Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Gia bảo truyền đời

  • 11:37 | Chủ Nhật, 10/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã khẳng định: “Nhân dân Lệ Thủy yêu quý hò khoan một cách bền vững. Trong tổng thể nhân dân đó, có những nghệ nhân suốt đời lưu giữ, bảo vệ nó như một tín đồ. Gia đình nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Lý là một ví dụ”. Tình yêu hò khoan đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn của bao thế hệ con cháu trong gia đình bà và như bà tự hào nói, đó món gia bảo truyền đời quý giá, được gìn giữ qua nhiều thế hệ.
 
Đã rất nhiều lần chúng tôi được chuyện trò cùng bà, nghe bà hát hò khoan ngay tại chính căn nhà nhỏ ở thôn Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy). Và lần nào cũng thế, đôi mắt người phụ nữ yêu dân ca quê hương như chính hơi thở này luôn ánh lên niềm vui và hạnh phúc khó tả. Không khó hiểu bởi với bà, hò khoan chính là đam mê. Nhưng điều đặc biệt, đằng sau một nghệ nhân sống trọn đời mình với làn điệu dân ca quê hương là một người chồng và những đứa con luôn luôn ủng hộ, hỗ trợ hết mình. Có như thế, người phụ nữ ấy mới có thể gác lại những bộn bề của cuộc sống, những chật vật áo cơm để sống trọn vẹn với tình yêu đặc biệt ấy. 
 Từ trái qua NNƯT Nguyễn Thị Lý, nghệ nhân Ngô Lực và NNƯT Nguyễn Hữu Điệp.
Từ trái qua NNƯT Nguyễn Thị Lý, nghệ nhân Ngô Lực và NNƯT Nguyễn Hữu Điệp.
Bà bảo, tình yêu hò khoan như ngọn lửa ấm cứ thế tỏa lan từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tình yêu của bà được truyền từ chính người cha của mình-nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sào và nay bà truyền lại cho anh em, chồng con và các cháu.
 
Hiếm có gia đình nào ở Lệ Thủy mà cả gia đình cùng tham gia một câu lạc bộ, cùng đứng chung trên nhiều sân khấu của các hội diễn như gia đình NNƯT Nguyễn Thị Lý. Chồng bà, ông Ngô Lực cũng là nghệ nhân đàn nhị trong các buổi biểu diễn hò khoan Lệ Thủy. Anh trai bà-NNƯT Nguyễn Hữu Điệp là nhạc công đàn nguyệt và là một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Con trai bà, anh Ngô Văn Diễn là nghệ nhân hát hò khoan nổi tiếng với điệu hò lỉa trâu miền sơn cước. Họ đã sống trong một không gian luôn vang vọng thanh âm khoan nhặt của các mái hò. Để rồi, họ cùng hát, đồng hành bên nhau trong tất cả những hoạt động nhằm lưu giữ và bảo tồn làn điệu hò khoan Lệ Thủy trong suốt nhiều năm qua.
 
101 tuổi, nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sào vẫn còn minh mẫn lắm dù ông đã không còn hát được hò khoan như những ngày còn sung sức. Nhưng hễ khi cả đại gia đình cùng tập trung đông vui, các cháu lại hát cho ông nghe những làn điệu quê nhà. Bao nhiêu ký ức của ngày trẻ lại ùa về. Ngày ấy, ở khắp các vùng quê Lệ Thủy, ông nổi tiếng với giọng hò trầm ấm mà da diết. Điệu hò ấy đã theo ông suốt gần một thế kỷ, đi qua cùng những thăng trầm của lịch sử và đời người. Bà Lý bảo, chính tình yêu hò khoan mãnh liệt của cha đã truyền cho bà niềm đam mê đặc biệt với hò khoan. Và cũng chính ông là người thầy đầu tiên dạy cho bà các làn điệu dân ca Bình-Trị-Thiên, nhất là hò khoan Lệ Thủy. 12 tuổi, bà đã cùng cha đi biểu diễn ở các trường học. Rồi cứ thế, cái nghiệp dân ca bắt đầu đeo đuổi bà cho đến ngày hôm nay.
 
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Hữu Sào đã truyền tình yêu dân ca cho 9 người con của mình để rồi ai trong số họ cũng có niềm yêu thích đặc biệt với hò khoan. Bà Lý bảo rằng, trong số anh chị em, chỉ có bà và anh trai Nguyễn Hữu Điệp theo nghiệp dân ca nhưng những người khác cũng trở thành các hạt nhân văn nghệ tại địa phương, đơn vị công tác. Rồi tình yêu ấy lại truyền cho thế hệ con cháu sau này. Vậy nên, gia đình bao giờ cũng rộn rã tiếng hát, nhất là mỗi dịp lễ, tết. NNƯT Nguyễn Hữu Điệp say mê với đàn nguyệt từ khi còn rất nhỏ. Lớn lên, hai anh em Nguyễn Hữu Điệp, Nguyễn Thị Lý đã đồng hành trong các hội diễn, tham gia các lớp tập huấn. Ngón nghề đàn nguyệt của ông chủ yếu có được nhờ tự học. Bao năm qua, người nhạc công chân chất ấy vẫn âm thầm cống hiến, tham gia nhiệt thành trong tất cả các hoạt động của CLB nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy. Đầu năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu NNƯT-quả ngọt cho những tháng ngày ông cần mẫn chăm bẵm cho "cánh đồng dân ca" quê mình. 
Các nghệ nhân CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy say mê trong các buổi tập luyện.
Các nghệ nhân CLB Nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy say mê trong các buổi tập luyện.
Từ những ngày hò khoan Lệ Thủy chưa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những nghệ nhân như bà Lý, ông Điệp và rất nhiều những hạt nhân khác vẫn miệt mài lưu giữ và bảo tồn làn điệu quê nhà. Trong các buổi tập luyện của CLB nghệ nhân hò khoan, bao giờ những nhạc công như ông Điệp, ông Lực cũng âm thầm lùi về phía sau, dù vậy, sự say mê vẫn hiển hiện trên những gương mặt đen sạm đi vì nắng, vì gió và vì vất vả mưu sinh. Những khi CLB dàn dựng tiết mục mới, họ lại cặm cụi tập luyện và say sưa phối nhạc để làm sao bản phối trở nên sống động, hiệu quả nhất.
 
Đam mê với các làn điệu dân ca, anh Ngô Văn Diễn cũng nối nghiệp bố mẹ, trở thành hạt nhân trẻ của CLB. Anh thừa hưởng từ mẹ khả năng cảm âm đặc biệt và giọng hát ngọt ngào, học từ bố-ông Ngô Lực-sự cần mẫn, miệt mài với nghệ thuật dân gian. Anh là giọng ca nam chủ lực của CLB trong những chuyến tham gia hội diễn. Vừa qua, tiết mục hò lỉa trâu của anh được huy chương vàng tại liên hoan đàn hát dân ca toàn quốc năm 2019.
 
Những người con của NNƯT Nguyễn Thị Lý như chị Ngô Thị Bình, anh Ngô Văn Minh cũng là thành viên chủ lực của đội văn nghệ nơi họ đang công tác-Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy. Tình yêu ấy cũng truyền cả vào đứa cháu nội-cô sinh viên Học viện Báo chí-Tuyên truyền Ngô Thanh Huyền. Lớp 5, cô bé đã hát thành thạo các làn điệu hò khoan Lệ Thủy và tham gia các hội diễn của trường, ngành giáo dục. Huyền chia sẻ rằng, em yêu quý những nghệ nhân suốt cuộc đời gìn giữ và bảo tồn hò khoan Lệ Thủy như ông bà, như bố của mình nên trong các hoạt động ngoại khóa của trường, em sẽ nỗ lực giới thiệu cho bạn bè biết đến nhiều hơn làn điệu đặc trưng của quê hương em.
 
Với cái tâm mong muốn níu giữ điệu hò truyền thống, NNƯT Nguyễn Thị Lý cùng với các nghệ nhân khác và thành viên trong gia đình đã vận động thành lập các CLB hò khoan. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của bà, những CLB ở các xã vùng ven như: Hưng Thủy, Thái Thủy, Cam Thủy... đã vượt khó, vươn lên phát triển mạnh mẽ. Khi phong trào hát hò khoan đã dần có sức lan tỏa, những nghệ nhân như bà Lý lại trở thành đầu tàu trong việc truyền dạy cho các cấp học và các tổ chức hội trên địa bàn. Trên hành trình bảo tồn, truyền dạy tại của mình, bao giờ bà cũng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ hết mình của chồng, của anh trai và các con, cháu. Chính những gia đình có truyền thống và tình yêu đặc biệt với hò khoan Lệ Thủy như gia đình bà đã tạo nền tảng bền vững để điệu hò khoan xứ Lệ được lưu giữ và phát triển qua thời gian.
 
Diệu Hương