.

Làng trong phố... phố giữa làng - Bài 1: Hành trình từ làng lên phố

Thứ Hai, 14/12/2015, 08:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên con đường thiên lý Bắc-Nam, cái khoảng eo hẹp nhất theo chiều đông - tây thuộc dãy đất miền Trung, đó là thành phố Đồng Hới. Chiếu theo lịch sử hình thành và phát triển, Đồng Hới ôm vào mình nhiều thăng trầm, biến cố để hun đúc nên những nét “riêng có” khó tìm thấy nét tương đồng tại bất kỳ đô thị nào trong cả nước: phố dựng xây nên từ làng... và cộng đồng làng xã, văn hóa đặc trưng làng xã ngày ngày vẫn hiện diện trong lòng phố.

Viết về Đồng Hới không thể không tham khảo đến cụ Nguyễn Tú. Cho dù cụ Nguyễn Tú bây giờ đã là người thiên cổ, tuy vậy những giá trị văn hóa, tinh thần cụ để lại cho hậu thế, cho người Đồng Hới mãi mãi trường tồn. Tôi đi tìm hành trình Đồng Hới từ làng lên phố qua thăng trầm, biến thiên lịch sử cũng từ trong di sản văn hóa mang “thương hiệu” Nguyễn Tú ấy.

Cầu Dài năm 1964.
Cầu Dài năm 1964.

Tính từ khi thực dân Pháp chiếm đóng vùng đất lỵ sở Quảng Bình vào ngày 19-7-1885 đến nay, Đồng Hới tròn 130 năm tuổi (từ khi có danh xưng là Đồng Hới). Theo cụ Nguyễn Tú viết trong Địa chí Đồng Hới: Người Pháp khi chiếm đóng, lúc đầu họ viết Động Hải theo lối phiên âm Pháp ngữ, Động Hải ra Donghoi và đọc Don+ghơi (chữ h bị câm không đọc). Viết Donghơi liền một từ nhưng đọc thành hai âm tiết: Đong và gơi. Người Việt viết Donghoi thành Đồng Hới và đọc Đong + gơi thành hai âm Đồng Hới.

Từ một tiếng Việt phiên âm theo tiếng Pháp rồi từ tiếng Pháp phiên âm ra tiếng Việt mà Động Hải biến thành Đồng Hới; lúc đầu chỉ để giao dịch, sau dần quen đi vào ngôn từ hành chính, trở thành ngôn từ địa danh một cách vô thức.

Chiếm đóng lỵ sở Quảng Bình từ năm 1885 nhưng đến năm 1939, thực dân Pháp mới bắt triều đình Huế cắt 7 làng: Động Hải, Lệ Mỹ, Trấn Ninh, Tiền Thiệp, Hướng Dương, Kiên Bính, Thạch Lũy lập thành đơn vị hành chính lấy tên thị xã Đồng Hới. Toàn bộ dân cư 7 làng trong thị xã phân chia làm 4 phường: phường Đồng Hải gồm toàn bộ làng Động Hải và xóm Đồng Thành ở cửa Nhật Lệ; phường Đồng Đình gồm làng Tiền Thiệp, Thạch Lũy, Hướng Dương, Kiên Bính; phường Đồng Phú bao gồm toàn bộ làng Phú Ninh; phường Đồng Mỹ gồm họ giáo Tam Tòa và làng Lệ Mỹ.

Cũng theo Địa chí Đồng Hới: dù mang danh thị xã tỉnh lỵ nhưng vào thuở ban sơ ấy vẫn đậm dấu ấn của làng xã, nghèo nàn. Phố xá tập trung vào hai con lộ chạy về phía chợ, chật hẹp, buôn bán nhỏ. Nhìn toàn cảnh, kinh tế Đồng Hới thời gian này có thể hình dung: phường Đồng Phú dân làm nghề nông. Làm ruộng con trâu đi trước cái cày theo sau. Làm rau đòn gánh nặng trĩu vai, hai tay vạch lá tìm sâu; phường Đồng Hải chuyên nghề cá biển với phương tiện buồm lồng lái xỏ, buông chầm cầm chèo, sống chen chúc nhau trong một xóm nghèo gọi xóm Câu; phường Đồng Đình tuy có một số thợ thủ công, cơ sở dịch vụ nhưng chỉ lèo tèo một thầy một thợ hoặc vài người học việc.

Dịch vụ thì dăm ba quán ăn, vài quán trọ nằm rải rác trên đường thiên lý từ Cửa Nam đến Cầu Dài không quá 1km; phường Đồng Mỹ khá hơn, hình thành những cơ sở thủ công như chế biến nước mắm, nghề thợ chạm, nghề đúc đồng...

Cụ Nguyễn Tú mô tả về Đồng Hới trước Cách mạng Tháng Tám: đoạn đường quốc lộ 1 ở phía cửa Bắc Môn thành, từ ngã ba đi ga Thuận Lý trở ra một đoạn đường đã hoang vắng, không có nhà ở. Hai bên đường toàn mồ mả xen lẫn những thửa ruộng nhỏ hoặc những đám đất bắc mạ rải rác đó đây...

Vào đến nội thành bằng cửa Bắc Môn, hai bên quốc lộ không có nhà ở. Bên phải là con đường cắt ngang vào nhà lao heo hút; tiếp đến trường tiểu học, sau lưng trường là dinh cơ và chỗ làm việc của quan Án sát; cách một con đường đất đến Tòa Sứ; tiếp theo cơ dinh Tòa Sứ là đường vào Hoàng Cung, sân vận động và cuối cùng là dinh thự nơi ăn ở, làm việc của quan Tuần Vũ.

Sát cửa Nam Môn có một tòa nhà dọc theo thành, trước dùng làm Hội quán Hội Trí Tri, sau dùng làm Sở mật thám. Sau Hội quán có một vài nhà ở của công chức. Từ Bắc Môn đến Nam Môn phía đường bên trái suốt chiều dài xuyên trung tâm thành chỉ có hai dinh cơ chiếm lĩnh gồm dinh cơ viên Công Sứ người Pháp phía bắc, cách một con đường ra phía Đông Môn là Đồn lính khố xanh người Việt.

Chợ Đồng Hới xưa kia vị trí gần đúng với chợ Đồng Hới bây giờ. Thời ấy quy mô chỉ vài ba cái đình dài và rộng ven bờ sông. Đình phía bắc bán ngũ cốc, lương thực; đình ở giữa chuyên bán tạp hóa; đình phía nam bán thực phẩm, rau dưa... Sân các đình bán hàng vặt từ các làng ngoại vi thị xã đưa về như củi, rau tươi, gà, vịt, lợn, hoa quả tươi...

Chợ Đồng Hới thời xưa cũ là loại chợ trên bến dưới thuyền. Bến chợ, ngoài thuyền cá còn làm bến đò ngang, đò dọc đi các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh. Bến chợ thành cảng “xuất nhập cảnh” của ghe mành đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra bán đường, dầu rái; ghe Bình Định, Phú Yên bán muối, dừa, dầu dừa... sau đó mua gạo, ngô quay vào.

Con đường đô thị thứ hai là đường Quảng Bình Quan, bắt đầu từ Quảng Bình Quan thẳng xuống bờ sông, xuyên qua chợ Đồng Hới. Con đường thứ ba mang dáng dấp phố song song với đường Quảng Bình Quan nối quốc lộ xuống bờ sông Nhật Lệ. Từ năm 1926, người Pháp đặt tên đường này là Huỳnh Côn. Sau cách mạng Tháng Tám đổi thành đường Cô Tám cho đến ngày nay.

Và con đường cuối cùng gọi phố là quốc lộ bắc nam khi vào Đồng Hới từ Nam Môn đến Cầu Dài. Phố có khách sạn người Âu tên tây Bungalow, người Đồng Hới gọi chệnh Băng-cà-lô. Đối diện Băng-cà-lô là nhà Cercle- chốn ăn chơi, nhậu nhẹt của người Pháp, người Đồng Hới gọi nhà Xẹc, nhà nhảy đầm.

Cả thị xã duy nhất có một đại lý tư nhân làm cho hãng xăng dầu nước ngoài mang thương hiệu Shel đóng trên trục đường này cùng với những quán ăn, quán trọ do người sở tại làm chủ, tuy không sang trọng nhưng cũng vừa đủ cho khách thập phương khi đến Đồng Hới ghé thăm, lưu trú.

Ảnh 5: Cổng Bình quan bây giờ.
Quảng Bình quan bây giờ.

Từ làng Động Hải đến Donghoi rồi thành chính danh Đồng Hới khi người Pháp xây dựng sở lỵ dài đến tận bây giờ, thời gian tròn 130 năm. Đồng Hới chứng kiến bao biến cố lịch sử: nạn đói năm 1945; Cách mạng Tháng Tám; kháng chiến Chín năm; kháng chiến chống Mỹ; nhập tách thời kỳ tỉnh Bình Trị Thiên và khoảng thời gian cất cánh của giai đoạn đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Đồng Hới có thêm một tên gọi khác đầy chất thơ: thị xã Hoa Hồng, thành phố Hoa Hồng...

Người Đồng Hới không ai là không nhớ đến những mốc son phát triển của đô thị Đồng Hới: Trước năm 1976, Đồng Hới là trung tâm kinh tế-chính trị, văn hóa-xã hội tỉnh Quảng Bình. Giai đoạn 1976-1989, thị xã thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Tháng 7-1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia ba thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đồng Hới về lại vị trí trung tâm tỉnh lỵ của mình.

Ngày 16-8-2004, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thành phố Đồng Hới trên cơ sở thị xã Đồng Hới. Mười năm sau, ngày 30-7-2014, từ đô thị loại III, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1270-QĐ/TTg công nhận Đồng Hới là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Bình.

Thời gian có trôi, phố lớn lên, làng thu hẹp dần, nhưng bản sắc người Đồng Hới vẫn chân chất, dung dị, nặng nghĩa nặng tình, chưa “gội rửa” hết chất thuần phác nông dân dù trải qua mấy đời làm “kẻ chợ”.

Ông Hoàng Đạo, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Đồng Hới có một nhận xét khá thú vị: “Bản sắc văn hóa của Đồng Hới có ba đặc trưng: văn hóa phường xã, văn hóa xã phường, văn hóa phố phường”. Chắc chắn so với toàn quốc đó không có gì mới, nhưng ở Đồng Hới thì tôi mới nghe lần đầu....

Thanh Long

Bài 2: Làng hoài cổ, phố nho nhỏ