.

Hò chèo cạn ở làng biển Cảnh Dương

Thứ Hai, 27/02/2017, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Hò chèo cạn ở làng biển Cảnh Dương cũng gồm một số làn điệu ghép lại như hò chèo cạn ở các xã vùng biển huyện Bố Trạch hay xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Nhưng hò chèo cạn Cảnh Dương có điểm khác với hò chèo cạn ở Bố Trạch và Đồng Hới.

Chèo cạn Cảnh Dương có thể ghép một số làn điệu trong tất cả các làn điệu, chứ không nhất thiết phải hát hết tất cả các làn điệu của hò chèo cạn trong một lần trình diễn. Các làn điệu đó là: Nói lối, hò hí gia, hò vượt sóng, hò khoan, hò kéo lưới, hò hụi, hò đưa linh.

Hò khoan: Lời ca câu hò khoan ở Cảnh Dương thường sử dụng câu lục bát hay lục bát biến thể. Mỗi câu hò thường được ngắt làm ba cụm tiếng, mỗi cụm tiếng này thường là câu lục và hai nửa câu của câu bát, được người hò cái lĩnh xướng, rồi các bạn hò con xô: "là hò... hò khoan" (sau câu lục và sau 4 tiếng sau của câu bát) và "Là bớ khoan, bớ khoan, bớ khoan"  (sau 4 tiếng đầu của câu bát).

Hò hụi: Đây là khúc hò rộn ràng nhất của nhóm chèo cạn, câu hò hụi không có lời ca cho câu hò, mà chỉ dùng âm thanh tiết tấu đồn dập, mạnh mẽ, chắc khoẻ, láy lại ba bốn lần, làm cho không khí thêm sôi động, thúc giục, tập trung sức người...

Vì thế, âm điệu hò có tác dụng cổ vũ, động viên người lao động trên sông nước muốn chiến thắng thiên nhiên thì phải hiệp lực, mọi việc sẽ thành công. Lĩnh xướng: "hô hô hò hụi" và xô con "là hò là hụi". Âm thanh nhịp điệu hò hụi chắc khỏe, dồn dập. Sau nhiều lần hò hụi thấm mệt, người lĩnh xướng hò "hết hụi sang hò khoan", xô con tiếp "là hò... là khoan". Sau này, người dân đặt lời ca thêm vào sau các câu hò cái và hò xô mà qua thời gian, hình thành điệu hò hụi, hò khoan nghe rất nhuần nhuyễn.

Hò chèo cạn ở phường Hải Thành (Đồng Hới) trong lễ hội cầu ngư. Ảnh: P.V
Hò chèo cạn ở phường Hải Thành (Đồng Hới) trong lễ hội cầu ngư. Ảnh: P.V

Hò hí gia (hí la): Điệu hò hí gia (hò đưa) rất khoan thai nhẹ nhàng, giọng hò kéo dài, thanh thản, cảm giác như trời xanh, biển lặng không một gợn sóng, chỉ có điệu hò cao vút mênh mông giữa mây trời, câu hò lục bát hay lục bát biến thể cũng được cắt làm ba phần như câu hò khoan.

Hò chèo cạn Cảnh Dương ra đời tương đối muộn so với nhiều làn điệu khác ở Quảng Bình. Bài tế sau lễ hò Đức Ông, Đức Bà còn truyền khẩu ở địa phương nói về điều này:

... Đến năm Canh Tý thái bình
Đức Bà thượng thọ gặp dân rước về
Hiển linh hộ kẻ làng nghề
Cá dày ruốc được mọi bề ấm no
Năm Mậu Thân Đức Ông vô
Thành tâm phụng sự ngài cho
dân tình.
Nay mừng tứ tiết Mậu Thân
Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì
Hà thanh hải yến bốn bề
Đức Ông thượng thọ trở về cõi tiên
Lênh đênh mặt nước dạo miền
Tìm nơi đất tốt dân hiền ghé vô...

Như vậy, nếu xét về thời điểm ra đời tính từ đời vua Duy Tân (1907-1916), "Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì", chúng ta có thể thấy chèo cạn ra đời muộn và đây quả thật là cả một quá trình chuyển hóa, tìm tòi sáng tạo của những nghệ nhân dân gian, trở thành một trong những nét văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc làng biển Cảnh Dương.

Nội dung các bài chèo cạn Cảnh Dương vô cùng phong phú, đa dạng và luôn được bổ sung thêm nhiều bài hát mới. Ngày trước, nội dung chính của bài hát lễ là lời khẩn nguyện, cầu mong mưa thuận gió hòa, ăn nên làm ra...

Dân tôi vào lộng ra khơi
Bà cho sở vọng thuận thời làm ăn...

"Trời yên, biển lặng", "cá nặng lưới đầy"..., đó là ước vọng chính đáng từ ngàn đời nay của những ngư dân sống nhờ vào biển cả.

Bên cạnh những lời khấn nguyện, về sau này còn có những bài hát ca ngợi quê hương, ca ngợi lao động và bộc bạch những suy nghĩ, tâm tình của bà con ngư dân...

Cảnh Dương, Cửa Cẩm lạch nhà
Ghe thuyền buôn bán vui đà
quá vui...
Và:    
Người ta mong Bắc mong Nam
Tôi đây vong vóng mà trông gió nồm

Chèo cạn Cảnh Dương là một loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc của một làng quê vùng biển. Chèo cạn vận dụng nhiều lối ca hát, kể chuyện dân gian và lối biểu diễn mang tính cách điệu cao của các trò diễn dân dã. Động tác chèo thuyền, tát nước, buông neo,... đã được nghệ thuật hoá và đưa lên sàn diễn một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. Nội dung các bài chèo cạn, dù có khi lời ca vụng về, chưa được gọt dũa, nhưng đã diễn tả được tâm tư, tình cảm của người dân đối với quê hương, đất nước, với công việc chài lưới, dựng làng, dựng xóm,...

Hình thức diễn xướng sinh động, nội dung đa dạng, phong phú, có sức cuốn hút đặc biệt đối với cả người diễn lẫn người xem, ngôn ngữ mộc mạc, lối hò dung dị nhưng vẫn thâm thuý, sâu sắc và đi vào lòng người, chèo cạn Cảnh Dương quả thật là hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của vùng sông nước miền Trung.    

Ngày nay các làn điệu dân ca và phương thức trình diễn của chèo cạn ở Cảnh Dương vẫn được dân làng ưa thích, gìn giữ và phát huy. Nói về hò chèo cạnh Cảnh Dương, không thể không nhớ đến nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức, sinh năm 1935, là người nắm vững, diễn xướng và truyền dạy lại các làn điệu dân ca hiện có ở Cảnh Dương cho bao lớp nghệ nhân của làng. Ông vừa qua đời vào sáng ngày 20 tháng 02 năm 2017. Thế hệ con cháu của ông sẽ ca vang mãi những làn điệu dân ca làng biển Cảnh Dương, nơi quê hương yêu dấu, trọn đời gắn liền với lời ca giọng hát đầy truyền cảm của ông.

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến