Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm

  • 17:55 | Thứ Bảy, 19/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm thuộc thôn Văn La, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2167/QĐ-UBND ngày 26-8-2011. Di tích là nơi để tưởng niệm Hoàng Kế Viêm-một nhân vật lịch sử có vai trò quan trọng trong thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đồng thời cũng là nơi để giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm, kiên cường đấu tranh bảo vệ đất nước của tổ tiên, ông cha, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống quê hương.
 
Hoàng Kế Viêm (1820-1909) còn gọi là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, quê làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh). Năm 1843, Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân và được bổ làm tư vụ, hàm Quang Lộc Tự Khanh. Năm 1846, đời vua Thiệu Trị, ông làm lang trung Bộ Lại.
 
Năm 1852, ông giữ chức án sát tỉnh Ninh Bình; năm 1854, ông được thăng Bố Chính tỉnh Thanh Hóa; năm 1859, là Bố Chính kiêm Tuần vũ tỉnh Hưng Yên; năm 1863, ông giữ chức Tổng đốc An-Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Trong thời gian này, ông đã có công trong việc trị an, mở mang kinh tế, phát triển dân sinh.
  Di tích nhà thờ Hoàng Kế Viêm.
Di tích nhà thờ Hoàng Kế Viêm.
Năm 1870, ở Bắc Kỳ xảy ra nhiều biến loạn, giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng hoành hành, cướp phá, quấy nhiễu nhân dân, Pháp âm mưu chiếm vùng sông Hồng để được tự do buôn bán với vùng Vân Nam và Hoa Nam (Trung Quốc), khiến cho tình hình xã hội hết sức rối loạn.
 
Trước tình hình đó, triều đình đã cử Hoàng Kế Viêm làm Thống đốc quân vụ đại thần bốn tỉnh Lạng-Bình-Ninh-Thái, trực tiếp chỉ huy quân thứ Tam Tuyên cùng với Tán tương Tôn Thất Thuyết lo việc dẹp loạn, ổn định Bắc Kỳ.
 
Với kế sách “vừa đánh vừa dụ hàng”, chỉ sau một thời gian ngắn, Hoàng Kế Viêm đã thu phục được thủ lĩnh quân Cờ Đen là tướng Lưu Vĩnh Phúc, cùng hợp sức đánh tan giặc nổi loạn Cờ Trắng, Cờ Vàng. Nhờ vào công lao này, ông được phong hàm Đại học sĩ lãnh Tổng đốc Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ.
 
Năm 1873, quân Pháp dưới sự chỉ huy của đại úy F.Garnier đánh chiếm thành Hà Nội và nhiều tỉnh khác ở Đồng bằng sông Hồng, Hoàng Kế Viêm được triều đình cử làm Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ (chức vụ quân sự cao nhất ở Bắc Kỳ) để chỉ huy, đôn đốc việc phòng thủ chống Pháp. Ở chức vụ này, ông đã chỉ huy quân dân Hà Nội phối hợp với quân Cờ Đen đánh thắng cuộc tấn công của Pháp vào thành Hà Nội, giết chết tên chỉ huy Pháp F.Garnier.
 
Mười năm sau, ngày 19-5-1883, Hoàng Kế Viêm lại chỉ huy quân dân Hà Nội đập tan cuộc tấn công của quân Pháp ở Cầu Giấy, bắn chết tên trung tá chỉ huy H.Riviere. Năm 1887, ông được thăng chức Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật Viện Đại thần.
 
Ngoài tài năng về quân sự, Hoàng Kế Viêm còn là người hay chữ: làm thơ, viết văn, viết sử. Những tác phẩm của ông bằng Hán Nôm với bút danh Tùng An khá đa dạng và phong phú như: Trù Thiết sơn phòng sư Nhị tấn (tổng kết việc củng cố an ninh vùng biên cương kết hợp với khai hoang và tăng gia sản xuất), Thần cơ yếu ngữ (sách giáo khoa cho bộ binh nói về cách sử dụng các loại vũ khí mới, cách bắn súng, bảo quản vũ khí có tranh vẽ minh họa và các bài tập), Hoàng Triều Văn Vũ thế tắc lệ (Những phép tắc cho các trường thi võ), Phê thị trần hoàn (ghi chép về đời vua Tự Đức), Tiên công sự tích biệt lục (ghi lại thân thế và sự nghiệp của cha ông)... Sau khi mất, ông được vua Duy Tân truy tặng hai chữ  “Văn Nghị " có nghĩa là bạn của văn chương.
 
Người dân địa phương truyền tụng về Hoàng Kế Viêm rằng, khi về hưu, vua ban cho ông 4 mẫu ruộng nhất đẳng điền tùy ý chọn nhưng ông chỉ chọn 4 mẫu đất cỏ hoang mà người làng Thế Lại dùng để nuôi trâu bò rồi ông vận động con cháu trong họ cùng dân làng đi khẩn hoang một vùng đất khác cạnh đó thành đồng ruộng hai mùa tươi tốt. Nhân dân gọi đó là đồng cồn Hoàng ngàn mùa không mất. Ruộng khai phá xong, ông chia đều cho mọi người cày cấy.
 
Biết ơn ông, dân làng đã lập một đền thờ Thổ công tại cánh đồng để hàng năm cúng tế. Ngày khai trương đền thờ, người dân thắp hương, đèn cúng khấn nhưng hương không cháy, đèn không đỏ, họ lấy làm kỳ lạ, hoảng sợ họ phải cho người về mời rước ông lên cúng. Từ đó về sau, đến kỳ cúng bái không còn xảy ra chuyện như vậy nữa nên dân làng xem ông còn to hơn cả Thổ thần. 
Minh Đức-Phan Ánh Mộ Hoàng Kế Viêm.
Mộ Hoàng Kế Viêm.
Khuôn viên lăng mộ Hoàng Kế Viêm có diện tích hơn 230m2, bao gồm: cổng, sân, hàng rào, bia mộ, hồ bán nguyệt và mộ. Phần mộ được xây bằng xi măng theo h́ình chữ nhật, phía trên mộ đắp nổi h́ình 7 lá sen chồng lên nhau tượng trưng cho sự thanh bạch, tấm lòng trong sáng như cuộc đời của ông.
 
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1937 bằng gạch và lợp ngói âm dương. Kiến trúc của nhà thờ gồm ba gian, được bài trí theo hướng đông-nam, rộng khoảng 300m2. Năm 1967, nhà thờ đã bị đánh sập trong một đợt không kích của giặc Mỹ. Năm 1998, con cháu hậu duệ đã đóng góp công, của xây dựng lại nhà thờ như hiện nay. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ ông, con cháu trong dòng họ tập trung tại nhà thờ làm lễ dâng hương, cúng bái để tưởng nhớ công đức của ông.
 
Việc thờ cúng và tổ chức lễ tại di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm ở Văn La đã trải qua các thời kỳ khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tấm lòng thành kính của con cháu hậu duệ và dân làng Văn La đối với vị nhân sỹ nặng lòng yêu nước, thương dân, có công lao to lớn trong sự nhiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
 
Di tích mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là một nguồn tư liệu quan trọng để chúng ta tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông, về thời kỳ chống Pháp bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
 
Qua đó, phần nào hiểu được về tinh thần thượng võ, truyền thống văn hóa của quê hương ông - làng Văn La xưa - một trong “bát danh hương” đã đi vào tiềm thức dân gian của nhân dân Quảng Bình: “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ -Kim ”.   
 
Để ghi nhớ công lao to lớn của một danh tướng tiêu biểu thời kỳ chống Pháp nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của dân tộc, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã đệ trình Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng mộ và nhà thờ Hoàng Kế Viêm là di tích cấp quốc gia.
 
Minh Đức-Phan Ánh