.

"Người thương hạt muối"

Thứ Bảy, 25/11/2017, 15:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Là 1 trong 3 ý tưởng tiêu biểu tại vòng chung kết “Ngày phụ nữ sáng tạo 2017 toàn quốc” được hỗ trợ kinh phí, phương pháp “Cải tiến bề mặt sân bê tông nhằm làm tăng năng suất sản xuất muối của bà con nông dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình” của cô giáo Lê Thị Hảo, Trường THCS xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực trong quy trình sản xuất muối của người dân địa phương.  Cô Hảo được nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học sinh và bà con sản xuất muối trìu mến gọi bằng cái tên “người thương hạt muối”.

Cuộc hẹn với “người thương hạt muối” diễn ra tại đồng muối xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch) vào cuối tháng 11, khi cánh đồng muối đang chìm trong biển nước. Cô Hảo cho biết, mùa sản xuất muối kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch hàng năm.

Cô giáo Lê Thị Hảo bên cánh đồng muối.
Cô giáo Lê Thị Hảo bên cánh đồng muối.

Dù thời gian ngắn, nhưng với người dân địa phương, đây là nghề đã và đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. “Quê em ở tỉnh Thanh Hóa, không sinh ra và lớn lên với đồng muối, nhưng về đây công tác và gắn bó với vùng đất này, em thấy thương hạt muối và muốn làm điều gì đó cho quê hương thứ hai của mình!”, cô Hảo tâm sự.

Bởi tình yêu giản dị ấy, khi nhận thông tin phát động cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo 2017”, được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu Trường THCS Quảng Phú, sự động viên của chồng (cũng là giáo viên) và các đồng nghiệp, cô Hảo đã mạnh dạn bắt tay vào thực hiện đề tài. Tham gia cùng cô còn có cô giáo Trương Thị Thu Hồng, một đồng nghiệp cùng trường. Dù không sinh ra, lớn lên cùng những cánh đồng muối, nhưng cô giáo Hảo gắn bó với hạt muối bởi gia đình nhà chồng nhiều đời sản xuất muối.

Hiện, hai người anh trai của chồng cô và hàng trăm hộ dân địa phương vẫn tham gia sản xuất muối. Từ những kinh nghiệm trong quá trình sản xuất muối của gia đình, cô giáo Hảo đã ngày đêm trăn trở và bắt tay thực hiện ý tưởng “Cải tiến bề mặt sân bê tông nhằm làm tăng năng suất sản xuất muối của bà con nông dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình”.

Từ những hạn chế trong quy trình sản xuất muối cũ với sân bê tông truyền thống, áp dụng nguyên lý hấp thu ánh sáng tốt hơn của màu đen so với màu bạc của sân bê tông truyền thống trong sản xuất muối, cô Hảo và đồng nghiệp đã sử dụng than trấu từ nguyên liệu sẵn có của địa phương trộn cùng xi măng và quét lên bề mặt sân bê tông để tạo màu đen. Sau nhiều lần thí nghiệm, kết quả thu được về số lượng và chất lượng muối ở sân bê tông màu tối đạt cao hơn nhiều so với sân bê tông truyền thống.

“Đây là một phương pháp đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng lại mang lại hiệu quả thiết thực về cả số lượng và chất lượng của sản phẩm. Việc sử dụng than trấu là nguyên liệu sẵn có ở địa phương hoàn toàn bảo đảm yêu cầu về vệ sinh và an toàn trong quá trình sản xuất.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế như sân bê tông đen sẽ bong tróc sau hai đến ba năm, nhưng với giá thành thấp, dễ ứng dụng, đây là phương pháp hiệu quả và được nhiều hộ sản xuất muối ứng dụng, trong đó có gia đình bên chồng em!”, cô Hảo cho biết thêm.

Ý tưởng của cô giáo Lê Thị Hảo và Trương Thị Thu Hồng đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn hoàn thiện và lựa chọn gửi tham gia “Ngày Phụ nữ sáng tạo 2017” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động bắt đầu từ tháng 6-2017. Ban tổ chức đã nhận được 89 ý tưởng trong toàn quốc và lựa chọn 9 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo.

Trong số 9 ý tưởng này, có 3 ý tưởng tiêu biểu với yêu cầu về tính khả thi và phù hợp với lợi ích của cộng đồng được hỗ trợ 150 triệu đồng/1 ý tưởng. Phương pháp “Cải tiến bề mặt sân bê tông nhằm làm tăng năng suất sản xuất muối của bà con nông dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình” vinh dự là 1 trong 3 ý tưởng tiêu biểu được nhận kinh phí hỗ trợ của Ban tổ chức.

Cô giáo Lưu Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THCS Quảng Phú cho biết, là một giáo viên dạy môn Lịch sử đồng thời là tổng phụ trách đội, cô Lê Thị Hảo là người nhiệt tình và có trách nhiệm cao trong chuyên môn. Bên cạnh đó, cô còn hăng say tham gia các hoạt động khác, trong đó tiêu biểu là việc thực hiện sáng kiến dự thi “Ngày phụ nữ sáng tạo”.

“Sau khi nhận được công văn hướng dẫn của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và huyện, nhà trường cũng đã triển khai rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ. Và trong số những ý tưởng này, sản phẩm của cô Lê Thị Hảo và Trương Thị Thu Hồng mang tính khả thi cao. Qua nhiều vòng lựa chọn, ý tưởng đã mang lại kết quả tích cực. Chúng tôi rất vui và tự hào bởi thành quả này!”, cô Thủy cho biết thêm.

Quá trình triển khai các thí nghiệm trên đồng muối.
Quá trình triển khai các thí nghiệm trên đồng muối.

Sau khi nhận được kết quả từ hội thi, cô giáo Lê Thị Hảo đang tiếp tục hoàn thiện các bước liên quan để nhận kinh phí hỗ trợ của Ban tổ chức. Sáng kiến được triển khai sẽ góp phần nâng mức doanh thu từ 22 triệu đồng/ha/mùa lên 30 triệu đồng/ha/mùa cho nông dân xã Quảng Phú. Với tổng diện tích là 500 ha, việc áp dụng rộng rãi sáng kiến này sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều lần.

Cô Hảo cho biết: “Đây là niềm vinh dự song cũng là trách nhiệm nặng nề. Em sẽ tiếp tục cố gắng để mang lại hiệu quả tốt nhất, góp phần giúp người sản xuất muối ở Quảng Phú nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập. Em cũng muốn nói lời cảm ơn đến nhà trường, anh chị em đồng nghiệp và bà con nông dân đã hỗ trợ và đồng hành cùng em trong suốt quá trình này, đặc biệt là chồng em, cánh tay đắc lực đã góp ý và giúp đỡ em nhiều!”.

Bằng tình yêu và sự gắn bó với hạt muối cùng quá trình thí nghiệm qua thực tế và những kết quả khả quan, tin rằng những ý tưởng của cô giáo Lê Thị Hảo và đồng nghiệp sẽ được áp dụng rộng rãi, để sau bao thăng trầm bởi thiên tai và “nhân tai’ từ sự cố môi trường biển, hạt muối của người dân Quảng Phú sẽ thêm vị mặn mòi và tiếp tục góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất này.

Ngọc Mai