.

Tạnh trời chuông Trạm...

Chủ Nhật, 30/07/2017, 14:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Thuở nhỏ, tôi thường nghe những người lớn đi đò dọc Đồng Hới-Lệ Thủy  đọc cho nghe câu ca dao về tiếng chuông của một ngôi chùa Trạm nào đó thật xa xăm:

Tạnh trời chuông Trạm ngân xa
Ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ

Mặc dù các địa danh được nhắc tới trong câu ca dao nằm ngoài tầm hiểu biết của mình, nhưng tôi vẫn như thấy rất thân thuộc, bởi ở thị xã Đồng Hới nhỏ bé thời điểm này, tuổi thơ tôi được tẩm ướp trong những tiếng chuông chùa bình yên trầm vọng mỗi ngày.

Có lẽ tiếng chuông chùa thân thuộc đã liên kết được không gian, thời gian, cộng hưởng được tâm thức, nên tiếng chuông chùa Trạm ở một miền địa lý xa xôi nào đó vọng đến từ ca dao vẫn khiến tâm hồn trẻ thơ tôi rung động.

Ngoài ra, tôi còn được nghe thêm một số dị bản ca dao khác cũng về tiếng chuông này: “Tận trời chuông Trạm kêu xa /Thấu về Hạc Hải, băng qua nhà Hồ”, hoặc “Tạnh trời chuông Trạm kêu xa / Anh ơi, em gửi mẹ già cho anh”..., nhưng không hiểu sao, câu ca dao tôi được tiếp cận thuở đầu đời cứ “án ngữ” mãi trong tâm thức của tôi, không thể thay thế.

Đại hồng chung chùa Hoằng Phúc, đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hiện còn bảo tồn tại chùa (ảnh chụp lại từ tư liệu chùa Hoằng Phúc)
Đại hồng chung chùa Hoằng Phúc, đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hiện còn bảo tồn tại chùa (ảnh chụp lại từ tư liệu chùa Hoằng Phúc).

Lớn lên, khi có một chút trí khôn, tôi bỗng nhận ra tiếng chuông chùa Trạm trong câu ca dao thật là phúng dụ, nếu không muốn nói thật là phi lý. Tại sao tiếng chuông chùa Trạm không theo quy luật sóng âm như mọi tiếng chuông chùa khác, phát ra bốn phương tám hướng từ đồng tâm, mà lại trực chỉ một hướng nam: “vào Hồ Xá”, “qua Truông Hồ” thôi?

Tại sao âm thanh tiếng chuông chùa Trạm trong ca dao lại dễ dàng vượt qua các giới hạn vật lý để vang xa đến khoảng 25km, vào tận nơi biên viễn? Những câu hỏi cứ lật đi lật lại trong tâm trí tôi mà không có câu trả lời cho đến tận bây giờ, kể từ khi ở Đồng Hới lịm tắt tiếng chuông chùa do chiến tranh.

Chùa Trạm là tên gọi dân gian thân thiết và ấm cúng của người dân địa phương dùng để chỉ ngôi phạm vũ bậc nhất khu vực, vang bóng một thời, tọa lạc tại xã Mỹ Thủy, ở gần Trạm dịch Bình Giang (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được chùa có hơn 700 năm tuổi, trải bao hưng phế, lần lượt gắn với những tên chữ lồng lộng ánh thiền: Tri Kiến, Kính Thiên, Hoằng Phúc.

Trong suốt 700 năm tồn tại và lưu danh cho đến trước khi được phục dựng lại gần đây, chùa Trạm (Tri Kiến, Kính Thiên, Hoằng Phúc) chắc chắn sở hữu nhiều chiếc chuông, nhưng hiện nay, chúng ta chỉ có cơ may được tiếp cận hai quả chuông được các thế hệ tiền nhân nối tiếp nhau tồn giữ: một trong thực thể và một trong thư tịch cổ.

Quả chuông thực thể là đại hồng chung có tên “Hoằng Phúc linh chung” (quả chuông thiêng của chùa Hoằng Phúc), được đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839), nặng 80kg, hiện được lưu giữ như báu vật tại chùa Hoằng Phúc mới phục dựng.

Còn quả chuông trong thư tịch cổ là đại hồng chung treo ở chùa khi còn có tên là Kính Thiên, được tiến sỹ Dương Văn An nhắc đến trong “Ô châu cận lục” (năm 1555): “Chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang huyện Lệ Thủy (...) Chùa có đại hồng chung nặng ngàn cân” (1), và với sự miêu tả này, có thể hình dung quả chuông nặng tương đương 600kg, lớn hơn 7 lần so với quả Hoàng Phúc linh chung hiện đang được bảo tồn ở đây.

Như vậy, cứ cho là tiếng chuông chùa Trạm vang vọng trong câu ca dao được ngân lên từ quả đại hồng chung Kính Thiên ngàn cân thì liệu âm thanh của nó có “đi” đến được Truông Hồ, Hồ Xá, nơi xa nhất cách chùa Trạm chừng 25 km không gian không?

Chúng ta từng biết rằng, bộ chuông đồng 6 chiếc với 6 âm son, la, si, đô, rê, mi do người Pháp đúc có tổng trọng lượng 27,055 tấn hiện treo ở nhà thờ Đức Bà (TP. Hồ Chí Minh) mỗi khi được rung lên cùng lúc, với sự cộng hưởng âm đồng bộ, người ta cũng chỉ đo được âm thanh của nó vang xa không quá 10km trong không gian mà thôi (2).

Rõ ràng độ vang của tiếng chuông chùa Trạm trong câu ca dao mà tôi đã nghe từ tấm bé dù được ngân lên từ quả đại hồng chung giai đoạn nào trong suốt 700 năm thăng trầm của ngôi chùa thì cũng là tiếng chuông khoa trương và phi lí.

Đồ rằng, cả kho tàng ca dao về ngôi danh lam Hoằng Phúc cũng chỉ đọng lại một câu về tiếng chuông chùa cùng với những biến thể xung quanh nó mà thôi, nhưng có một sự thật đáng ngạc nhiên là tiếng chuông phúng dụ ấy, bất chấp thực tế, suốt hàng trăm năm vẫn không ngừng vang lên trong ca dao và vọng mãi đến ngày nay. Trong trường hợp cụ thể này, không gì có thể biến sự phi lý thành hợp tình trong lòng người dài lâu đến vậy, nếu đó không phải là sự cộng hưởng giữa tính hướng thiện của giáo lý đạo Phật với khát vọng sống bình yên của người Việt.

Đạo Phật với giáo lý cao cả là hướng thiện, truyền vào nước ta những năm đầu công nguyên. Từ đó, đạo Phật luôn đồng hành với lịch sử dân tộc, trở thành một tôn giáo bám rễ bền chặt trong đời sống tâm linh của nhân dân ta và do vậy người Việt dù đi đến phương trời nào cũng mang theo tín ngưỡng thờ Phật như một hành trang tâm linh đầy tôn kính để gắn kết cộng đồng, đoàn kết dân tộc, nhằm bảo trợ cho đời sống tinh thần vô cùng phong phú của mình.

Theo đó, khi tuân chiếu của vua Lý Nhân Tông (1075) chiêu dân vào lập nghiệp ở vùng đất mới ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh do vua Chăm pa Chế Củ dâng, cộng đồng di cư người Việt ở phía bắc đã mang theo truyền thống văn hóa, tín ngưỡng vào đây và chỗ dựa tâm linh gần gũi thân thiết nhất chính là đạo Phật.

Đáp ứng tờ chiếu di dân lập ấp của vua Lý Nhân Tông, dân Đại Việt từ Bắc (Nghệ An, Thanh Hóa...) di cư vào Nam, nhưng họ không dừng chân ở châu Bố Chính mà đi thẳng vào Lâm Bình (trước gọi là Địa Lý, gồm Lệ Thủy và Quảng Ninh ngày nay), là nơi đất thấp, phì nhiêu hơn, vì vậy, Lâm Bình được khai khẩn sớm hơn Bố Chính (3).

Những làng xã người Việt đầu tiên khởi nguồn từ một gia đình, một dòng họ đã được thiết lập ở đây với đầy dủ các nếp nhà, cây đa, bến nước, sân đình và theo đó chùa làng thờ Phật cũng được hình thành, trong đó có thể có am Tri Kiến, để bảo trợ đời sồng tinh thần của đồng bào những ngày đầu khó khăn, nguy hiểm nơi xa lạ, để nhắc nhớ đến quê hương, bản quán, cội nguồn.

Ở thời điểm này đến trước năm 1036, biên giới cực nam Đại Việt vào đến châu Ma Linh (phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay) trong đó có địa danh Truông Hồ, Hồ Xá được nhắc đến trong câu ca dao. Có thể nói am Tri Kiến (sau này là chùa Kính Thiên, Hoằng Phúc) là một trong những ngôi cổ tự có mặt sớm nhất trên đất Quảng Bình.

Ở vào vị thế đắc địa nơi biên viễn, kết hợp với sự kiện Phật Hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn làm nơi dừng chân hoằng pháp khi vân du hóa đạo phương ngoài, am Tri Kiến, theo thời gian, được các thế hệ nhân dân mộ đạo, được các triều đại phong kiến kế tiếp bồi trúc thành chùa quan, thành một trung tâm Phật giáo “vô song phúc địa” ở khu vực.

Cho đến sau này, lúc các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã hoàn thành công cuộc mở rộng cương vực đất nước vẫn thường xuyên trùng tu, mở rộng, ban chữ, ban hiệu, gửi gắm tâm trạng hoặc hành hương về chùa Hoằng Phúc, chùa Trạm, coi đó như là một trong những miền đất Phật, một trong những trung tâm Phật giáo đã góp phần  xiển dương phật giáo Đại Việt ra khắp cõi đất mới ở phương nam.

Những sự kiện này được lưu giữ khá nhiều trong sử sách và cả trên những pháp khí còn sót lại đến ngày nay ở chùa Hoằng Phúc. Bài Minh văn (Hoằng Phúc hồng chung minh ký) khắc trên đại hồng chung được chú đúc năm Minh Mạng thứ 20 (1839) còn được bảo tồn ở chùa Hoằng Phúc xác nhận đây là ngôi chùa quan danh tiếng bậc nhất tọa lạc ở nơi “vô song phúc địa”, có vai trò vỗ về và quy tụ Bốn dân hòa thuận / vạn pháp một dòng, và do đó Nay về đất Phật / đúc lại hồng chung để nối Một tiếng chuông ngân / Phật pháp cùng thông như thời hoàng kim xưa cũ.

Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu Phật giáo Thích Không Nhiên và Bình Nguyên: “Bài minh với văn phong cao nhã, tư tưởng uyên thâm, sử dụng nhiều điển tích, điển cố, nhiều thuật ngữ phật học chuyên sâu, chứng tỏ người chấp bút viết bài minh này phải là người có sở học uyên thâm, đặc biêt là về Phật học (...)

Xét về ngôn từ, ý chỉ được thể hiện trong bài minh cũng phần nào cho thấy, đó chỉ có thể là văn từ được phát xuất từ thánh ý của bậc đế vương hoặc mệnh quan triều đình” (4). Tiếng chuông Hoằng Phúc Hồng chung hẳn nhiên, trong một thời gian dài ngân lên trên thinh không chùa Hoằng Phúc, góp phần định hình tiếng chuông ảo diệu trong ca dao mà tôi đã từng “nghe” từ tấm bé đến ngày nay.

Trong đạo Phật, chuông là một trong các loại pháp khí và âm thanh của nó dùng để tu tập, thức tỉnh những gì tốt đẹp trong mỗi con người mộ đạo. Tiếng chuông chùa từ lâu đã trở nên quen thuộc, gần gũi với truyền thống văn hóa tín ngưỡng của các thế hệ người Viêt và bằng âm thanh thâm trầm, quyến rũ của nó đã khiến người nghe lắng lòng muốn hướng tới việc thực hiện những điều lành, điều thiện để bản thân, gia đình, xã hội được tốt đẹp lên.

Trong tiến trình mở cõi về phương nam, tiếng chuông chùa vang xa tới đâu, tượng trưng cho phật pháp Đại Việt được hoằng hóa tới đó và ở trường hợp khởi đầu nam tiến này trên mảnh đất Quảng Bình, nó có ý nghĩa đánh dấu sự có mặt đầy từ bi, đầy thiện tính của người Việt ở vùng đất mới.

Theo đó, tiếng chuông chùa Trạm trong ca dao trên thực tế không thể ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ được, nhưng với sự phúng dụ của ca dao, tiếng chuông ấy lại hoàn toàn thể hiện được ước muốn của cư dân chùa Trạm, cư dân Quảng Bình về ý chí bảo toàn cương vực và Phật giáo không chỉ đứng chân lại ở Quảng Bình mà tiếp tục ảnh hưởng, lan tỏa theo hành trình của cuộc mở cõi vào phương nam và điều này đã trở thành hiện thực.

Xem ra, với chỉ một tiếng chuông chùa Trạm có năng lực hoằng pháp  diệu ảo trong ca dao, thêm một lần nữa khẳng định rằng, trên vùng đất văn vật Quảng Bình, có nhiều tài nguyên nhân văn cần được nhận dạng và phát huy vào cuộc sống. Các giá trị tinh thần truyền thống của biết bao thế hệ người dân Quảng Bình hun đúc, xây dựng nên là vô cùng quý giá trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

T.H

____________
(1) Có tài liệu dịch: “Chùa có đại hồng chung nặng ngàn quân”. Quân là đơn vị đo lường cổ, một quân tương đương 302,25 kg, như vậy đại hồng chung chùa Kính Thiên có trọng lượng lên đến 302,25 tấn. Điều này có vẻ như không hợp lí, bởi vì so với chuông Qui Điền, một trong bốn bảo vật ( An Nam tứ đại khí ) , được đúc đời Lý, nặng 12000 cân, tương đương 7,3 tấn đã không thể treo được lên giá vì quá nặng, nên để lại ngoài đồng.
(2) Theo Từ điển Wikipedia.
(3) Theo giáo sỹ R.P.Cadiere, dẫn lại từ “Việt sử xứ Đàng Trong” của Phan Khoang.
(4) Từ tiếng chuông chùa Trạm dến đại hồng chung chùa Hoàng Phúc – Tạp chí Liễu Quán, số tháng 5/2015.