.

Bác Hồ trong lòng người Khùa

Thứ Bảy, 14/02/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày giáp Tết, tôi lại ngược lên miền sơn cước, đến thăm đồng bào Khùa ở các xã Trọng Hóa, Dân Hóa huyện Minh Hóa. Vào bất cứ nhà ai tôi cũng bắt gặp người dân đang dọp dẹp lại phòng khách, treo tấm hình Bác Hồ tại nơi trang trọng nhất như một sự tri ân, thành kính đối với Người. Bởi đối với đồng bào, được mang họ Bác, được xưng danh con cháu Bác Hồ là niềm tự hào lớn lao, là động lực để họ vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Hồ Nhâm đang treo lại ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi trang trọng nhất trong nhà.
Ông Hồ Nhâm đang treo lại ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi trang trọng nhất trong nhà.

Tự hào được mang họ Bác

Tiếp chuyện tôi trong căn nhà sàn khang trang, bên bếp lửa hồng, già làng Hồ Nhâm ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa nhấp ly nước chè nóng rồi bắt đầu câu chuyện. Ông nói: Tổ tiên của người Khùa xuất xứ từ nước Lào. Nhưng từ thế kỷ XIX, giặc Xiêm đưa quân đến xâm chiếm rồi cướp bóc, giết hại dân làng. Để lánh nạn, các tướng lĩnh người Lào đã tổ chức cho một số dân sơ tán qua đất Việt Nam.

Vượt qua biên giới và đỉnh Trường Sơn rồi xuôi theo dòng sông Gianh, họ về sinh sống ở Đồng Lào, xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ở đây được một thời gian thì người Việt cũng đến ở chung. Cuộc sống, phong tục, ngôn ngữ của hai bên bất đồng nên người Lào về thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa định cư.

Lúc đó, Kiên Trinh là một thung lũng hoang vu, có nhiều loại động vật hung dữ sinh sống. Ở đây được khoảng 10 năm, nhóm người này bị hổ tấn công nên họ buộc phải rút lên vùng biên giới xã Dân Hóa. Tới đây, phần lớn người Lào khỏe mạnh trở về quê cha đất mẹ, còn những người già, phụ nữ, hay những người đang nuôi con nhỏ dừng chân lại rồi thành lập những bản làng.

Khi giặc Pháp vào xâm lược nước ta, chúng kéo lên đàn áp dân bản rồi gọi những người Lào là Khùa. Thời điểm này, những người Khùa còn mang nhiều họ khác nhau nhưng sống rất đoàn kết, gắn bó keo sơn, cùng nhau đấu tranh chống lại muông thú, kẻ thù, phát triển lên thành nhiều làng bản. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng nước ta phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Khùa phấn khởi, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.

Lúc này, có một người Khùa tên Đa được thực dân Pháp cho làm tri huyện. Trong suốt thời gian làm việc, ông Đa không nhận lương của Pháp mà bí mật tập hợp lực lượng là con em người Khùa thành lập Ủy ban kháng chiến lâm thời do con trai ông Đa tên là Khinh đứng đầu. Trong phong trào Cách mạng Tháng Tám-1945 cùng với cả nước, Ủy ban kháng chiến lâm thời của người Khùa đã nổi dậy lật đổ chính quyền thực dân, thành lập xã Tân Việt và Thanh Mỹ.

Năm 1946, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh đã cử ông Nguyễn Lan và một người tên Hoạt lên phụ trách xã làm công tác chỉ đạo. Theo chủ trương, hai đồng chí cán bộ tỉnh đã cho họp các già làng, trưởng bản người Khùa lại và thống nhất đổi họ lại cho người Khùa là họ Hồ và nhập vào dân tộc Bru-Vân Kiều. Từ đó, những người Khùa như ông Đa, ông Khinh, ông Nhâm.... đều đổi tên thành Hồ Đa, Hồ Khinh, Hồ Nhâm...

Con em người Khùa được quan tâm đến việc học hành.
Con em người Khùa được quan tâm đến việc học hành.

Ông Hồ Phoong, ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa nhớ lại: “Lúc đó, người Khùa chúng tôi đổi họ gốc sang họ Hồ nhưng ai nấy đều vui cái bụng lắm. Chúng tôi rất tự hào khi được mang họ Bác, được xưng danh con cháu Bác Hồ. Đó còn là sự thể hiện lòng biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ đã mang lại cuộc sống độc lập tự do, xóa bỏ ách áp bức nô lệ cho đồng bào”. Sau khi thống nhất lấy họ Hồ, tên của người Khùa lần đầu được hai cán bộ phụ trách công tác bầu cử ghi vào phiếu cử tri. Cũng từ đó, mỗi gia đình người Khùa đều có một tấm hình của Bác và họ treo ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách.

Xứng danh xã anh hùng

Năm 1947, hai xã của người Khùa sinh sống đã sát nhập lại thành xã Dân Hóa. Sau khi giành được chính quyền, người Khùa đã tự lập nên những hương ước, quy ước; lưu giữ và phát triển nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Từ khi được mang họ Hồ của Bác, người Khùa càng thêm yêu nước, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm con em người Khùa lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trong số đó, có ông Hồ Phòm ở bản Hà Vi, xã Dân Hóa là người đầu tiên của huyện Minh Hóa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Hồ Nhâm cũng từng là đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh suốt 2 nhiệm kỳ, Bí thư Đảng ủy xã tới 30 năm... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Khùa ở dọc tuyến đường 12A cần cù lao động sản xuất, sẻ chia sắn ngô nuôi bộ đội. Họ cùng với lực lượng dân công hỏa tuyến và nhiều lực lượng phá núi mở đường, san lấp hố bom cho từng đoàn xe ra trận.

Hòa bình lập lại, dưới ánh sáng của Đảng, người Khùa tiếp tục đoàn kết, gắn bó keo sơn để xây dựng cuộc sống mới, góp phần cùng các lựng lượng giữ vững an ninh biên giới. Trở lại với đồng bào Khùa trên con đường 12A về với các bản làng, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay từng ngày nơi đây. Cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu ngày nào đã dần lùi xa.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Khùa đã có cuộc sống định cư.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Khùa đã có cuộc sống định cư.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên nhiều con đường mới được bê tông hóa về tận các bản làng xa xôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, lao động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Những vùng đất trống đồi trọc đã được thay bằng những cánh rừng trồng, nương lúa, ngô, sắn. Trường học, trạm y tế, trụ sở, nhà văn hóa thôn bản được xây dựng khắp nơi. Nhiều hủ tục lạc hậu như: Cưới nhiều lần, đẻ con ngoài rừng, mẹ chết chôn con theo... đã được con cháu Bác Hồ người Khùa phế bỏ. Hầu hết con em đồng bào trong độ tuổi được đến trường học chữ Bác Hồ.

Ông Hồ Ka, một giáo viên người Khùa về hưu ở bản Ka Oóc tâm sự: “Được mang họ Hồ, được dạy chữ Bác Hồ cho con em dân bản là niềm tự hào lớn của miềng. Miềng lấy đó để truyền dạy lại cho các cháu. Là con cháu của của Bác phải học Bác, noi theo Bác bằng những việc làm cụ thể”. Nhờ sự dìu dắt của Hồ Ka mà nhiều học trò đã khôn lớn, thành đạt rồi quay về phục vụ cho quê hương, bản làng.

Trải qua sự phát triển đi lên, nhiều đứa con người Khùa tiếp tục phấn đấu để xứng danh với con cháu Bác Hồ, phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước như: Hồ Đui, Bộ đội Biên phòng; Hồ Ngói đã băng rừng “gùi” chữ vào dạy cho đồng bào mình trong bản Lòm; anh Hồ Thoong, công tác ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã ngã xuống vì cuộc chiến với lâm tặc, đã được Trung ương Đoàn tặng danh hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”; cô giáo Hồ Thị Tha vẫn miệt mài bám trường, bám lớp dạy chữ cho con em dân bản; chị Hồ Thị Thanh ở bản Hưng, Hồ Thị Mười, Hồ Thị Đầm ở bản La Trọng đang là những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đi tiên phong trong phong trào xóa đói giảm nghèo ở vùng biên cương.

Với những chiến công, thành tích trong thời chiến cũng như thời bình, năm 2000, xã Dân Hóa đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2003, xã Dân Hóa tách thành 2 xã là Dân Hóa và Trọng Hóa).

Rời các bản làng người Khùa trong một chiều cuối năm, đi qua những cánh rừng bạt ngàn tôi thấy ấm lòng đến lạ. Về thành phố, tôi vẫn như đang nghe âm vang của tiếng giã gạo cuối năm, những chàng trai Khùa rắn rỏi lên rừng gùi về từng bó lá dong chuẩn bị gói bánh chưng cho ngày Tết. Còn già làng Hồ Nhâm vẫn đang nhẹ tay lau lại tấm ảnh của Bác rồi treo lên vị trí trang trọng nhất trong nhà. Trong cái bắt tay thật chật với tôi, ông nở nụ cười hồn hậu với câu nói: “Ơn Đảng, ơn Bác Hồ, người Khùa chúng tôi luôn khắc sâu trong lòng”...

Đinh Xuân Vương