.

Những ngư dân quả cảm trên "cánh đồng" Hoàng Sa

Thứ Sáu, 06/02/2015, 10:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ bao thế hệ nay, với những ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ ở huyện Bố Trạch, nhất là xã Đức Trạch thì vùng biển Hoàng Sa chính là “cánh đồng” trù phú để họ mưu sinh. Dẫu biển cả có bao phen nổi sóng dữ cũng không thể khuất phục được quyết tâm, ý chí kiên cường của những ngư dân quả cảm này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu bám biển cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương và họ tự hào khi được mưu sinh trên “cánh đồng” thiêng liêng ấy...

Chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: B. Chiến
Chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: B. Chiến

Quả cảm trên “cánh đồng” thiêng liêng

Với những ngư dân ở xã Đức Trạch, từ lâu ngư trường Hoàng Sa đã trở nên thiêng liêng-là quá khứ, tương lai của họ và con cháu họ. Những chuyến hải trình ra biển Hoàng Sa đối với họ là mệnh lệnh của cuộc sống, là nơi giúp họ có cuộc sống ấm no và góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.

Nếu xã Đức Trạch là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về số tàu cá tham gia đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1975) là gương mặt tiêu biểu của đội tàu này. Năm 2014, dù “cánh đồng” Hoàng Sa luôn dậy sóng thì Trung vẫn lập  kỷ lục với 10 chuyến đánh bắt tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Từ những chuyến đánh bắt ấy, Trung  đã mang về thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8 thuyền viên với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/ người/ tháng...

Tranh thủ thời điểm giữa tuần trăng, chúng tôi mới gặp được anh Trung sau nhiều lần hẹn. Trong câu chuyện, Trung đã  kể cho chúng tôi nghe những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt khi tham gia đánh bắt ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

“Mỗi chuyến đi biển xa kéo dài khoảng 21-23 ngày. Bọn tui neo tàu ở Đà Nẵng. Từ Đà Nẵng ra đến vùng biển đánh bắt khoảng 260 hải lý. Sóng yên biển lặng thì tầm 40 tiếng sẽ đến ngư trường. Biển xa, nước sâu sóng dữ, để neo tàu cũng đã khó, chưa kể việc tàu hải giám và máy bay Trung Quốc liên tục quần thảo rồi tàu cá của ngư dân nước họ được trang bị rất hiện đại cũng thường xuyên gây khó dễ cho tàu của ta... Nhưng "sợ chi sóng gió, tàu bay", tui và các anh em thuyền viên vẫn kiên cường bám ngư trường...", Trung nói.

Tham gia khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, anh Trung và những ngư dân ở xã Đức Trạch  không chỉ phải vững vàng tay lái của mình trước sóng gió thiên nhiên, mà còn phải thể hiện bản lĩnh của mình trước sự gây hấn, quấy rối của "tàu lạ" để có thể bảo toàn tính mạng, tài sản, đồng thời góp phần khẳng định được chủ quyền của biển đảo quê hương.

Ngư dân Đức Trạch đóng tàu lớn để vươn khơi xa.
Ngư dân Đức Trạch đóng tàu lớn để vươn khơi xa.

"Biển xa lắm tôm, nhiều cá nhưng hiểm nguy cũng nhiều. Dù vậy, anh em chúng tôi vẫn kiên quyết bám ngư trường. Đi đánh cá mà máy bay Trung Quốc không ngừng quần thảo trên đầu, rồi tàu hải giám chạy vòng quanh khiến biển sâu cũng đầy sóng bạc đầu, tự nhiên tui thấy mình... oai hẳn. Chưa kể việc phải thường xuyên đối phó với tàu cá được trang bị máy móc, ngư lưới cụ hiện đại của Trung Quốc nữa. Nếu nói mỗi chuyến đi biển là một cuộc chiến cũng không sai!", anh Nguyễn Xuân Đức, một ngư phủ dạn dày khác của xã Đức Trạch chia sẻ.

Dành tiền đóng tàu lớn vươn khơi

Nhìn bên ngoài làng biển Đức Trạch không giàu có như những làng quê khác ở Quảng Bình bởi ở đây còn rất nhiều căn nhà cấp 4, nhưng ít ai ngờ được rằng, ngôi làng vắng bóng đàn ông này lại đang sở hữu một đội tàu đánh bắt xa bờ vào hàng nhất, nhì tỉnh. “Nhiều hộ có tiền tỉ trong tay, có thể xây nhà tầng, nhà gác dễ như trở bàn tay, nhưng họ không làm vậy. Phần lớn người dân nơi đây đều dành tiền tích góp, vay mượn được để đóng tàu mới, công suất lớn cho phù hợp với việc đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa”, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch giải thích với chúng tôi như vậy.

Theo ông  Chiến, ở Đức Trạch, hiện có có gần 500 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 243 tàu có công suất từ 90 - 800CV. Lực lượng tàu có công suất lớn này chuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đội tàu của xã hiện nay được tổ chức thành 5 tổ hợp tác và 47 tổ đoàn kết trên biển.

Mỗi tổ hợp tác này tập hợp từ 5-7 phương tiện cùng ra khơi đánh bắt. “Với mô hình hoạt động này, ngư dân không chỉ giúp nhau thông tin về ngư trường đánh bắt có nhiều cá, sẵn sàng giúp nhau khi tàu gặp sự cố, mà còn tăng cường sức mạnh trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khi tàu mình đi thành tổ, thành nhóm, tàu “lạ” muốn quậy phá hay làm càn cũng không được”, ông Chiến nói.

Những chiếc tàu sẵn sàng ra khơi bám biển.
Những chiếc tàu sẵn sàng ra khơi bám biển.

Với ngư dân Đức Trạch, chỉ có một hướng đi là ra khơi, bám biển! Ba năm trở lại đây, xã Đức Trạch là xã có lượng tàu công suất lớn được đóng mới nhiều nhất tỉnh Quảng Bình với khoảng  68 chiếc. Năm 2014, Đức Trạch đã có hơn 20 chiếc tàu có công suất từ 300 đến 800CV được hạ thủy.

Cửa lạch Lý Hòa, nơi đặt xưởng đóng tàu của xã, nhiều năm qua chưa khi nào dứt tiếng đục cưa, lúc nào ở đây cũng thường trực vài ba chiếc tàu cá công suất lớn của ngư dân  sắp được xuất xưởng. Gia đình ông Hồ Minh Thuần đang sở hữu 2 tàu đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa.

Nhưng với “yêu cầu” hiện nay, những tàu cá có công suất nhỏ của ông đã không còn phù hợp. Để thay thế những chiếc tàu này, ông Thuần đã huy động nguồn vốn để đóng chiếc tàu mới 800CV. Sau nhiều tháng tiến hành đóng, chiếc tàu cá có giá trị gần 5 tỷ đồng của ông Thuần sắp được hạ thủy. “Tàu hạ thủy xong, chúng tôi sẽ ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt liền. Ngư dân chúng tôi không thể vì lý do gì mà bỏ biển của mình được”, ông Thuần nói.

Cách chiếc tàu ông Thuần không xa, giữa cái lạnh thấu xương của gió mùa đông bắc, ông Hồ Đăng Khoa, chủ một con tàu 800CV đang động viên nhóm thợ nhanh tay hoàn thiện nốt những công việc cuối cùng. “Đóng tàu lớn, vươn khơi xa mới có cá. Ngoài việc lo cho kinh tế của gia đình và bạn tàu, ngư dân chúng tôi còn tham gia bảo vệ vùng biển của cha ông để lại. Nếu không bảo vệ được thì con cháu chúng tôi không có ngư trường để mà khai thác nữa”, ông Khoa cho biết.

Nhìn những người thợ đóng tàu ít có trang bị bảo hộ, làm việc dưới cái lạnh thấu xương ở bờ biển Đức Trạch, chúng tôi có cảm xúc khó tả. Với những người thợ này, đóng tàu cá là công việc đáng tự hào. Ai nấy đều tay chân gân guốc có sức khỏe dẻo dai và làm việc cật lực. Họ không để ý đến cái lạnh mà khoan khoái, đập búa ghép những thanh gỗ dài hàng chục mét vào mạn để dựng lên những con tàu mới, chờ ngày hạ thủy ra ngư trường Hoàng Sa bám biển mưu sinh và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Họ tự hào khi góp một chút công sức nhỏ vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương...

"Với ngư dân chúng tôi vùng biển Hoàng Sa không chỉ là nơi chúng tôi mưu sinh. Ở đó, còn là một phần lãnh thổ thiêng liêng nhất của Tổ quốc. Chính vì vậy, để vững tâm mưu sinh trên “cánh đồng” này, chúng tôi phải tăng cường tàu lớn, máy mạnh, kết hợp ra khơi thành tổ, đội với các tàu khác trong vùng để đỡ gặp rủi ro. Tàu lớn mới chiếm ưu thế trên ngư trường, đánh bắt hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc", ngư dân Nguyễn Đức Trung chia sẻ.

X.Phú-L.An