị quên lãng…
 
Tìm lại giống nếp quý bị thất truyền
 
Các bậc cao nhiên người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) kể rằng, ngày xưa, người Bru-Vân Kiều sống du canh, du cư khắp núi rừng Trường Sơn.
 
Trong hành trình của mình, người Bru-Vân Kiều luôn mang theo một loại giống lúa nếp quý, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng rừng, có hạt gạo màu đen, chắc mẩy, thơm dẻo vô cùng, đó là giống nếp than. Khi người Bru-Vân Kiều được Nhà nước vận động sống định canh định cư, được cấp những giống lúa mới có năng suất cao hơn và do còn lại ít đất canh tác nên họ đã để thất truyền giống lúa nếp than bản địa quý hiếm này.
 
“Giống lúa nếp than ngon, quý bởi nó có hạt chắc mẩy, dẻo, thơm lắm. Ngày xưa, người Bru-Vân Kiều cực khổ lắm, cuộc sống du cư, du canh nay đây mai đó nên rất thiếu thức ăn.
 
Với hạt nếp than, người Bru-Vân Kiều “hôông” lên ăn kèm muối đâm nhuyễn với ớt rừng xanh, có thể ăn từ ngày này qua tháng khác vẫn không ngán, vẫn thấy ngon. Hàng chục năm không được ăn xôi “hôông” từ hạt nếp than, nhưng miềng vẫn không thể nào quên được cái vị của nó.”, ông Hồ Minh Vừa, Trưởng bản Còi Đá, chia sẻ.
 Giống nếp than được ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy trồng thử nghiệp trong chậu nhựa, hiện đã được áp dụng vào sản xuất, cho giá trị kinh tế cao.
Giống nếp than được ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy trồng thử nghiệm trong chậu nhựa, hiện đã được áp dụng vào sản xuất, cho giá trị kinh tế cao.
Năm 2017, ông Nguyễn Hữu Hán, Trưởng phòng Dân tộc được huyện Lệ Thủy luân chuyển lên làm Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy. Sau nhiều lần tiếp xúc với các già làng, trưởng bản người Bru-Vân Kiều ở xã, ông Hán nghe họ kể nhiều về giống lúa nếp than quý hiếm bị thất truyền.
 
Vốn là một kỹ sư nông lâm, cùng trăn trở làm sao tạo ra được một sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ du lịch và nâng cao thu nhập cho bà con, ông Hán cùng những cán bộ nông lâm ở xã Ngân Thủy đã quyết tâm tìm lại giống lúa nếp quý đã bị thất truyền này.
 
Thông qua một người bạn từ thời sinh viên đang công tác ở huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), biết được đồng bào Pa Cô, Tà Ôi ở đây vẫn đang lưu giữ được giống lúa nếp than quý này, ông Hán đã cất công vào A Lưới để tìm hiểu. Trở về từ A Lưới, ông Hán mang theo một nắm hạt giống lúa nếp than xin được của người Pa Cô ở xã A Roàng.
 
Từ những hạt nếp giống mang về, ông Hán và các cán bộ nông lâm ở xã Ngân Thủy đã gieo thử nghiệm trong những chiếc chậu bằng nhựa. Tròn 130 ngày cần mẫn chăm sóc, theo dõi, từ những hạt giống, cây nếp nảy mầm, đẻ nhánh, ngậm sữa và cho những bông nếp đầy hạt đen tuyền trĩu nặng.
 
Thành quả bước đầu đó đã làm ông Hán và các cộng sự mừng rơi nước mắt. Bao nhiêu năm thất lạc, giống nếp than vẫn thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa bàn miền núi xã Ngân Thủy.
 
Thành công từ việc thử nghiệm trong chậu nhựa, vụ đông-xuân năm 2018, ông Hán quyết định vào lại A Lưới mua giống nếp than về sản xuất thử nghiệm trên 3 sào ruộng ở 3 bản Đá Còi, Rào Đá và Khe Giữa.
 
Tiếp tục gặt hái được thành công, vụ hè-thu năm 2018, xã Ngân Thủy quyết định nhân rộng lên 2ha. Vậy là sau mấy chục năm vắng bóng, hạt nếp than thực sự trở lại và hồi sinh trên mảnh đất quê hương của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy.
 
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hán cho biết: “Nếp than ở Ngân Thủy được bà con canh tác theo cách hữu cơ, không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu nên sản phẩm hoàn toàn sạch.
 
Vì vậy, mặc dù năng suất không cao lắm (trên 30 tạ/ha), nhưng chất lượng dẻo thơm, sạch, giàu chất dinh dưỡng nên giá trị sản phẩm mang lại khá cao. Hiện nếp than được bà con bán với giá 50 nghìn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với các loại nếp khác.
 
Trong vụ đông-xuân năm 2019-2020, xã Ngân Thủy đang kiến nghị với huyện Lệ Thủy để tăng diện tích lên 5-6ha; đồng thời xây dựng nếp than thành sản phẩm OCOP để phục vụ cho khách du lịch khi đến tham quan 2 danh thắng ở địa phương…”
 
Phục dựng lễ hội mừng cơm mới
 
Cùng với việc tìm lại được giống nếp than quý hiếm bị thất truyền, năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TH), đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy đã phục dựng thành công lễ hội mừng cơm mới. Già làng Hồ Thầm ở xã Ngân Thủy bảo rằng, đây là 2 điều mà ông cũng như người Bru-Vân Kiều ở đây vui cái “cái bụng” nhất.
 
Già Thầm cho biết, mừng cơm mới là lễ hội lớn nhất trong năm của người Bru-Vân Kiều, được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hàng năm, sau mùa thu hoạch lúa. Lễ hội là dịp để bà con tạ ơn trời đất, cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, vụ mùa bội thu, lúa ngô đầy bồ, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội mừng cơm mới còn là dịp để người Bru-Vân Kiều chơi các nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân ca, uống rượu cần.
Lễ hội mừng cơm mới còn là dịp để người Bru-Vân Kiều chơi các nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân ca, uống rượu cần.
Theo già Thầm, trước đây, ở xã Ngân Thủy, sau khi thu hoạch xong mùa lúa, bản làng nào cũng đều tổ chức lễ hội mừng cơm mới. Nhiều bản làng tổ chức lễ hội kéo dài 2 ngày 1 đêm.
 
Ngoài mục đích để tế thần lúa (a bôn) và cảm ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa màng bội thu, lễ hội mừng cơm mới còn là dịp để người Bru-Vân Kiều tổ chức chơi các nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân ca, uống rượu cần và ăn các món ăn truyền thống…
 
Thế nhưng, những năm gần đây, cuộc sống vật chất của người Bru-Vân Kiều tuy có khá lên nhưng lễ hội cơm mới lại ít được tổ chức và vắng bóng dần. Điều này đã làm những người Bru-Vân Kiều như già làng Hồ Thầm vô cùng lo lắng.
 
Lễ hội mừng cơm mới không được tổ chức, đồng nghĩa với việc những làn điệu dân ca như: o oát, sa nớt, hát chà chấp, những tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng sáo như: sao pi, sáo khsui, kèn amam, ta riêm, đàn achung, pư kua... không còn có dịp để cất lên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những bản sắc văn hóa của người Bru-Vân Kiều sẽ dần mai một và mất đi.
 
“Già rất vui cái “bụng”, rất cảm ơn cán bộ Hán (ông Nguyễn Hữu Hán, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy), cán bộ Sở VH-TT đã không quản ngại khó khăn tìm lại giống lúa nếp quý và tổ chức phục dựng lại lễ hội mừng cơm mới cho người Bru-Vân Kiều. Già hứa, sẽ cùng bảo ban con cháu siêng năng sản xuất và duy trì thật tốt lễ hội, để những bản sắc văn hóa của dân tộc Bru-Vân Kiều được bảo tồn mãi mãi…”, già làng Hồ Thầm tâm sự.

“Việc phục dựng lễ hội mừng cơm mới là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo lưu giữ các tinh hoa văn hóa phi vật thể của đồng bào Bru-Vân Kiều, đem lại sự vui mừng, phấn khởi cho bà con và chính quyền địa phương.

Sở VH-TT sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương ở 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy tiếp tục có các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Bru-Vân Kiều; đồng thời phát triển nó thành một sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với các danh thắng ở địa phương như hang Đại tướng, khe Nước Lạnh…”, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT cho biết.

Phan Phương