.

Về với di tích lịch sử Bãi Đức

Thứ Ba, 04/03/2014, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, các tổ chức Đảng được xây dựng nhiều nơi trong tỉnh ta. Giữa tháng 1-1931, tại thôn Tân Đức, xã Hương Hoá (Tuyên Hoá) đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng, đó là thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình, lấy tên là chi bộ Bãi Đức.

 

Di tích lịch sử Bãi Đức được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2000.
Di tích lịch sử Bãi Đức được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2000.

Tuyên Hóa là một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên. Từ những ngày đầu sau khi đánh chiếm đất nước ta, thực dân Pháp đã tập trung khai thác vùng đất này. Chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột tàn bạo của thực dân đã làm cho đời sống nhân dân cùng cực, điêu đứng. Những mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giai cấp đã tiềm ẩn từ lâu nay càng gay gắt hơn.

Trong điều kiện lịch sử đó, với truyền thống yêu đất nước, yêu quê hương, đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột, nơi đây thực sự là mảnh đất tốt để gieo mầm cách mạng. Đó là điều kiện tốt cho sự ra đời của chi bộ đầu tiên ở phía Bắc tỉnh ta - chi bộ Bãi Đức.

Giữa tháng 1-1931, tại phía nam bãi gỗ cầu Tân Đức, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Ích, lễ kết nạp đảng viên thành lập chi bộ Bãi Đức diễn ra nghiêm trang. Chi bộ bao gồm 7 đảng viên chính thức là Trần Đình, Đinh Hán, Phạm Lệ, Nguyễn Nguyên, Trần Tuất, Hà Văn Xinh và Nguyễn Nga. Đồng chí Trần Đình làm Bí thư chi bộ và đồng chí Phạm Lệ làm Phó bí thư. Chi bộ bàn bạc, thống nhất lấy nhà đồng chí Phạm Lệ làm địa điểm liên lạc, đồng chí Trần Đình chịu trách nhiệm liên lạc giữa chi bộ với cấp ủy.

Như vậy, những hạt giống đỏ cách mạng đã được gieo trên mảnh đất Quảng Bình từ đó. Đây là sự kiện hết sức quan trọng trong sự hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình nói chung và Đảng bộ xã Hương Hoá nói riêng.

Được sự hướng dẫn và giúp đỡ của Tổng uỷ Xuân Khánh, sau khi thành lập chi bộ, các đảng viên ở Bãi Đức nhanh chóng đi sâu vào các thôn xóm, xây dựng các tổ chức quần chúng, lúc này thôn Bãi Đức có khoảng 64 hộ. Sau khi ra đời, chi bộ Bãi Đức đã lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc mít tinh và đấu tranh trực diện với bọn địa chủ trong làng thu hút hàng trăm quần chúng tham gia vạch trần tội ác của bọn thực dân, cường hào, ác bá, khơi dậy lòng căm thù giặc trong nhân dân; vừa chăm lo phát triển tổ chức và kết nạp đảng viên mới. Nhờ vậy, chi bộ đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra các vùng khác trong huyện.

Để phát triển đảng viên mới, chi bộ phân công các đảng viên tuyên truyền giác ngộ theo dõi những quần chúng tích cực để kết nạp vào Đảng. Đối tượng bồi dưỡng là những người có ý thức đấu tranh với địa chủ cường hào đòi chia lại công điền, công thổ cho dân nghèo một cách hợp lý. Chi bộ Bãi Đức hoạt động tích cực, vận động quần chúng nhân dân, tham gia tự vệ. Hoạt động của các tổ chức Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ đã bắt đầu có tác dụng tích cực.

Ngày 30-4-1931, chi bộ Bãi Đức bố trí đưa hai đội tự vệ đến nhà Lý trưởng Trương Thu Hợp tuyên bố ngày mai cộng sản sẽ biểu tình lớn, cấm không được khống chế và phải phục tùng cách mạng. Chi bộ quyết định giữ một lực lượng ở lại đây để canh gác chặt chẽ.

Khoảng 10h đêm 30-4, hơn 100 người cầm đuốc đỏ rực đến tập trung tại Đượng Dàu và tiến hành biểu tình, đi qua hai làng La Khê và Bãi Đức rồi xuống ga Tân Ấp với khẩu hiệu: “Đánh đổ thực dân và Nam triều quan lại, tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo”, cùng với nhiều truyền đơn với nội dung đòi chia lại công điền, công thổ, đòi xóa thuế... rải nhiều trên đường làng ngõ xóm.

Ngày 1-5-1931, một tên quan Tây dẫn hai chục lính khố xanh có trang bị súng ống phối hợp với lính đồn Tân Ấp đến Bãi Đức đàn áp. Trước tình hình đó, các đảng viên của chi bộ Bãi Đức giải tán đoàn biểu tình. Đến cuối tháng 5-1931, hầu hết các đảng viên của chi bộ Bãi Đức bi bắt giam, đồng chí Trần Đình bị kết 5 năm tù, đồng chí Nguyễn Nga bị kết án 3 năm, đồng chí Phạm Lệ bị kết án 9 tháng tù giam và một số quần chúng tích cực nằm trong đối tượng phát triển Đảng của chi bộ cũng bị bắt giam ở huyện lỵ Tuyên Hóa.

Chỉ trong thời gian ngắn, sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự ra đời của chi bộ Bãi Đức đã đánh dấu son quan trọng trong lịch sử cách mạng của xã. Sự ra đời của chi bộ Bãi Đức đã chứng minh được truyền thống yêu nước của người dân nơi đây. Mặc dù chỉ tồn tại được 5 tháng nhưng hoạt động của chi bộ Bãi Đức và những đảng viên cộng sản đầu tiên thực sự là “hạt giống đỏ” mà Đảng gieo xuống trên đất Quảng Bình.

Từ một chi bộ Bãi Đức thành lập năm 1931 với 7 đảng viên, đến nay Đảng bộ xã Hương Hóa đã có 11 chi bộ trực thuộc thôn, xóm và 153 đảng viên là hạt nhân lãnh đạo thắng lợi phong trào cách mạng qua các thời kỳ.

Công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, Đảng bộ xã Hương Hóa đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hàng năm có trên 90% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém; có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hệ thống chính trị được củng cố, MTTQ và các đoàn thể của xã ngày càng vững mạnh.

T.Hoa