Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Để Tân Trạch giảm nghèo bền vững

  • 08:51 | Chủ Nhật, 08/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Là xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Bố Trạch, Tân Trạch được Đảng và Nhà nước dành nhiều chính sách, nguồn lực ưu tiên phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 82%, Tân Trạch đang phải đối mặt với hành trình gian nan giảm nghèo bền vững…

Từ trung tâm huyện Bố Trạch, chúng tôi vượt hơn 80km để đến với xã Tân Trạch. Dẫu vẫn là xã miền núi đặc biệt khó khăn, nhưng so với những năm trước đây, Tân Trạch nay đã có sự đổi thay căn bản từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến những ngôi nhà sàn khang trang, mô hình chăn nuôi hiệu quả. Tân Trạch hiện có 100 hộ, 457 nhân khẩu; trong đó có 15 hộ dân tộc Bru-Vân Kiều, 85 hộ dân tộc Chứt.

Nói về những nỗ lực trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, đồng chí Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch cho hay: “Xã đã lồng ghép các dự án đầu tư và chính sách an sinh xã hội (ASXH) đối với địa phương để triển khai các chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang thăm và tặng quà cho đồng bào DTTS xã Tân Trạch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang thăm và tặng quà cho đồng bào DTTS xã Tân Trạch.

Đặc biệt, nhờ sự đầu tư từ chương trình 135;  hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 755/TTg của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, dự án hỗ trợ bò, dê, gia súc, gia cầm cho đồng bào DTTS…, nhiều hộ dân đã được vay vốn phát triển sản xuất, đầu tư chăn nuôi và trồng rừng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.

Trồng lúa rẫy và chăn nuôi gia súc được xem là thế mạnh của Tân Trạch. Vì thế, khi thực hiện đề án phát triển kinh tế-xã hội của xã giai đoạn 2016-2020, Tân Trạch luôn chú trọng việc xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm tạo tiền đề xây dựng các mô hình mới. Hiện, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, từng bước loại bỏ những cây trồng truyền thống năng suất thấp để thay thế các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chính quyền xã đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, các ban, ngành chức năng tổ chức vận động bà con không khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy và thực hiện các hành vi xâm hại rừng trái phép. Xã cử cán bộ gặp trực tiếp các đối tượng thường xuyên vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng để tuyên truyền, vận động, làm bản cam kết để các đối tượng dần từ bỏ phương thức sống phụ thuộc vào rừng.

Việc cấp phép khai thác lâm sản ngoài gỗ được xem là bước đi mới của Tân Trạch, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển kinh tế từ rừng. So với những năm trước đây, tình trạng chặt, phát rừng ở Tân Trạch hiện nay đã giảm hẳn.

Cùng chung tay hỗ trợ xã Tân Trạch giảm nghèo bền vững, năm 2018, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng mới 11 ngôi nhà Đại đoàn kết cho bà con dân bản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong những tháng đầu năm 2019, đội ngũ cán bộ cốt cán xã đã kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, như: Tập đoàn VinGroup; SunGroup, Công ty ô tô Trường Hải Quảng Bình, xây dựng mới 23 nhà ở cho các hộ dân bản 39 với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch Đinh Lầu chia sẻ: “Tân Trạch cơ bản đã phát huy hiệu quả sự hỗ trợ, đầu tư từ hệ thống chính sách ASXH đối với địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS.

Đến nay, bà con DTTS cơ bản an cư, biết chú trọng phát triển sản xuất để ổn định đời sống. Nhiều hộ dân được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản, dê, lợn và các mô hình sản xuất mới, từ đó đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn từ 20 đến 50 con. Toàn xã hiện có khoảng 35% số hộ có ít nhất 1điện thoại, 23% số hộ có xe máy, 24% số hộ có tivi…”.  

Nếu so với mặt bằng chung của huyện Bố Trạch, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS xã Tân Trạch còn rất thấp, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt 3,5 triệu đồng/người/năm. Phần lớn bà con vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp là chính.

Nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách ASXH, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Tân Trạch được an cư trong ngôi nhà sàn khang trang.
Nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách ASXH, nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Tân Trạch được an cư trong ngôi nhà sàn khang trang.

Mặc dù Tân Trạch được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án và chính sách ASXH đối với vùng đồng bào DTTS, nhưng các chính sách, sự hỗ trợ, đầu tư vẫn còn hạn chế, hướng tới sự trợ cấp nhiều hơn là hỗ trợ để đồng bào tự vươn lên, không gắn với trách nhiệm của người được thụ hưởng. Khi thoát khỏi diện hộ nghèo, phần lớn hộ chưa định hướng được giải pháp sản xuất bền vững, các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn thiếu hụt…

Do đó, nhiều hộ gia đình mới thoát nghèo chỉ gặp biến cố nhỏ, như: ốm đau đột xuất, bị thiên tai, bão lũ, mất mùa…, lại tiếp tục rơi vào diện tái nghèo, quay trở lại với nghèo đói.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, Tân Trạch đang tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện các chương trình, dự án ở địa phương; đồng thời khơi dậy ý chí chủ động thoát nghèo trong đồng bào DTTS nơi đây.

Thực tiễn cho thấy, Nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn chính bà con phải khắc phục tính thụ động, trông chờ, vượt qua khó khăn, trở ngại về điều kiện tự nhiên không thuận lợi để nỗ lực vươn lên, chủ động lao động, cùng nhau sản xuất phát triển kinh tế.

Ngay lúc này, Tân Trạch cần nhất một chính sách tích hợp tất cả các chính sách phát triển vùng DTTS, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để đồng bào DTTS có điều kiện và ý chí vươn lên giảm nghèo bền vững. Theo đó, cần có sự tập trung nguồn lực và có mục tiêu cụ thể, có hệ thống tiêu chí đánh giá sau khoảng thời gian nhất định (3 năm, 5 năm hoặc 10 năm).

H.Chi