Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh: Hướng đến sản phẩm du lịch độc đáo, đa sắc màu

  • 08:07 | Thứ Ba, 27/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Cũng như nhiều vùng quê khác của Quảng Bình, huyện Quảng Ninh là địa phương có phong trào đua thuyền phát triển. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của cư dân qua bao thế hệ. Theo thời gian, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh ngày càng được đầu tư bài bản và hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đa sắc màu…

Nét văn hóa độc đáo

Theo cuốn Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An, tài liệu sớm nhất ghi chép về tục bơi trãi, đua thuyền ở Quảng Bình thì lễ hội đua thuyền vùng đất Khang Lộc xưa (Quảng Ninh và Lệ Thủy ngày nay) đã từng tồn tại trên 500 năm. 

Năm 2019, các thuyền đua nữ được đóng mới đồng loạt.
Năm 2019, các thuyền đua nữ được đóng mới đồng loạt.

Dân hai huyện, những người định cư trước chọn nơi sinh sống ven theo hai dòng sông Kiến Giang và Nhật Lệ. Chính vì vậy, hầu hết các làng quê dọc 2 dòng sông này, như: Cừa Thôn, Quảng Xá, Trần Xá, Hiển Vinh, Phú Vinh, Trúc Ly, Phú Hào…, đều có tổ chức đua thuyền hàng năm; trước là để cầu mưa thuận gió hòa, sau là để người dân vui chơi thỏa thích.

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh phản ánh nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Trước những khó khăn của cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên, trời đất, sông nước, ngoài những nỗ lực của bản thân, họ còn cần đến sự trợ giúp của thần linh để được thuận buồm xuôi gió.

Vai trò và ý nghĩa tâm linh của lễ hội đua thuyền còn được phản ánh qua nghi lễ “buông phao” mang tính nhân văn sâu sắc, như một nén hương tưởng nhớ và mong muốn siêu độ cho những người tử nạn trên sông nước.

Theo ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu những giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Quảng Ninh”, trước Cách mạng tháng Tám, phần hội có đơn điệu hơn; các hoạt động văn nghệ thể thao chỉ mang tính chất phụ trợ cho phần lễ.

Từ sau Cách mạng tháng Tám, vượt lên yếu tố tâm linh, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh với phần hội phong phú, mang ý nghĩa cổ vũ tinh thần cách mạng, mừng Tết độc lập của dân tộc. Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh dần được phát triển đều khắp ở các làng xã vùng sông, biển.

Từ các làng xã ven sông Long Đại, như: Trường Xuân, Xuân Ninh, Hiền Ninh; các làng xã ven sông Kiến Giang, như: Gia Ninh, Duy Ninh, Tân Ninh… cho đến các làng xã ven sông Nhật Lệ, như: Hàm Ninh, Vĩnh Ninh, Võ Ninh, thị Trấn Quán Hàu, Lương Ninh và xã biển Hải Ninh đều có thuyền đua tham gia lễ hội ở huyện.

Gắn bó với những giai đoạn lịch sử của dân tộc, của vùng đất, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh cũng đi qua những bước thăng trầm, phát triển và biến đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử.

Bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh có điều kiện mở rộng về quy mô, số lượng, chất lượng, cũng như mục đích và ý nghĩa.Nhưng dù ở thời điểm nào, lễ hội vẫn là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây; trở thành sự kiện văn hóa-chính trị lớn nhất được tổ chức trang trọng, chu đáo trong mỗi dịp Tết độc lập.

Sản phẩm du lịch hấp dẫn

Với mong muốn xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng để Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với khách du lịch trong và ngoài nước, những năm qua, huyện Quảng Ninh đã quan tâm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Theo đó, các điểm đến du lịch của huyện được xây dựng ngày càng phong phú, mang tính đặc trưng với núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại, bãi tắm Hải Ninh, khu du lịch đầm phá Hạc Hải... Gắn liền với những địa danh này là những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương.

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh là nét đẹp văn hóa, thu hút đông đảo du khách gần xa.
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh là nét đẹp văn hóa, thu hút đông đảo du khách gần xa.

Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, huyện Quảng Ninh cũng xác định phát triển du lịch gắn liền với lễ hội là một trong những giải pháp khai thác hiệu quả lợi thế tiềm năng vốn có của địa phương.

Chính vì lẽ đó, cùng với lễ hội chùa Kim Phong-núi Thần Đinh, huyện Quảng Ninh quan tâm đầu tư phát triển lễ hội đua thuyền truyền thống trên cơ sở giữ gìn bản sắc riêng có của lễ hội; tìm và chọn phương pháp tổ chức thích hợp, thiết kế hoạt động phần hội thật sinh động tạo yếu tố hấp dẫn cho du khách, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Ông Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết, với mục đích nâng tầm lễ hội đua thuyền thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, huyện đã chú trọng thực hiện phần lễ thông qua các hoạt động, như: rước nước thiêng từ Giếng Tiên trên đỉnh núi Thần Đinh, tổ chức lễ dâng hương tại Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn-Bến phà Long Đại và Đài tưởng niệm di tích bến phà Quán Hàu… với tâm niệm cầu cho quốc thái dân an, cho lễ hội thành công tốt đẹp.

Thời điểm diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh, hàng vạn người trên khán trường ngoài trời kéo dài hai bên bờ sông từ cầu Quán Hàu đến trụ sở xã Lương Ninh, vùng quanh Cồn Soi, Văn La và bờ nam xã Võ Ninh.

Đây chính là dịp để người dân địa phương và du khách được hòa mình vào lễ hội, khám phá vẻ đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế kỷ; là cơ hội để đưa hình ảnh quê hương, con người Quảng Ninh đến gần hơn với bè bạn.

Đặc biệt năm nay, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh sẽ được diễn ra vào ngày 1-9 và được Đài PT-TH Quảng Bình tường thuật trực tiếp trên sóng QBTV và được 40 đài trên toàn quốc tiếp sóng qua vệ tinh. Số đội đua được mở rộng với 22 thuyền đua của các xã, thị trấn tham gia; trong đó có 12 thuyền đua nam và 10 thuyền đua nữ.

Để tạo tính chuyên nghiệp cho hội đua, huyện đã đầu tư trên 600 triệu đồng đóng mới đồng loạt 10 thuyền đua nữ. Công tác nhân sự, tuyển chọn vận động viên cũng được thực hiện chặt chẽ hơn với các giải đấu ở các thôn, xã. Các hoạt động lễ hội sẽ được “làm mới” với việc tổ chức thêm lễ thả đèn hoa đăng trên sông Nhật Lệ vào đêm 31-8…

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh là tài sản quý giá, là tiềm năng cần đánh thức để phát triển du lịch. Việc tổ chức thành công lễ hội truyền thống không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc vùng miền làng quê, mà còn góp phần phát triển du lịch bền vững, giới thiệu những giá trị văn hoá vùng đất con người Quảng Ninh tới bạn bè gần xa.

Thanh Hải