.

Những tháng năm hào hùng

.
15:48, Thứ Ba, 30/04/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Chuyển ngành với quân hàm đại úy, kinh qua nhiều chức vụ nhưng mỗi lần nhắc tới những kỷ niệm hào hùng của một thời kỳ lịch sử, trên gương mặt người lính già từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử không giấu được xúc động. Ông là Hồ Duy Thiện (SN 1948), cựu lính Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2.
 
Ký ức thời hoa lửa
 
Năm 1970, khi tình hình chiến sự ở miền Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, chàng sinh viên năm cuối đại học thủy lợi Hồ Duy Thiện gác lại chuyện học hành, viết tâm thư nhập ngũ vào Nam chiến đấu.
 
Ông được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 rồi chuyển qua Trung đoàn 101 vừa hành quân vừa huấn luyện. Sau khi tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ông cùng đồng đội tiến đánh giải phóng Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng...
Ông Thiện tâm sự: "Mình là người lính kinh qua chiến trận, sống đến hôm nay đã may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã ngã xuống ở tuổi thanh xuân, nên phải sống có trách nhiệm với quê hương, với con cháu. Sức chừng nào làm chừng đó".

Đầu tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 101, Sư 325, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) nhận lệnh tiến đánh Sài Gòn theo hướng đông.

"Cả binh đoàn hành quân đêm ngày, với đủ mọi loại phương tiện của ta và cả xe thu được của địch, lòng vui như trẩy hội. Anh em chiến sỹ ai cũng hăng hái, quyết chiến với quân Mỹ ngụy, giải phóng Sài Gòn", ông Thiện nhớ lại.

 
Ngày 16-4-1975, sau khi tập kết làm công tác chuẩn bị ở một làng phía Tây Cam Ranh, Trung đoàn 101 được lệnh đi đầu làm mũi đột kích của binh đoàn tiến về giải phóng thị xã Phan Rang (Ninh Thuận). Phan Rang còn được gọi là cánh cửa thép phía bắc của địch để ngăn chặn bước tiến của quân ta vào Sài Gòn.
 
Với quyết tâm cao, tinh thần chiến đấu dũng cảm cùng với sự phối hợp của pháo binh, xe tăng nên chỉ chưa đầy 1 ngày, Trung đoàn 101 đã cùng các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang, bắt sống tên trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 3) và chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang (Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân).
 Ông Thiện (bên phải) và người đồng đội, đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng gặp lại nhau sau hơn 40 xa cách.
Ông Thiện (bên phải) và người đồng đội, đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Duy Ứng gặp lại nhau sau hơn 40 xa cách.
Ngày 23-4-1975, các cánh quân của Binh đoàn Hương Giang đã áp sát đông bắc Sài Gòn và bao vây Vũng Tàu. Ngày 25-4-1975, các đơn vị nhận lệnh tiến công giải phóng Sài Gòn.
 
Mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 101 được giao nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Long Thành (Đồng Nai), cửa ngõ phía đông của Sài Gòn. Cả ngày, đơn vị tập kết trong rừng cao su ở phía tây, cách Long Thành khoảng hơn 10 km. Đến 17 giờ ngày 26-4-1975, được lệnh xuất kích bộ binh cùng với xe tăng xuất kích tiến đánh quận lỵ Long Thành.
 
Ở đây, địch chống cự rất quyết liệt, nhiều chiến sỹ ta đã hy sinh nằm lại trước cửa ngõ Sài Gòn. Ông Thiện nhớ lại, máy bay địch đánh trúng đội hình của Tiểu đoàn 1, thương vong rất nhiều nhưng không ai chùn bước. Quân ta giành giật từng ngã tư, từng góc nhà với địch. Người trước ngã xuống, người sau xông lên.
 
Một ngày sau, quận lỵ Long Thành được giải phóng. Lúc này các cánh quân khác của Binh đoàn Hương Giang đã tiến đánh giải phóng lần lượt các căn cứ quân sự của địch: Nước Trong, Cát Lái, Nhơn Trạch, Long Bình, Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh và tiến công Vũng Tàu.
 
Sau khi giải phóng quận lỵ Long Thành, Trung đoàn 101 tiếp tục cùng các đơn vị trong Binh đoàn Hương Giang chia thành hai cánh quân xốc tới nội đô Sài Gòn theo hướng bắc và đông bắc. Lúc này, 5 cánh quân chủ lực của ta ở các hướng cùng với lực lượng nổi dậy tại chỗ đang khép dần vòng vây xung quanh Sài Gòn.
 
Ngày 30-4-1975, với sự đột kích mạnh của pháo binh xe tăng, Trung đoàn 101 thực hiện tiến công đánh chiếm quận 9 Sài Gòn và đúng 11 giờ 30 phút, lữ đoàn xe tăng 203 của Binh đoàn Hương Giang đã thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập, buộc Tổng thống Ngụy quyền và toàn bộ nội các đầu hàng.
 
"Cảm xúc khi đó không thể diễn tả được. Trong niềm vui chiến thắng, trên gương mặt mọi người, ai cũng nở một nụ cười rạng rỡ, nhiều người xa lạ vẫn tay bắt mặt mừng, ôm chặt lấy nhau và hét to: "Hòa bình rồi". Bây giờ nhớ lại, đó có lẽ là khoảnh khắc không bao giờ quên với tôi, khoảnh khắc lịch sử mà tôi và các đồng đội luôn vinh dự, tự hào vì có mặt tại Sài Gòn trong đoàn quân chiến thắng", ông Thiện chia sẻ.
 
Bình dị giữa đời thường
 
Hòa bình lập lại, ông Hồ Duy Thiện được quân đội cho phép trở lại trường hoàn thành chương trình học. Năm 1977, ông tốt nghiệp đại học thủy lợi loại giỏi và về công tác tại Văn phòng Bộ Quốc phòng. Những năm sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, ông xin chuyển về Tỉnh đội Bình-Trị-Thiên.
 
Năm 1988, Huyện ủy Tuyên Hóa "xin" Tỉnh đội Bình-Trị-Thiên chuyển đại úy Hồ Duy Thiện về công tác tại Văn phòng UBND huyện Tuyên Hóa. Kinh qua các chức vụ như Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND rồi giữ cương vị Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa từ năm 1999 đến 2008 thì ông nghỉ hưu.
 
Từ người lính chuyển qua làm công tác chính quyền, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với phẩm chất kiên cường của người lính Cụ Hồ được tôi rèn qua chiến trận, ông Thiện cùng đội ngũ cán bộ và nhân dân Tuyên Hóa đã gặt hái được nhiều thành công trên mặt trận kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
 
Nghỉ hưu hơn chục năm nay, ông sống bình dị cùng gia đình ở thị trấn Đồng Lê. Hôm chúng tôi đến nhà, ông đang cặm cụi đọc tài liệu để chấp bút cho những cuốn lịch sử đảng bộ các địa phương. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi. Nhiều người thân thiết phàn nàn, làm gì cho khổ, ông chỉ cười: "vì đam mê, vì trách nhiệm với quê hương"...
 
X.Phú
,