.

Làng trong phố... phố giữa làng - Bài 3: Làng lúa, làng rau giữa phố

Thứ Năm, 17/12/2015, 08:01 [GMT+7]
(QBĐT) - Đồng Mỹ và Đồng Phú vốn “hàng xóm láng giềng” với nhau, cách nhau bởi đường Lý Thường Kiệt, hay đúng hơn là Quốc lộ 1. Khác với Đồng Mỹ, phường Đồng Phú còn lưu giữ trong nội tại phát triển cả một kho tàng văn hóa làng... Và nữa trong cơn bão đô thị hóa thì giữa phố thị Đồng Phú vẫn còn nơi trồng lúa, trồng rau, nơi trồng hoa... Theo Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, gốc tích phường Đồng Phú vốn làng Phú Ninh, thuộc tổng Thuận Lý, phủ Quảng Ninh, sau khi thành lập thị xã Đồng Hới mới cắt đất dựng thành phường.
 
 
 
Trong những ngày lui tới phường Đồng Phú, tôi được các cụ cao niên kể về gốc tích vì sao vùng đất này xưa có tên Phú Ninh. Khi mới hình thành làng gọi Kẻ Trấn, sau đổi làm Trấn Ninh. Đời Thiệu Trị (1841-1847) chuyển qua Phú Ninh. Thực hư tên gọi Phú Ninh xuất phát từ hai tích. Tích thứ nhất: xưa ở làng Trấn Ninh có hai ông bà sống trọn gần đời người mà không có con, nghèo rớt mồng tơi. Cuộc sống hàng ngày nhờ vào mò cua, bắt ốc, thế nhưng thấy ai nghèo khổ hơn mình ông bà đều sẵn sàng nhường cơm sẻ áo. Vợ chồng già chỉ ước làm sao có được vài đồng tiền để mua nắm hương cúng ông bà tổ tiên. Ước mơ mãi mà nghèo vẫn hoàn nghèo.
 
Một ngày nọ mưa bão ập đến, túp lều bị gió bão xô sập, ông bà chỉ còn biết chui vào đống rơm ôm lấy nhau tránh bão. Nằm trong đống rơm, hai người nghe tiếng như đá, đồng, sắt rơi khắp nơi ngỡ thiên lôi xuống trần giáng tội...
 
Cơn bão tan, hai ông bà chui ra khỏi đống rơm thì nhìn thấy một cảnh tượng tựa giấc mơ, tiền đồng đầy nhà, ngập sân, kín cả lối đi. Vợ chồng quì sụp xuống lạy tạ ơn trời đất. Không giữ riêng mình, ông bà kêu bà con, hàng xóm láng giềng nhờ ra chợ mua ống giang về chẻ lạt, xâu tiền rồi đem biếu mọi người. Cuộc sống đôi vợ chồng già và dân làng Trấn Ninh từ đó giàu có dần lên.
Dù là phố, trong lòng Đồng Phú vẫn còn những làng lúa, làng rau.
Dù là phố, trong lòng Đồng Phú vẫn còn những làng lúa, làng rau.
Tích thứ hai: Dưới đời vua Thiệu Trị, quan quân triều Nguyễn hành quân qua làng Trấn Ninh. Quan quân có đến hàng nghìn người, tiền quân, trung quân đến làng nhưng hậu quân chẳng thấy đâu cả. Trong làng có bà Cai họ Hà giàu có nức tiếng bỏ tiền của ra, chạy chợ nấu cơm cho hàng nghìn quan quân nhà Nguyễn ăn một bữa. Kinh ngạc trước gia sản giàu có của bà Cai họ Hà, quan tấu trình lên vua, từ đó vua ban sắc lệnh đổi làng Trấn Ninh sang Phú Ninh với nghĩa là làng giàu có.
 
Tích xưa còn đó, phường Đồng Phú còn đây. Điều khá đặc biệt so với các phường nội thị Đồng Hới, Đồng Phú trên con đường phồn vinh vẫn còn đậm dấu ấn văn hóa làng, còn đó người dân trồng lúa, trồng rau, trồng hoa. Dù khi tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, nhà cao tầng mọc lên, đất nông nghiệp hẹp dần... thì đi trong lòng phố phường Đồng Phú vẫn thấy những cánh đồng rau tốt bời bời. Vào mùa gặt rộ, những khoảng sân trống vàng rộm hạt lúa, cọng rơm.
 
Cụ Nguyễn Tú viết về phường Đồng Phú: người Đồng Phú xưa kia ở phủ Triệu Tường, tỉnh Thanh Hóa di cư vào. Đầu tiên là họ Hoàng, vị tổ tiên phong khai mở làng được vua sắc phong “Khai khẩn phao cấu tôn thần”. Các họ lần lượt đến sau là họ Nguyễn Đình, họ Lê, họ Trần, họ Hà Văn, họ Nguyễn Văn, họ Trần Viết... Làng Trấn Ninh trở thành nơi chung sống của 9 họ tộc êm ấm, thuận hòa.
 
Cụ Hà Xuân Ái, sinh năm 1935. Gốc gác đúng nguyên người Đồng Phú, lớn lên cùng những thăng trầm phố phường: trải qua nạn đói năm 1945; chứng kiến thời khắc thực dân Pháp xả súng tàn sát 14 người dân Đồng Phú năm 1974; bom Mỹ rơi trúng đình làng Đồng Phú... Hoài cổ về Đồng Phú, cụ Ái chép miệng “Ngày trước làng tối lửa tắt đèn có nhau, bây giờ làng thành phố, sự chênh lệch giàu nghèo càng nhiều, người người cuốn theo mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Nhà nhà đóng cửa từ sáng sớm đến tối mịt... mối quan hệ cộng đồng từ đó nhạt dần”.
 
Vui chuyện, cụ Hà Xuân Ái bảo rằng may, vì phường Đồng Phú sớm khôi phục lại “Lễ hội cướp cù”, 6 năm tổ chức một lần vào ngày 15 tháng giêng của các năm Tý, Ngọ. Lễ hội cướp cù là một tập quán sinh hoạt của nhà nông mang tính chất quân sự từ xa xưa truyền lại, “xưa bày nay làm” để người với người có cơ hội gần gũi nhau. Cả phường chỉ còn hai người cao niên nhất trong đó có cụ Ái và vinh dự khi cụ được chọn làm vị trưởng tế, rước cù.
 
Vào Lễ hội cướp cù, tráng đinh trong phường chia làm hai phe đông và tây. Quả cầu đặt tại hương án ở miếu Thần Hoàng. Sau khi làm lễ tế xong, cụ Ái rước quả cù đến sân cù. Giữa sân cù, người hai phe quấn lấy nhau xoay như cù, tranh giành mà từ tốn, ăn thua nhưng nhẹ nhàng trên tinh thần thượng võ. Mỗi phe cướp được cù đem về bỏ vào rọ phe mình thì thắng cuộc. Hai phe đều cố gắng ra sức ngăn cản không cho đối phương tung cù vào rọ. Nếu hai phe không ai thắng ai thì mỗi bên được tung cù vào rọ mười lần. Phe nào tung vào rọ nhiều hơn sẽ giành chiến thắng.
 
Cụ Hà Xuân Ái cho biết thêm: “Quan niệm xưa cho rằng năm nào phe tây thắng cuộc, năm đó mùa màng bội thu. Năm nào phe đông thắng, năm đó học hành thi cử phát đạt, quan trường thăng tiến. Năm nào hai phe hòa thì cả nông nghiệp lẫn quan lại, nhân sỹ, học hành đều vượng”.
 
Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND phường Đồng Phú Trần Công Trếng vốn người vui chuyện. Chuyện phố, chuyện làng Đồng Phú tân cổ, trước sau ông đều rành rẽ. Ông cho biết: “Dấu ấn Đồng Phú làng gồm có đình làng, chùa làng; ba ngôi miếu dựng chung trong một khuôn viên, ngôi giữa thờ linh hồn người Chăm, bên tả thờ vị tiền khai khẩn họ Hoàng, bên hữu thờ vị tiền khai khẩn họ Nguyễn...
 
Đặc biệt sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đồng Hới tan hoang, nhưng ở Đồng Phú vẫn trường sinh đến 6 cây cổ thụ trong đó có 4 cây đa và hai cây đề trên đất các tổ dân phố 1, 4, 7, 9. Khi Đồng Phú lên phố, những cây đa, cây đề cổ thụ chết dần, chết mòn bởi bàn tay con người”.
 
Ông Trần Công Trếng ngày 8 tiếng công sở, thời gian còn lại về nhà đánh quần đùi, áo may ô cùng vợ chăm mấy công đất trồng rau. Ông bảo nghề truyền thống bao đời, khó lòng bỏ, vậy nên thành duyên nợ, cho dù mảnh vườn nhà ông cùng các hộ dân xung quanh cơ hồ nhỏ bé dần, nằm lọt giữa bốn bên nhà cao tầng.
 
Xưa, thời họ Hoàng vào khai phá lập làng Kẻ Trấn, làng chỉ độ 30 nóc nhà. Nay phường Đồng Phú có 2.000 hộ, trên 12.000 dân. Từ làng lên phố, kinh tế phường Đồng Phú phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ thương mại (doanh thu khoảng 428 tỷ đồng/năm), công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (khoảng 84 tỷ đồng/năm). Diện tích đất nông nghiệp chỉ còn khoảng 42 ha đất lúa. Người dân phường Đồng Phú tận dụng diện tích đất vườn trồng hoa, rau sạch các loại cho thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 8,7 tỷ đồng/năm.
 
Chia tay tôi, ông Trần Công Trếng ngùi ngùi... “Mai này giữa phố Đồng Phú liệu còn làng lúa, làng hoa!”.
 
Thanh Long
 
Bài cuối: Xứ “kẻ chợ”