.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

.
08:29, Thứ Tư, 31/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Chỉ trong gần một thế kỷ dưới triều nhà Nguyễn, làng La Hà (xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch (nay là TX.Ba Đồn) đã có tới 5 vị tiến sĩ, 1 vị phó bảng và 32 vị cử nhân. Không dừng lại ở đó, đất La Hà thời nào cũng có người đỗ đạt cao, vì thế mà được xếp thứ 2 trong “bát danh hương” và được mệnh danh là làng khoa bảng nổi tiếng nhất ở đất Quảng Bình.

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Hai thầy trò cùng đỗ tiến sĩ

Dòng sông Gianh có hai nhánh chính là nguồn Son và nguồn Nậy. Hai nguồn sông ấy đổ về xuôi gặp nhau ở cửa Hác và tạo nên một bãi nổi khá lớn, đó là nơi tọa lạc của làng La Hà, xã Quảng Văn. Trong hệ thống các cồn bãi giữa dòng sông Gianh thì bãi La Hà là bãi lớn nhất, có hình con cá chép bơi ngược dòng sông Gianh với 4 nhánh sông phụ đang đổ vào La Hà, nên người ta thường gọi La Hà là “tứ bút châu nghiên”.

Họ Dương và họ Nguyễn là những người khai phá ra vùng đất này đầu tiên. Năm Lê Thánh Tông thứ XVI (1640-1697), nhà vua cho lập làng lấy tên La Hà xã, nghĩa là làng bao bọc bởi sông nước. Với địa thế “tứ bút châu nghiên”, mảnh đất La Hà đã sản sinh một nền văn hóa dân gian độc đáo, giàu sức sáng tạo và nuôi dưỡng nhiều nhân tài tuấn kiệt cho đất nước...

Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Văn, đầy tự hào khi giới thiệu về truyền thống khoa bảng của quê hương mình. Với một người yêu mến quê hương như ông thì những sự tích cổ điển lẫn sử làng, ông thuộc làu. Ông chắc như đinh đóng cột rằng, trong lịch sử 500 năm hình thành, làng ông là một làng khoa bảng nổi tiếng nhất của đất Quảng Bình.

Nghề làm nón ở La Hà không đơn thuần là một nghề mưu sinh, mà còn  là nét văn hóa đặc trưng của làng có từ hàng trăm năm qua.
Nghề làm nón ở La Hà không đơn thuần là một nghề mưu sinh, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của làng có từ hàng trăm năm qua.

“Đất La Hà tuy nghèo nhưng hiếu học và học giỏi có tiếng từ bao đời nay. Nhất là từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, việc học hành thi cử ở La Hà phát triển rực rỡ. Các kỳ thi triều Nguyễn, huyện Quảng Trạch có 15 vị đại khoa, riêng La Hà có 6 vị, chiếm nhiều nhất trong huyện. Trong các kỳ thi hương có người Quảng Bình tham dự, từ năm Quý Dậu 1813 đến năm Mậu Ngọ 1918, có 270 vị đỗ cử nhân, trong đó huyện Quảng Trạch có 113 vị, xã Quảng Văn có 32 vị, cũng chiếm số lượng nhiều nhất so với các địa phương trong huyện.

“Lịch sử “lều chõng” Quảng Bình dưới triều vua Tự Đức năm thứ tư (1851) trong kỳ thi hội năm Tân Hợi đã ghi nhận một bảng vàng rực rỡ nhất cho huyện Quảng Trạch: cả tỉnh Quảng Bình chỉ có ba tiến sĩ mà Quảng Trạch chiếm cả ba, trong đó thôn La Hà, xã Quảng Văn chiếm hai vị. Hai vị đó là hai thầy trò cùng ứng thí và cùng đỗ một khóa thi, điều mà các triều đại phong kiến ngày xưa cho là quý hiếm. Thầy là Phạm Nhật Tân, năm ấy 41 tuổi, còn trò là ông Trần Văn Hệ, mới 24 tuổi...”, ông Mùi lật nhớ từng trang sử đầy tự hào của quê hương.

Tiếp nối truyền thống khoa bảng

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện làng La Hà có tới hàng trăm người có học vị từ cử nhân đến tiến sĩ. Nhiều người đang là cán bộ cấp tỉnh và cấp Trung ương. Ông Phạm Xuân Kiều, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Văn, một người am hiểu về lịch sử và các dòng họ ở làng La Hà cho biết: “Tiếp nối truyền thống quê hương, ở La Hà hầu như năm nào cũng có học sinh đạt giải huyện, tỉnh, quốc gia và đỗ cao vào các trường đại học chất lượng cao, như: Học viện cảnh sát, Bách khoa Đà Nẵng, Y Huế, sư phạm Huế... Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, năm nào La Hà cũng có ít nhất 12 em đỗ vào các trường đại học nói trên”.

Lý giải cho sự hưng thịnh của con đường khoa bảng làng La Hà, ông Kiều cho rằng, phong thủy tốt đẹp của vùng đất với thế “tứ bút châu nghiên”, hay “ngũ long tranh châu” đã phát tích sự học và con đường khoa bảng của làng ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, ông Kiều cũng cho biết, đó chỉ là quan niệm của các cụ xưa, xét về khoa học phong thủy cũng chỉ đúng phần nào. Ðiều quan trọng là bởi chính quyền và người dân La Hà bao thế hệ vẫn luôn gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, luôn quan tâm và chăm lo tới sự học của thế hệ trẻ.

Đã thành thông lệ, hàng năm vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, Đảng bộ, chính quyền xã Quảng Văn và người dân La Hà lại tập trung ở trụ sở UBND để làm lễ chào cờ chào năm mới, sau đó phát thưởng cho những em học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi và đỗ vào các trường đại học chính quy.

Còn vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, người dân La Hà lại tổ chức lễ hội đình làng với phần lễ tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền của làng, phần hội với nhiều chương trình văn nghệ và nhiều trò chơi dân gian như: thơ ca, hò, vè, phú, cờ tướng, chọi gà... nhằm gìn giữ những nét văn hóa cổ truyền, phát huy tinh thần hiếu học, trọng lễ. Đình làng La Hà được xây dựng từ năm 1859, đã trải qua nhiều lần sửa chữa, xây mới.

Đến năm 2016, con em quê hương La Hà đóng góp xây dựng mới lại ngôi đình làng khang trang. Hàng trăm năm qua, đình làng La Hà vẫn là nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là nơi hội họp mỗi dịp Tết đến xuân về, nơi con cháu trong làng thắp hương tế cáo mỗi dịp đỗ đạt, đi xa, mỗi dịp thành công trở về làng. Nét xưa đó vẫn tiếp tục được người làng trân trọng lưu giữ cho muôn đời sau.

La Hà vốn là một làng thuần nông, ruộng nương ít ỏi. Để duy trì cuộc sống và theo đuổi việc học, người làng La Hà, ngoài những mảnh ruộng, hàng trăm năm qua họ vẫn duy trì được 2 nghề truyền thống, đó là nghề nón lá và nghề mây xiên. Đặc biệt, nghề làm nón lá ở La Hà không chỉ là nghề mưu sinh để người dân nơi đây kiếm thêm thu nhập nuôi con ăn học, mà nó đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người La Hà.

Theo các bậc cao niên của làng, nghề nón có từ bao giờ người La Hà không còn ai nhớ nổi, chỉ biết rằng, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nghề nón ở La Hà vẫn tồn tại và phát triển. Ở làng La Hà, người làm nón thường tập trung thành nhóm năm, ba người ngồi với nhau, vừa chằm nón vừa trò chuyện, hát đối với nhau rất vui vẻ...

Ngày trước, nhiều nam thanh, nữ tú có tình ý, hẹn hò nhau cùng chằm nón và đã có nhiều người nên duyên chồng vợ từ đây. Trẻ em sau giờ tan học ở trường, cũng ngồi bên khuôn nón, tay thoăn thoắt chằm nón, miệng ôn bài học... Vào ngày lễ hội đình làng La Hà (rằm tháng Giêng âm lịch) hàng năm, người La Hà còn tổ chức cuộc thi “khéo tay, hay làm” cho người làm nón, thời gian thi thường kéo dài trong 45 phút, người may nón đẹp và nhanh nhất sẽ là người chiến thắng. Cuộc thi không chỉ góp vui cho lễ hội mà còn ôn lại bề dày lịch sử nghề truyền thống của làng La Hà, góp phần duy trì các giá trị tốt đẹp mà nghề truyền thống mang lại.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn cho biết, đến thời điểm này, xã Quảng Văn đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM), một sự cố gắng vượt bậc của chính quyền và người dân nơi đây. Ngoài các tiêu chí bắt buộc phải có tiền, như: giao thông, chợ, hạ tầng..., các tiêu chí khác, đặc biệt là các tiêu chí về văn hóa, giáo dục... Quảng Văn đã làm rất tốt.

“Bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Văn luôn xác định, xây dựng NTM  không đơn thuần chỉ là đầu tư cơ sở vật chất, mà Quảng Văn chú trọng xây dựng các tiêu chí về văn hóa xã hội, đặc biệt là bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Làm được điều này, không chỉ bộ mặt nông thôn ở Quảng Văn được đổi mới, mà đời sống tinh thần của nhân dân cũng được nâng lên, tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh để nhân lên các giá trị văn hóa truyền thống quê hương” - ông Phương nói.

Phan Phương

Bài 3: “Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió...”

 

,