.

Chuyện làng Tân Kiều đánh biệt kích

.
08:40, Chủ Nhật, 09/06/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Đêm mùa đông năm 1963, một toán biệt kích nhảy dù xuống làng Tân Kiều, xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa) thì bị dân làng phát hiện. Ngay lập tức, dân làng báo cáo lên cấp trên, đồng thời bao vây bắt sống cả 7 tên biệt kích. Đây là trận đánh biệt kích xuất sắc, điển hình nhất của dân quân địa phương trong những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đã được phát động học tập rộng rãi trong toàn Quân khu.
Ông Cao Quang Tích (90 tuổi) ở làng Tân Kiều đang kể lại chuyện bắt biệt kích năm 1963.
Ông Cao Quang Tích (90 tuổi) ở làng Tân Kiều đang kể lại chuyện bắt biệt kích năm 1963.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Yên Hóa, đêm 5-1-1963, Mỹ-ngụy tung một toán biệt kích gồm 7 người do tên Nguyễn Đông cầm đầu nhảy dù xuống khu vùng Tẻn, làng Tân Kiều, xã Yên Hóa.
 
Ông Cao Quang Tích (90 tuổi) ở làng Tân Kiều kể: “Lúc đó khoảng 10 giờ đêm, trong làng có đôi trai gái đang hẹn hò ở khu vực Tẻn thì phát hiện máy bay thả biệt kích. Ngay lập tức, hai người đã chạy về thông báo cho người dân và Ban chỉ huy Quân sự xã.
 
Nhận tin báo, Xã đội Yên Hóa đã nhanh chóng tập hợp dân quân tiến về khu vực núi Tẻn triển khai lực lượng bao vây bọn biệt kích, đồng thời, báo lên Ban chỉ huy Quân sự huyện”.
 
Ông Tích thời đó cũng đang là dân quân địa phương và được huy động cùng hàng trăm người dân khác trong xã bao vây khiến 7 tên biệt kịch không còn đường thoát mà phải cố thủ trong hang lèn Pàn ở vùng Tẻn.
 
Ngay trong đêm, Ban chỉ huy Quân sự huyện phát lệnh huy động lực lượng chiến đấu, đồng thời, phối hợp với lực lượng dân quân của các xã Quy Hóa, Xuân Hóa, Hồng Hóa triển khai chốt chặt các trục đường địch có thể rút chạy. Bộ đội Tiểu đoàn 929 cũng kịp thời lập các chốt gác trên trục đường quốc lộ 12A. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và một đơn vị công an vũ trang nhân dân tỉnh đến hỗ trợ.
 
Ông Đinh Minh Đệ, con trai của ông Đinh Thanh Báo, nguyên Xã đội phó xã Yên Hóa ngày đó kể lại: “Khi bị dân quân và các lực lượng của ta bao vây, địch dùng súng bắn trả rất quyết liệt nên có người bị thương.
 
Tuy nhiên, ta vẫn kiên nhẫn bao vây, vận động để biệt kích đầu hàng nhằm bắt sống”. Sau một thời gian chống trả, đến 10 giờ trưa ngày 6-1-1963, nhóm biệt kích đã đầu hàng và bị bắt. Tên đầu tiên bị bắt giao cho dân quân và công an, một tên khác trốn vào hang đá nhưng bị ông Đinh Giác, Xã đội trưởng xã Yên Hóa bắt được.
 
5 tên khác leo lên núi đá để thoát nhưng gặp lực lượng dân quân vây chặt. Chúng nổ súng chống trả nhưng cuối cùng phải bỏ súng đầu hàng.
 
Bà Đinh Thị Lánh (87 tuổi), nguyên tổ trưởng tổ phụ nữ làng Tân Kiều nhớ lại: “Ngày bao vây bắt biệt kích, dân quân và lực lượng vũ trang tập trung rất đông. Họ phải thức cả đêm trong giá rét nên ai cũng đói lả. Chị em phụ nữ đào củ sắn về luộc cho mọi người ăn. Chúng tôi cũng đồng thời phát cho 7 tên biệt kích ăn.”
 
Sau đó, toán biệt kích đã khai báo nơi cất giấu vũ khí, đến ngày 8-1-1963, ta đã thu được 3 chiếc dù, 10 kiện hàng, 27 nghìn đồng tiền giả, 1 máy bộ đàm và toàn bộ vũ khí.
Khu vựcTẻn, có lèn Pàn là nơi dân quân xã Yên Hóa bắt được toán biệt kích.
Khu vựcTẻn, có lèn Pàn là nơi dân quân xã Yên Hóa bắt được toán biệt kích.
Ông Đinh Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hóa cho biết: “Thắng lợi của vụ bắt toán biệt kích Mỹ-nguỵ ở Tân Kiều một lần nữa khẳng định, nhân dân Yên Hóa có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, lực lượng dân quân và công an xã đã trưởng thành về ý thức, sẵn sàng chiến đấu.
 
Với chiến công đó, quân và dân xã Yên Hóa được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Sự kiện này, chúng tôi cũng đã đưa vào lịch sử Đảng bộ xã và xem đó là mốc son rất đáng tự hào”.
 
Sự kiện bắt biệt kích ở làng Tân Kiều, xã Yên Hóa được xếp vào những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh ta trong những năm kháng chiến chống Mỹ và được phát động học tập rộng rãi trong toàn Quân khu.
 
Xuân Vương
,