.

Bia đá Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ

Thứ Hai, 25/01/2016, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Một mùa xuân cách đây hơn hai trăm năm, xuân Kỷ Tỵ năm 1809, dân làng Phan Xá, tục gọi là Nhà Phan, dựng bia đá về một "Trung Bình Hầu" được tấn phong Thành Hoàng làng(1).

Lời bia đá rằng: "To lớn thay đình ta/ Gối sông mà nhìn núi/ Thành quách thủy canh tân/ Giang sơn đều đổi mới/ Ai tân tạo nên Đình/ Ấy Trần Hầu nhà ta/ Khắc công vào bia đá/ Truyền lại đến đời xa". Dưới bia, ông Lê Văn Phong và họ tên hai mươi bốn vị của bốn dòng họ: Lê - Chu - Trần - Nguyễn, cẩn ký.

Từ mùa xuân Giáp Ngọ năm 2014, cùng với Ban quản lý di tích Quảng Bình, các cơ quan chuyên môn về văn hóa của địa phương và nhiều người con của làng Phan Xá, xã Xuân Thủy, xã Trường Thủy, đã cất công đi tìm dấu ấn của Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ.

Đến giáp xuân Ất Mùi năm 2015, quê hương Quảng Bình đã ghi nhận: Lăng mộ Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ là di tích lịch sử cấp tỉnh - theo Quyết định số 3676/QĐ-UBND ngày 17-12-2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. Đó cũng là những mùa xuân nhớ về Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ ở quê hương ta.

Trần Bình Ngũ, sinh ra lớn lên ở làng Phan Xá, tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình, một làng có nghề thủ công rèn đúc có tiếng trong vùng - ngày nay là thôn Phan Xá, xã Xuân Thủy, Lệ Thủy. Theo truyền miệng: có đoàn quân Nhà Mạc, từ làng Vân Chàng (huyện Nam Giang - Nam Định) di cư vào dịnh cư ở Phan Xá, trong đoàn có 5 người thợ đúc giỏi(2), mang 4 dòng họ: Trần, Lê, Châu, Nguyễn.

Như là ngưỡng mộ năm người lính thợ, cho nên, khi sinh ra cậu bé tuấn tú, có đôi mắt sáng, ông tổ nghiệp thợ rèn đúc của làng Trần Đình Hoán,(3) đặt tên con là Trần Bình Năm, với mong muốn con sẽ biết "tự rèn dũa" bản thân và là thợ rèn đúc giỏi. Thời trẻ của Trần Bình Năm luôn được người cha dạy dỗ, nên sớm có tay rèn đúc cứng, tay võ nghệ cừ, là mẫu người thỏa chí làm trai thời đó ở trong làng cũng như trong vùng xứ Lệ.

Trần Bình Năm lớn lên giữa thời buổi đất nước diễn ra cục diện Đàng Trong - Đàng Ngoài và sóng gió các cuộc tranh giành quyền lực của Trịnh - Nguyễn luôn diễn ra trên đất chiến địa Quảng Bình, đã đưa đẩy Trần Bình Năm vào đến Gia Định. Buổi đầu phò Chúa của Trần Bình Ngũ không phải lúc nào cũng trong ấm, ngoài êm - Lúc này khoác áo quan đã mang tên mới từ "Năm" sang "Ngũ".

Cũng có lúc ông bị nghi ngờ. Nhưng với một quan viên có tính ngay thẳng, biết lựa lời mà nói, biết việc mà làm đã giúp ông vượt qua hồ nghi. Do tài nghệ của một tay rèn đúc có hạng, ông được Vương triều trọng dụng làm quản việc rèn đúc vũ khí, rồi phong "Bình Định Súng Trượng". Công việc sản xuất, rèn đúc vũ khí do ông quản được tiến triển. Do thế Xuân Nhâm Tuất 1802, Vương triều phong ông làm Chánh Quản Bắc Thành Đồ Gia.

Bấy giờ, tình hình đời sống xã hội có bước chuyển, Vương triều tiến hành đúc tiền, vàng bạc. Một lần nữa ông được giao tổng quản việc đúc tiền, vàng bạc lưu thông trong nhân dân, kể từ mùa xuân Quý Hợi năm 1803. Sau một thời gian đúc ra tiền, vàng, bạc, Vương triều tin cậy tính trung thực đã cho phép ông được đúc chiếc dấu ấn "Trung Bình"(4) bằng vàng và in dấu ấn "Trung Bình" vào vàng bạc để tránh việc làm vàng bạc giả.

Chả là Vương triều đã ra dụ: "Các trấn ở Bắc Thành là nơi sản xuất vàng bạc, dân hay trà trộn làm giả, chỉ trộn chút ít là được lợi to. Tệ giả mạo như thế là phải trừ. Nay cho ngươi là "Trung Bình Hầu". Phàm vàng thỏi, bạc thỏi, công hay tư có dấu "Trung Bình" của ngươi thì mới được phép thông dụng. Ngươi nên cẩn thận. Kẻ làm gian xảo thì trị tội".

Một lần Trần Bình Ngũ thể hiện nghĩa tiết của một võ tướng không sợ rơi đầu, dám lên tiếng bảo vệ "người ngay" trước mặt Vương triều. Đó là việc ông Thượng thư Nguyễn Thế Trực, người làng Lộc An cùng tổng huyện với ông. Quan Nguyễn Thế Trực không may bị bắt trong trận huyết chiến ở Nam sông Gianh - Quảng Bình. Khi Vương triều xử tội, thì Trần Bình Ngũ với danh nghĩa một tả tướng quân mà tâu rằng: "Đây là người có tài! Nên dùng"(5).

Tin Trần Bình Ngũ mà Vương triều tha tội chết cho quan Nguyễn Thế Trực và về sau ông vẫn được phong làm: Hình Bộ Tham Tri kiêm Quốc Tử Giám đốc học. Trần Bình Ngũ cũng được phong "Tứ Danh Thần - Tứ Bất Tử" cũng có nghĩa "Sự Ban Thưởng Vô Tận". Ngày mồng 9 tháng 11 mùa xuân Canh Ngọ 1810, ông được sắc phong: Cai Cơ Chánh Quản Bắc Thành Đồ GiaTrung Bình Hầu Trần Bình Ngũ.

Tất nhiên là quan của triều đình Nhà Nguyễn, Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ đã chứng kiến những biến đổi to lớn của xã hội "Ngọn lửa chiến tranh nông dân rực cháy" trải qua bao bước chìm nổi trong những năm làm quan; không tránh khỏi những hạn chế, mâu thuẫn tự thân do hoàn cảnh lịch sử đương thời.

Nhưng cũng trong thời gian làm quan, ông đã mang "binh khí" lời của người đời Nhà Trần: "Nước trên Vua/ Dân cũng trên Vua/ Sỹ tốt trên tướng lĩnh/ Văn hóa trên chính trị/ Đoàn kết trên bè cánh/ Nhân phẩm trên tính cách/Trọng tình nhưng không mù quáng..."(6) Không chỉ quan thanh liêm, gần dân, ông là người có tấm lòng  nhân hậu, luôn nhớ đến quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tuổi thơ có ngọn khói lam bạc từ lửa lò rèn đúc bay lên quấn lấy mái tranh nghèo mỗi sớm, mỗi chiều...

Thường hai hoặc ba năm ông về quê Phan Xá một lần thăm hỏi bà con, dòng họ, cúng tế thần, tế họ tộc. Ông bỏ tiền ra giúp làng quê sửa sang lại đình, chùa, miếu mão, lắng nghe ý nguyện của dân. Ông dành tặng làng 16 mẫu ruộng để làm ruộng tự điền, nhẹ bớt phần đóng góp của người dân vào việc làng. Ông quan tâm đến người già, trẻ nhỏ bằng tấm quà, lời thăm hỏi thân thiết...

Sau khi ông mất (xuân Giáp Tuất 1813), nhân dân Phan Xá tôn thờ ông là Thành Hoàng làng thờ tại đình làng và còn xây dựng một đền thờ riêng đối với ông, cận đình làng. Trong hai tấm bia tạc đá xanh (kích cỡ 1,23m x 0,57m) chữ Hán đặt thờ ông ở đình làng ngày đó, nay được đặt thờ tại nhà thờ họ của làng. Dẫu trải qua bụi thời gian hơn 200 năm nhưng con chữ vẫn rõ nét.

Ông Trần Đại Vinh, nhà  nghiên cứu văn hóa, nguyên giảng viên đại học Quốc gia Huế và ông Vũ Việt Bằng, công tác ở Viện nghiên cứu Hán nôm - Hà Nội đã phối hợp dịch nghĩa văn bia. Xin tóm lược tinh thần văn bia đó mấy nét sau: "Đình làng ta có từ lâu, trải qua hoạn nạn nên đổ vỡ. Người tôn tạo lại là Cai Cơ Chánh Quản Bắc Thành Đồ Gia Trung Bình Hầu - Trần Bình Ngũ. Hầu là bậc trọng vọng. Tôn tạo lại đình Hầu nói: Đây là việc của ta! Đừng lo phí tổn! Phí tổn để ta lo! Đến mùa thu 1809 đình hoàn thành.

Từ nay về sau tụ linh mọi thời, giáng lâm có chốn, thần nhân hoàn lạc, ấy là nhờ vào Hầu. Nhưng Hầu không nhận công đức về mình. Người làng ta đều không ai không ca tụng đức độ của Hầu, từng xin Hầu làm Hậu thần. Hầu không chịu nhận công đức về mình, ấy là tấm lòng của dân ta. Dân ta không quên công đức, ấy là tấm lòng của Hầu...". “Hầu thấy cây cầu Phù Diễn xuống cấp, buồn lo cho dân đi lại khó khăn. Hầu đem tiền thuê thợ sữa chữa lại. Trong thời gian ngắn cầu đã hoàn thành, hai bên sông không còn cách trở, tựa như đất bằng. Ôi nước sông chảy mãi, sóng gợi nối dài, tâm lại hằng cùng tâm. Thế nên ghi lại để truyền muôn đời bất hủ”. (7)

Lăng mộ ông hiện tọa lạc tại vùng đồi dưới chân núi An Mã, hình thế cao lớn, in hình trên nền trời xanh biếc Lệ Thủy. Hiếm nơi đâu có được thế huyệt “tay long, tay hổ” để Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ cùng yên giấc nghìn thu kề cận với các Ngài Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh và danh tướng Hoàng Hối Khanh.

Cũng chính là điều ông đã  nghĩ: khi "ra đi" được về với quê cha đất tổ, nơi kề non sát sông biếc, có những mẹ già hái củi, bao đứa trẻ chăn trâu và trong tiếng bà con í ới gọi nhau lên nương rẫy sớm chiều. Lăng mộ Trung Bình Hầu được xây dựng gần 200 năm nay, cũng là loại hình mộ táng đặc thù, có cấu trúc đặc biệt trong sự đa dạng của lăng mộ quan thời Nhà Nguyễn ở Lệ Thủy - Quảng Bình.

Phía trên mặt chính diện của cổng vào mộ có 3 chữ (Hán): “Tứ Danh Thần”. Trước hai trụ cổng cũng có hai câu chữ (Hán) dịch là: “Bia đá ghi tên tuổi của danh nhân ở tại vùng đất đỏ mới”, “Khí tiết cao quý của danh nhân bèn để cho người đời ngưỡng mộ”.  Nhân dân sở tại, xã Trường Thủy ngày nay, nhân dân Phan Xá, xã Xuân Thủy... đã bảo tồn lăng mộ khá nguyên trạng.

Có thể thấy ở vùng đất đồi lô nhô bát úp dưới chân núi An Mã, mang vẻ đẹp tổng hòa từ thiên nhiên đến nghệ thuật kiến trúc các lăng mộ và cả sự độc đáo của thế núi cao, sông sâu, hồ rộng, suối nước nóng của: An Mã núi - An Mã hồ - An Sinh vực - Bang suối khoáng nóng 105oC. Rồi đây, nếu có một quy hoạch tổng thể và đầu tư thích hợp thì vùng đất địa phong thủy này, nhất định sẽ trở thành địa chỉ văn hóa vô cùng quyến rũ, mời gọi khách xa, gần trong lẫn ngoài nước đến du lịch văn hóa tâm linh...

Được biết một số xuất bản phẩm của địa phương, trong đó có ghi lại các chi tiết sinh động liên quan đến làng Phan Xá và công tích của Trung Bình Hầu, góp phần nối liền mạch quá khứ, hiện tại một dòng chảy lịch sử văn hóa vùng đất, con người như: Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thủy, Địa chí Lệ Thủy, Những nét về văn hóa cổ truyền Quảng Bình, Lộc An quê tôi... Rõ là mảnh đất quê hương Xuân Thủy bên dòng Kiến Giang, có bề dày lịch sử văn hóa, có những nhân vật danh tiếng sử sách còn ghi: Lê Đại, Đặng Đại Độ, Nguyễn Cữu Trường, Hoàng Đại Bỉnh, Trần Bình Năm...

Nhìn bia đá về Trung Bình Hầu ở nhà thờ họ Phan Xá, có cảm nghĩ: Nhân dân và những bậc đại trí sẽ gạn đục, khơi trong di tích lịch sử đâu chỉ là sự trao truyền kiến thức, vật thể...  mà còn truyền cảm xúc, hơi ấm tình người vượt qua không gian, thời gian.

Vẫn còn lấy làm tiếc một điều là làm sao để thấy lại được ngôi đền thờ mà nhân dân tôn kính xây dựng lên cho Ngài Trung Bình Hầu, cạnh Đình làng Phan Xá thời đó... Để không mất đi một phần quan trọng của lịch sử văn hóa, của tâm linh ngưỡng vọng giữa đất trời và tri ân vô cùng lớn lao dành cho Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ của nhân dân Nhà Phan ngày ấy, làng văn hóa Phan Xá hôm nay.

Lê Đình Tới

-------------------------------------------------------------

1. Nguyễn Tú (2007) Những nét đẹp về văn hóa cổ truyền Quảng Bình, tr 570. Tấn phong Thành Hoàng làng, chứ chưa phải là Thần Thành Hoàng hoặc Thành Hoàng Bổn Thổ.
2. Huyện ủy, UBND huyện Lệ Thủy (2010) Địa chí Lệ Thủy tr 165
3. BCH Đảng bộ Xuân Thủy (2010) Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thủy, tr 38.
4. Ban quản lý Di tích Quảng Bình (2014) Lý lịch di tích lịch sử lăng mộ Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ, tr 4.
5. Lê Văn Khuyên (1996) Lộc An quê tôi, tr 125.
6. Trần Đức Tý (2014) Tư liệu về: Khâm Sai Nội Cai Cơ Chính Quản Bắc Hành Đồ Gia Trung Bình Hầu Trần Bình Ngũ, tr 7.
7. Vũ Việt Bằng (2014) Tư liệu văn bia Đình làng thôn Phan Xá (Xuân Thủy, Lệ Thủy).