.

Làng trong phố... phố giữa làng - Bài cuối: Xứ "kẻ chợ"

Thứ Sáu, 18/12/2015, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở lại mốc thời gian năm 1939, khi thực dân Pháp bắt triều đình Huế cắt đất 7 làng: Động Hải, Lệ Mỹ, Trấn Ninh, Tiền Thiệp, Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy lập thành đơn vị hành chính lấy tên thị xã Đồng Hới với 4 phường: Đồng Hải, Đồng Đình, Đồng Phú và Đồng Mỹ thì khu vực thuộc phường Hải Đình ngày nay (Đồng Hải, Đồng Đình) đã manh nha chất “kẻ chợ” với trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa là chợ Đồng Hới cùng với 4 tuyến phố mang hơi hướng đô hội.

>> Bài 3: Làng lúa, làng rau giữa phố

>> Bài 2: Làng hoài cổ, phố nho nhỏ

>> Bài 1: Hành trình từ làng lên phố

 Vùng đất “kẻ chợ” Hải Đình nhìn từ khách sạn Tân Bình.
Vùng đất “kẻ chợ” Hải Đình nhìn từ khách sạn Tân Bình.
Chủ tịch UBND phường Hải Đình Võ Quốc Thịnh trao đổi: “Ngày 4-8-1992, phường Hải Đình mới có tên trên bản đồ thị xã Đồng Hới, được chia tách ra từ phường Đồng Phú. Diện tích toàn phường 1,3km2; dân số 820 hộ, 3.800 khẩu. Hình dung một cách tổng thể về Hải Đình, phía đông giáp sông Nhật Lệ; phía tây giáp Đồng Phú, Đức Ninh Đông; bắc giáp Đồng Mỹ, Đồng Phú, ranh giới là hồ thành; nam phân tách với phường Phú Hải bởi rào Lệ Kỳ. Tên gọi Hải Đình chiết ra từ chữ Hải trong Đồng Hải và chữ Đình ở Đồng Đình”.
 
Làng nội tại trong xứ “kẻ chợ” xưa bao hàm Hướng Dương, Kiên Bính, Tiền Thiệp, Thạch Lũy (Đồng Đình), xóm Câu (Đồng Hải) trải dài từ Cầu Dài đến chợ Đồng Hới mà ngày nay là phố Hương Giang có vườn dừa kết nghĩa Bình Trị Thiên- dấu ấn một thời khói lửa “hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói”.
 
Khi tôi dọc ngang phố chợ tìm lại dấu tích làng, thời gian, chiến tranh đã làm phôi pha đi, nói đúng hơn, làng xưa chỉ còn trong hoài cổ. Các kiến trúc như đình làng Động Hải, đình làng Thạch Lũy, đình làng Hướng Dương, đình làng Trung Bính, cụm miếu Tam Tòa, Hội quán Phật học... đi vào ký ức về một Đồng Hới xưa cũ. Rất may ở phường Hải Đình ngày nay còn lưu danh về một Cầu Dài, Quảng Bình Quan... trở thành biểu tượng tâm thức không chỉ riêng người Đồng Hới mà còn chung cho cả tỉnh Quảng Bình.
 
Dấu ấn của làng trong phố chính là Chùa Ông với cây đa cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Cây đa Chùa Ông gắn với một huyền tích đậm chất dân gian (dẫn theo ghi chép của cụ Nguyễn Tú): có một sư thầy đi tìm cây thuốc trường sinh từ ngoài Bắc vào, trải qua mấy nghìn dặm đường vẫn không đạt được ý nguyện. Khi qua Đèo Ngang, đến xứ Tân Bình, đêm ngủ ở núi Ma Cô (Quảng Trạch) mộng thấy vị thần hiển linh truyền rằng cứ niệm Phật mà đi, lúc nào đến dưới chân núi Thần Đinh, có một thứ cây độc nhất đang chờ người chân tu đưa về làm bạn, chứ trên trần thế không có vị thuốc nào là trường sinh bất tử.
 
Sư thầy tỉnh giấc, niệm Phật theo lời báo mộng mà đi, khi đến chân núi Thần Đinh, trước mắt thầy là một vùng thảo nguyên toàn cỏ dại hoang sơ. Sư thầy dạo bước khắp nơi, đúng giờ Ngọ, mặt trời đứng bóng, sư định đặt khăn gói xuống niệm Phật thì bỗng nhiên trước mắt hiện ra một mầm cây bé tí. Sư mừng rỡ, khấn cám ơn Phật tổ rồi bới cây đa ôm vào lòng, trở ra theo hướng Bắc.
 
Sư thầy không biết mình đi đâu về đâu, trồng cây đa thế nào để kết làm bạn cho đời. Trèo đèo, lội suối, khi mỏi mệt, sư gục xuống và thiếp đi. Trong giấc mơ, sư thấy có người dắt mình đến một nơi sông sâu, bến rộng, trước mặt có con hói, chung quanh trời biển mênh mông, bảo: “Con hãy dừng lại ở đây, ngoảnh mặt về phía Bắc, dựng chùa, trồng cây đa làm bạn với chúng sinh, tu nhân, tích đức, truyền phúc cho đời!”. Sực tỉnh giấc, sư thấy mình đang đứng trước khung cảnh như trong mơ. Theo giấc mơ, sư trồng cây đa, dựng chùa, chăm lo Phật pháp. Cây đa, chùa Ông có từ đó cho đến ngày nay.
 
Trong các tuyến phố mang hơi hướng đô thị trước Cách mạng Tháng Tám trên vùng đất Hải Đình, nay thực sự đã vượng lắm! Đường quốc lộ từ Nam Môn đến Cầu Dài bây giờ có tên Hùng Vương rồi đến Quang Trung; đường Quảng Bình Quan xuôi ra sông Nhật Lệ có tên Mẹ Suốt- người mẹ anh hùng quê ở Bảo Ninh “Một tay lái chiếc đò ngang/ Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”; tuyến phố song song với đường Mẹ Suốt người Pháp đặt tên Huỳnh Côn, nay là đường Cô Tám (Liệt nữ Hoàng Thị Tám, người con gái làng Mỹ Lộc, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, con của tướng Hoàng Phúc trong phong trào Cần Vương.
 
Hoàng Thị Tám theo gương cha, đầu quân dưới trướng lãnh tụ Phan Đình Phùng. Được cụ Phan cử sang Thái Lan mua sắm vũ khí không may sa vào tay mật thám Pháp, trên đường giải cô Tám về nước bằng tàu thủy, không chịu để giặc làm nhục, giữ vững tấm lòng trung trinh, liệt oanh, cô Tám gieo mình xuống sông tự vẫn). Những ngày đầu chuẩn bị cho cao trào tổng khởi nghĩa tháng Tám tại Quảng Bình, lực lượng Việt Minh tỉnh được đặt tên Việt Minh Cô Tám. Cùng với các tuyến phố “kẻ chợ” trên, sau này Hải Đình còn thêm nhiều tuyến phố mới sầm uất không kém: đường Thanh Niên, đường Lê Lợi, đường Quách Xuân Kỳ, đường Hương Giang...
Di tích lịch sử cây đa Chùa Ông là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân thành phố Đồng Hới
Di tích lịch sử cây đa Chùa Ông là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân thành phố Đồng Hới.
Trở lại với câu chuyện cùng Chủ tịch UBND phường Hải Đình Võ Quốc Thịnh, anh cho biết: “Chiến tranh, ly tán, dân có gốc gác xóm Câu, Hướng Dương, Kiên Bính, Tiền Thiệp, Thạch Lũy xưa không còn nhiều. Người Hải Đình bây giờ chủ yếu là dân góp từ mọi vùng miền đến. Cơ cấu dân số tạm như thế này, khoảng 70% là cán bộ, công chức, hưu trí; 30% doanh nghiệp, hộ buôn bán, kinh doanh.
 
Dù chỉ chiếm 30% trong cơ cấu dân số, nhưng các doanh nghiệp, tiểu thương, kinh doanh đã góp phần giúp phường Hải Đình trở thành một trung tâm buôn bán, giao thương sầm uất nhất thành phố Đồng Hới khi thương mại, dịch vụ chiếm trên 80% tỷ trọng kinh tế với trên 1.500 cơ sở kinh doanh. Không còn hộ nghèo, 70% hộ gia đình có nhà cao tầng...”
 
Một chiều lang thang trên vùng đất “kẻ chợ” xưa, phố sôi động bây giờ, tôi chợt thấy bóng phố nghiêng soi đầy dòng Nhật Lệ, bên hiên ngôi nhà mặt tiền day ra đường Thanh Niên rợp bóng phượng xanh ngan ngát, ông nhà thơ Thái Hải cũng đang dùng dằng với bóng phố: “Phố xưa in trên thềm tam cấp, trên đình làng miếu mạo, trong nắm đất vo tròn dày đặc vỏ sò, trên bầu vú mẹ ta tràn ngấn sóng, nơi thao thiết mùi trầm hương, thong thả tiếng chuông chiều, dưới bến sông lác đác bóng vạn đò, sau giàn rớ no nê cá tôm mùa nước bạc, bên gốc đa làng trái vàng rơi ngơ ngác, trong mẻ sứ mẻ sành nơi cắm bát nhang thờ cúng tổ tiên xưa, trên những cây dừa ma nằm ru lá khóc, chòng chành ngọn nồm rời rợi bóng trăng êm...
 
Phố xưa chảy vào huyết quản, hồng tươi lồng ngực căng tràn, cho tôi biết nhận ra thực hư đen trắng, biết cầm súng làm thơ, biết nắm mở mười ngón tay để cười khóc với đời, biết sống vì ai và với ai nên sống, bởi màu phố tinh khôi quyện vào máu tôi người Đồng Hới: thật thà-nhường nhịn-thủy chung. Phố xưa ròng ròng chảy nhuộm đỏ hồn tôi, nhuộm bạc trắng mái đầu tôi, thắp sáng thêm tình yêu tôi với phố...”.
 
Thanh Long