.

Thầy giáo bản Đoòng

.
08:44, Thứ Sáu, 07/06/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là thầy giáo Hoàng Văn Sáu (sinh năm 1968, ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch), giáo viên điểm trường bản Đoòng, xã Tân Trạch. Hơn 10 năm qua, thầy đã đồng hành cùng bà con dân bản, động viên các em đúng độ tuổi đến trường, tận tâm, cần mẫn gieo từng con chữ nơi vùng sâu hiểm trở.

Thầy Hoàng Văn Sáu trao giấy khen cho học sinh của điểm trường bản Đoòng nhân dịp tổng kết năm học 2018-2019.
Thầy Hoàng Văn Sáu trao giấy khen cho học sinh của điểm trường bản Đoòng nhân dịp tổng kết năm học 2018-2019.

Bản Đoòng được thành lập năm 1992, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, bên cửa hang động lớn nhất thế giới-hang Sơn Đoòng, cách trung tâm xã Tân Trạch 20km. Bao quanh là vách đá hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên dân bản Đoòng sống gần như biệt lập với bên ngoài.

Hiện bản có 10 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều. Do biệt lập giữa đại ngàn, đời sống của bà con dân bản gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu dựa vào săn, bắt, hái, lượm và nguồn trợ cấp của Nhà nước. Sự học của con em vì thế cũng vô cùng nan giải... Năm học 2008-2009, Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Tân Trạch đã thành lập một điểm trường mới tại bản Đoòng.

Sau 2 năm điểm trường thành lập với vài học sinh lớp xóa mù chữ, năm học 2010-2011, thầy giáo Hoàng Văn Sáu tình nguyện đến công tác giảng dạy tại bản. Thầy Sáu nhớ lại: “Khi tiếp cận địa bàn bàn mới, cơ sở vật chất của điểm trường đang tạm bợ, chủ yếu là tranh tre nứa lá và mượn nhà dân để dạy.

Điểm trường chỉ có 6 học sinh, rồi giảm xuống 4 học sinh do di chuyển chỗ ở. Tôi phải đi đến từng nhà của đồng bào vận động duy trì và nâng dần số lượng. Có những em mới 5 tuổi, tôi cũng động viên gia đình cho đến điểm trường, tham gia sinh hoạt và học ghép, tạo niềm vui, say mê học tập cho các em... Đến năm học 2018-2019, điểm trường phát triển lên 4 lớp với 17 học sinh gồm 3 em lớp 7, 4 em lớp 9, 1 em lớp 6 có và 9 em lớp ghép 1 đến 5”.

Thầy Sáu tâm sự, trước những khó khăn khi đến tiếp cận địa bàn công tác, thầy đã nhớ đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lúc sinh thời: "Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức".

Thấm nhuần lời Bác dạy, những năm qua, thầy đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học; nghiên cứu, lựa chọn các biện pháp phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số để giảng dạy.

Vì vậy, các giờ học đã phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, khuyến khích và động viên các em hăng say học tập, phát huy, bộc lộ được năng khiếu, thẩm mỹ của bản thân và nâng cao được chất lượng giờ học trên lớp, góp phần giáo dục các em phát triển toàn diện về mọi mặt. Đặc biệt, thầy đã giúp cho các em biết đọc, viết, tính toán thành thạo, biết yêu tiếng Việt và biết vận dụng tiếng Việt vào thực tế cuộc sống.

Với mong muốn các học trò đều chăm đến lớp, thầy Sáu còn làm tốt công tác dân vận với đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Đoòng. Vì vậy, lớp luôn duy trì sĩ số 100%, không có học sinh bỏ học. Đặc biệt, năm học 2014-2015, thầy đã tham mưu và vận động doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 2 phòng học và 1 phòng ở giáo viên với trị giá 120 triệu đồng. Nhờ đó, thầy và trò có địa điểm học tập, sinh hoạt vững chãi hơn, tự tin, tiến bộ hơn trong các hoạt động dạy và học.

Nói về thầy giáo Hoàng Văn Sáu, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Bố Trạch Hoàng Văn Minh cho biết, hơn 23 năm công tác trong ngành giáo dục, 18 năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa Thượng Trạch, Tân Trạch; trong đó 10 năm với vai trò là giáo viên chủ nhiệm và là tổ trưởng tổng hợp điểm trường bản Đoòng..., dù ở đâu, cương vị nào, thầy Sáu cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân kính trọng, yêu mến.

Với những cố gắng, nỗ lực trong sự nghiệp giáo dục, thầy Sáu luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen; là một trong 2 giáo viên tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình tham dự lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018 do Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức.

Thầy Sáu là một giáo viên nhiệt huyết với nghề, tiên phong trong mọi hoạt động, là tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở huyện Bố Trạch.

H.Tr

,