.

"Già bản" Võ Nguyên Giáp của nhân dân Mường Phăng

.
08:49, Chủ Nhật, 26/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Một ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi may mắn được đến với Điện Biên. Nhẹ chân bước trên những bậc đá của di tích giữa đại ngàn Mường Phăng mà người dân nơi đây trìu mến gọi là “rừng Đại tướng”, những câu chuyện về “già bản” Võ Nguyên Giáp vẫn được nhắc nhớ mãi.
 
Nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài các địa danh như Mường Thanh, Him Lam, đồi A1... không thể không nhắc đến Mường Phăng.
 
Đây là nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31-1đến 15-5-1954). Tại căn cứ Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại lán Đại tướng khi tham quan khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, Điện Biên.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại lán Đại tướng khi tham quan khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, Điện Biên.
Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ẩn mình trong khu rừng già dưới chân núi Pú Đồn thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên gần 40 km.
 
Được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi, trên diện tích tự nhiên khoảng 90km², Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại liên hoàn được làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây, tre, luồng, lá móc, lá gồi có sẵn tại khu rừng Mường Phăng, rất phù hợp với điều kiện tác chiến và làm việc khẩn trương, đồng thời vẫn bảo đảm được tính bí mật, an toàn tuyệt đối cho cơ quan đầu não quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ.
 
Chính ở cánh rừng Mường Phăng, chính ở ngôi lán chỉ có đại ngàn chở che này, những quyết định lịch sử đã được đưa ra.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Ngày hôm đó (tức 26-1-1954), tôi đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.
 
Việc quyết định thay đổi phương châm tác chiến, ngoài yếu tố bảo đảm đánh chắc thắng ra, còn nhằm giảm tổn thất, hy sinh cho bộ đội, bởi Đại tướng rất quý trọng sinh mệnh của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.
 
Chúng tôi kính cẩn dâng nén hương lên bàn thờ Đại tướng được đặt trang trọng ở tầng 2 của khu nhà ban quản lý di tích.
 
Anh Lò Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ quản lý Di tích Mường Phăng chia sẻ: “Mỗi du khách đến đây đều rất xúc động, vì thấy những lán trại, hầm hào công sự đơn sơ, giản dị của Đại tướng cũng như quân đội ta đã chiến thắng được quân thù.
 
Nhiều người thậm chí đã khóc. Có đoàn ở miền Nam ra, tâm niệm phải xin bằng được một cây giống hoa ban ở sở chỉ huy về trồng, có cụ xin một nắm đất mang về, chỉ vì muốn được ở gần hơn Đại tướng”.
 
Với chiến sỹ Điện Biên Phạm Bá Miều, năm nào đến dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cũng vượt hơn 40 cây số từ Điện Biên về thăm sở chỉ huy tại Mường Phăng.
 
Vì tuổi cao sức yếu, ông không vào sâu trong rừng được, chỉ đứng đăm đắm hướng mắt vào trong. “Với Đại tướng, có hai kỷ niệm sâu sắc nhất mà cán bộ, chiến sỹ nhớ nhất là ngày 8-5-1954, khi chúng tôi mai táng 58 liệt sỹ ở nghĩa trang xong thì Đại tướng có dặn rằng “các đồng chí không để một đồng đội nào hy sinh mà không được về nghĩa trang với đồng đội”.
 
Và sáng ngày 9-5-1954, tại cuộc mít tinh chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Đại tướng căn dặn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Mường Phăng phải bảo vệ giữ gìn di tích-là xương máu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước”, ông Miều kể.
 
Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ bây giờ đã trở thành điểm tham quan, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ở phía ngoài hàng rào di tích, hàng quán mọc lên san sát.
 
Trưa hôm ấy, chúng tôi dùng bữa tại quán một chị tên Hương. Biết chúng tôi là người Quảng Bình, chị quý lắm. Sau chén rượu mời của người Tây Bắc, chị kể, ngày nào cũng vào thắp hương cho “ông”, không chỉ có chị mà người dân Mường Phăng đều coi Đại tướng như ông, như cha mình.
 
Tôi đã có chút ngạc nhiên khi các em nhỏ ở đây gọi Đại tướng bằng ông, bây giờ, chị bán hàng cũng gọi Đại tướng bằng tên gọi trìu mến, gần gũi đó, tôi hiểu những con người chất phác, lành hiền này dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp tình cảm chân thành, sâu sắc như thế nào.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho Điện Biên Phủ nói chung, Mường Phăng nói riêng tình cảm đặc biệt, coi đây là quê hương thứ hai của mình.
 
Để giúp nhân dân Mường Phăng có điều kiện sản xuất, ngày 30-9-2008, Đại tướng đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Lọong Luông. Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn.
 
Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên”.
 
Hồ Lọong Luông được khánh thành vào đúng ngày 7-5-2013. Công trình này đã cấp nước tưới cho 150 ha đất trồng lúa sản xuất 2 vụ của nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… thuộc 6 bản trên địa bàn xã Mường Phăng.
 
“Những năm trước đây, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của xã rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%. Nghe theo lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mường Phăng đã xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo còn trên 20%; đời sống của bà con được nâng lên.
 
Người dân Mường Phăng chịu ơn Đại tướng vì đã giúp họ đánh đuổi giặc ngoại xâm, hòa bình lại tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Có lẽ vì vậy mà rừng ở đây được bà con gọi là rừng Đại tướng, hồ cũng là hồ Đại tướng, cả xã có 5 trường thì 3 trường mang tên Võ Nguyên Giáp", bà Thẩm Thị Hiên, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng chia sẻ.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra một trang mới cho lịch sử của dân tộc nói chung, Mường Phăng nói riêng. Ghi nhớ lời dặn của Đại tướng: “Hãy làm một trận Điện Biên Phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế”, Mường Phăng, Điện Biên đã mang "tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ" vào công cuộc xây dựng quê hương.
 
Bà con Mường Phăng tin rằng, ở đâu đó trên khoảng trời xanh cao của đất nước nghìn năm lịch sử, Đại tướng-“già bản” Võ Nguyên Giáp vẫn ngày ngày dõi theo họ.
 
Phương Thảo
(Đài PT-TH Quảng Bình)
,