Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hứa hẹn Còi Đá

  • 14:07 | Thứ Bảy, 24/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Từ một vùng đất gặp vô vàn khó khăn, bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy đang đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Giờ đây, cái đói, cái nghèo đã dần được đẩy lùi bởi bà con đang nỗ lực phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng du lịch. Bản cũng đang tiến tới đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa kiểu mẫu và trở thành điểm đến đầy hứa hẹn, hấp dẫn với du khách.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Còi Đá là vùng đất hoang vu, chưa có người sinh sống. Bản nằm ở giữa thung lũng khá rộng lớn, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi hùng vỹ với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối, là điểm đóng quân của nhiều đơn vị bộ đội.

Theo chân bộ đội, đồng bào các dân tộc Vân Kiều ở các bản làng khác đến đây sinh sống và hỗ trợ cho cuộc kháng chiến. Từ mảnh đất này, bà con đã khai khẩn để trồng lúa rẫy, sắn, ngô nuôi bộ đội và tự túc lương thực. Khi chiến tranh kết thúc, người dân ở lại rồi lập bản đến tận bây giờ.

 Nhiều mô hình chăn nuôi ở bản Còi Đá đang phát huy hiệu quả
Nhiều mô hình chăn nuôi ở bản Còi Đá đang phát huy hiệu quả

Do đặc điểm địa hình và giao thông khó khăn nên đời sống của bà con gặp nhiều vất vả. Đường vào bản ngày đó chỉ là một lối mòn nhỏ giữa những dãy núi tai mèo. Ấy vậy, con em trong bản vẫn cuốc bộ cả giờ đồng hồ để đến lớp.

Bản Còi Đá có hai khu vực là Rào Đá và Hang Còi cách nhau khoảng gần 5km đường rừng. So với Rào Đá, xóm Hang Còi khó khăn hơn rất nhiều vì không có điện, nước sạch, trạm y tế và không có cả sóng điện thoại. Mùa mưa lũ, xóm bị cô lập hoàn toàn nên ảnh hưởng đến việc học tập của con em và đi lại của bà con.

Trưởng bản Hồ Minh Vường nhớ lại: “Vì đường sá cách trở và trình độ dân trí còn hạn chế nên mỗi khi có người đau ốm bà con đều gọi thầy cúng chứ không mấy ai đến trạm y tế. Con em đi học thì phải ở lại nhà người quen. Con gà, con lợn nuôi ra cũng rất khó để bán nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết!".

Trước khó khăn của bản Còi Đá, năm 2017, từ nguồn vốn của tỉnh, xã Ngân Thủy đầu tư 2,5 tỷ đồng mở con đường từ bản Cây Sung vào xóm Hang Còi. Con đường dài 2,5km vắt qua núi, xuyên qua những cánh rừng và 4 con suối. Hiện đường đã được đổ bê tông dài 1,1km, một số đoạn còn lại được giải phóng mặt bằng đủ cho xe máy và xe cơ giới ra vào.

Cũng trong năm này, hệ thống điện pin năng lượng mặt trời cũng được lắp đặt tại bản. Sau khi có đường, điện, bà con đã đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình bằng trồng trọt, chăn nuôi, làm dịch vụ. Nhờ đó, đời sống của họ đã thay đổi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và mua sắm được các phương tiện nghe, nhìn, xe máy, xây dựng nhà cửa khang trang.

Bản Còi Đá có 70 hộ thì có tới 60% số hộ đã thoát nghèo (xếp thứ 2/6 bản toàn xã). Bản có 3ha đất trồng lúa nước, 2ha đất trồng lạc, gần 150 con trâu, bò và hàng nghìn con gia cầm các loại.

Đặc biệt, bản còn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, như: khe Nước Lạnh, hang Đại tướng, hang Văn Công, hang Chà Lòi, “thung lũng tình yêu” (tên gọi quen thuộc của địa phương) cùng những nét văn hóa bản địa đặc sắc, các phong tục độc đáo, sản phẩm đan lát của địa phương.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH NETIN (TP. Đồng Hới) khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”, trong đó có tour đến bản Còi Đá. Khe Nước Lạnh cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng đang chờ khai thác. Từ đầu năm đến nay, bản đã đón trên 2.500 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.

Anh Hồ Văn Trinh, một người dân trong bản phấn khởi cho biết: “Trước chưa có đường nên các sản vật của chúng tôi rất khó bán. Nhưng giờ đây, gà, vịt, trâu, bò đã bán được giá cao. Tôi cũng mua thêm cái ti vi để xem, mua xe máy để đi làm và chở con đi học!”. Nhà Hồ Văn Trinh hiện trồng 3,5 sào lúa nước hai vụ, mỗi năm cũng được gần một tấn lúa. Ngoài ra, anh còn nuôi 7 con bò và hàng trăm con gia cầm.

Trong khu vườn mẫu, anh còn trồng trên 100 gốc tiêu và nhiều cây ăn quả cũng đang đến thời gian thu hoạch. Bên cạnh đó, anh còn buôn bán, mở dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ cho khách du lịch.

Có tuần, gia đình anh đón từ 2 đến 3 đoàn khách du lịch lên đến hàng trăm người. Với việc phát triển kinh tế đa dạng, mỗi năm, gia đình anh có thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Hiện anh đang đầu tư làm ngôi nhà sàn mới cạnh hồ nuôi cá, thiết kế hai phòng ngủ và phòng khách rộng rãi để phục vụ du khách.

 Đường về bản Còi Đá hôm nay.
Đường về bản Còi Đá hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy chia sẻ, hiện bản Còi Đá đã đạt được 10/16 tiêu chí nông thôn mới (một số tiêu chí đặc thù bản không thực hiện). UBND xã đang nỗ lực để đưa bản đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Để làm được điều đó, xã sẽ chỉ đạo cho bà con tập trung giảm nghèo, nâng cao đời sống bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình; đề xuất các cấp có thẩm quyền cấp đất rừng để bà con sản xuất.

Đồng thời, xã kêu gọi, huy động các nguồn lực để xây dựng, tu sửa nhà cửa, công trình nước sinh hoạt, hệ thống thủy lợi, đường giao thông cho bà con; khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, phát huy các giá trị văn hóa bản địa cũng như kêu gọi nhà đầu tư để phát triển du lịch…

Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: “Trên địa bàn huyện Lệ Thủy có bản Còi Đá, xã Ngân Thủy; bản Bang, xã Kim Thủy và bản Xà Khía, xã Lâm Thủy được huyện chọn xây dựng “Bản văn hóa kiểu mẫu”. Trong số đó, bản Còi Đá có tiềm năng và lợi thế nhất. Bởi, bản có hệ thống hang động rất đẹp cùng những nét văn hóa bản địa vô cùng độc đáo.

Hiện bản đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều khu vườn kiểu mẫu, đường sá, điện, đồng thời, khôi phục lại các bản sắc văn hóa của người Vân Kiều để phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm”.

Xuân Vương