.

Ký ức Đồng Sơn

.
17:55, Thứ Sáu, 19/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau sự kiện “Ngày Chủ nhật đau thương” mùng 4-4-1965, máy bay Mỹ đánh phá thị xã Đồng Hới giết chết 72 người dân, làm bị thương 37 người khác. Tháng 5-1965, được sự nhất trí của Tỉnh ủy Quảng Bình, Thường vụ Thị ủy Đồng Hới kêu gọi nhân dân sinh sống ở nội thị sơ tán lên vùng đất phía tây xây dựng quê hương mới. Trong dòng người di dân ấy có một cô gái vừa tròn tuổi 20, tên Phạm Thị Vi. 54 năm sau, tôi gặp lại bà tại phường Đồng Sơn, vùng đất sơ tán ngày nào.

Một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử chiến tranh ở Quảng Bình

Lật mở từng trang lịch sử Đảng bộ phường Đồng Sơn, tôi bắt gặp những trang viết về sự kiện này: “Cuộc di dân của hơn 10.000 người diễn ra trong một tình thế vô cùng gian khổ, phức tạp. Người Đồng Hới là cư dân một đô thị bao gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp xã hội với nhiều ngành nghề khác nhau…

Vì vậy, cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của họ cũng mang nhiều vẻ khác nhau. Thấy được khó khăn đó, Thường vụ Thị ủy Đồng Hới chỉ đạo thành lập Ban xây dựng quê mới do đồng chí Trương Duy Bình, Chủ tịch UBHC thị xã làm Trưởng ban, đồng chí Hà Đầu làm Phó ban Thường trực.

Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt khó khăn cho nhân dân, tỉnh hỗ trợ một khoản kinh phí ban đầu gồm: trợ cấp cho mỗi nhân khẩu trong 6 tháng, bình quân 13kg gạo, 6kg muối, 1 chiếc màn, 2 chiếc chiếu; hỗ trợ 200 đồng kinh phí di dời, làm lại nhà mới.

Dưới sự lãnh đạo của Thị ủy và UBHC thị xã, Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam thị xã nhanh chóng thành lập Đại đội thanh niên ba sẵn sàng giúp nhân dân ổn định nơi ăn, chốn ở trên quê hương mới Đồng Sơn. Đại đội ba sẵn sàng tập hợp hơn 500 thanh niên do đồng chí Nguyễn Xuân Chàm, Bí thư Thị đoàn phụ trách.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bằng sức trẻ, bằng ý chí và nghị lực, Đại đội ba sẵn sang đã bốc dỡ, vận chuyển hơn 2.000 ngôi nhà từ Đồng Hới đổ nát lên vùng quê mới, xây dựng 2.500 ngôi nhà, hàng chục phòng học, đào giếng nước, đào đắp hàng nghìn mét giao thông hào, hầm tránh bom đạn giặc Mỹ.

Lực lượng dân quân Đồng Sơn hăng say luyện tập sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng dân quân Đồng Sơn hăng say luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Một vùng quê mới thực sự hình thành với 8 cụm dân cư gồm khu vực Cầu Cúp, Trị Thiên, Zét, Hà, Cồn Chùa, Bắc và Nam Trạng, Ba Đa, Cộn. Các khu dân cư bố trí theo đơn vị HTX, theo ngành nghề sản xuất, từ đó phát huy sức mạnh vùng quê mới trong lao động, chiến đấu, chi viện hiệu quả cho chiến trường trong suốt 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Nhận xét về cuộc di dân này, lịch sử ghi lại: “Đây là lần thứ hai trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ, nhân dân Đồng Hới theo lời kêu gọi của Đảng dứt ruột rời bỏ mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình để tạo lập một căn cứ kháng chiến mới trong tình thế vô cùng khó khăn, gian khổ, phức tạp.

Nếu lần ra đi thứ nhất mang tính chất của một cuộc sơ tán, bởi vì sau đó, phần lớn người dân Đồng Hới lại trở về quê cũ đang bị giặc Pháp chiếm đóng để sống và tham gia hoạt động kháng chiến trong lòng địch thì lần ra đi thứ hai này mang tính chất một cuộc di dân lớn, không chỉ bảo vệ tính mạng và tài sản của mình mà còn tạo lập một vùng quê mới, một căn cứ kháng chiến mới chống Mỹ lâu dài”.

“Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương”

Trong hơn 10.000 người dân sơ tán lên tạo lập vùng đất mới Đồng Sơn, sau ngày hòa bình, nhiều người về lại Đồng Hới. Nhiều người chọn Đồng Sơn làm quê hương thứ hai, trở thành cư dân Đồng Sơn. Bà Phạm Thị Vi, cô gái 20 tuổi ở làng Động Hải trong Đại đội ba sẵn sàng ngày nào và bà Vi tuổi 74 bây giờ là một trong số người ở lại Đồng Sơn.

Tham gia sản xuất trong HTX Quyết Tiến đóng tại đồi Độc Lập, chuyên sản xuất bột sắn, củ dong riềng, năm 1967, bà Vi trở thành kế toán HTX Quyết Tiến kiêm Trung đội trưởng dân quân ở vùng Hà. Đến năm 1968, bà Vi giữ chức Thị đội phó, sau làm Thị đội trưởng (ngày 6-8-1966, Bộ Nội vụ có quyết định thành lập thị trấn Đồng Sơn).

Năm 1986, bà Vi trở thành Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn. Cuối năm 1994 đầu năm 1995, bà chuyển về giữ chức Chánh văn phòng UBND thị xã Đồng Hới cho đến lúc nghỉ hưu. Từ năm 2001 đến nay, bà Vi là Chủ tịch Hội CTĐ phường Đồng Sơn.

Trong cuộc đời mình, bà Phạm Thị Vi dành một phần lớn ký ức để lưu giữ những hình ảnh về một thời di dân đi tạo lập chiến khu, từ đội hình Đại đội ba sẵn sàng dùng xe bò, xe cút kít vận chuyển nhà cửa ở nội thành Đồng Hới lên Trạng, Ba Đa, Cúp Cúp, Zét dưới mưa bom, bão đạn của máy bay Mỹ đến thời gian khó, lăn lộn với phong trào HTX tại đồi Độc Lập và những tháng năm đối đầu trực tiếp với máy bay Mỹ, vừa chiến đấu giỏi, vừa sản xuất giỏi.

Bà nhớ đến những tội ác mà đế quốc Mỹ gây ra ở Đồng Sơn, nhớ những lần bản thân cùng dân quân, du kích vun vén từng thi thể đồng chí, đồng đội, người dân không còn nguyên vẹn để chôn cất sau mỗi trận bom càn. “Đêm mùng 9-10-1967, máy bay Mỹ oanh tạc vùng Cồn Chùa, đánh trúng vào đội hình đoàn thương binh từ chiến trường miền Nam ra điều dưỡng ở Quân y viện 45 đóng tại Phú Vinh làm chết 11 người và nhiều dân thường khác.

Dứt tiếng bom, chúng tôi đến hiện trường, tan hoang hết, thi thể người vương khắp nơi. Chúng tôi góp nhặt lại, lo cho các anh an nghỉ chu đáo. Chiến tranh phá hoại ngày càng lan rộng, Đồng Sơn đối mặt với mất mát, đau thương nhiều hơn. Trận bom tọa độ tại Ba Đa làm chết 40 người, trong đó có 22 trẻ em từ Đồng Thành lên sơ tán. Trận bom ở Cúp Cúp giết hại 8 học sinh Trường trung học Nông nghiệp tỉnh và 6 người dân địa phương.

Trận bom rải thảm khắp vùng Hà, Trạng, Zét, Cộn… giết chết 280 người, làm bị thương 100 người… và còn rất nhiều nhiều trận bom khác nữa. Bom đạn Mỹ phá hủy hàng trăm ngôi nhà, cơ sở sản xuất, trường học, bệnh xá. Thiệt hại về vật chất, tính mạng con người không thể kể hết”.

“Đảng bộ và nhân dân Đồng Sơn quyết tâm biến đau thương thành hành động. Ngày ấy, chúng tôi động viên nhau, động viên nhân dân “Nhà tan cửa nát cũng ừ/Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ sướng sau” để cùng với quân dân trong tỉnh, cả nước chắc tay cày tay súng, chi viện hiệu quả sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đến ngày đất nước thống nhất hoàn toàn”-bà Phạm Thị Vi chia sẻ thêm.

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”, bà Phạm Thị Vi quyết định chọn Đồng Sơn làm quê hương thứ hai. Hiện tại, gia đình bà sinh sống tại TDP 9, phường Đồng Sơn. Đi qua chiến tranh, tuổi thanh xuân cống hiến cho cách mạng, từ năm 2001 đến nay sau khi về hưu, bà Phạm Thị Vi vẫn tiếp tục tham gia công tác xã hội trên cương vị Chủ tịch Hội CTĐ phường.

Thanh Long

,