.
Hướng tới kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình (1604-2014):

Sông Gianh vang mãi bài ca chiến thắng

Thứ Năm, 06/03/2014, 07:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, trước khi xuôi ra biển Đông, sông Gianh như người mẹ hiền đã nuôi dưỡng người dân trong vùng bằng nguồn thủy sản dồi dào và bồi đắp phù sa màu mỡ, cũng như cung cấp đủ nguồn nước cho vùng đồng bằng ven sông và vùng đồng bằng rộng lớn ở hạ lưu.

Không những thế, từ bao đời nay, sông Gianh còn như một chiến lũy thiên nhiên lợi hại: với mặt sông rộng, lòng sông sâu, lượng nước chảy xiết như là một trợ lực hữu ích trong các cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, góp phần rất lớn vào những thắng lợi của công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhiều trận đánh lịch sử đã diễn ra trên dòng sông này, tên sông đã gắn liền với những chiến công của quân dân cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng.

Thật vậy, sông Gianh là dòng sông Mẹ của vùng đất Quảng Bình, trong lịch sử có tên là Linh Giang. Bộ chính sử Đại Nam Nhất Thống Chí được biên soạn vào năm Tự Đức 29 (1875) viết: "Sông Linh Giang cách huyện Bố Chính 3 dặm về phía Nam, bờ Bắc thuộc huyện Bố Chính, bờ Nam thuộc huyện Bố Trạch". Linh Giang nghĩa là dòng sông linh thiêng và huyền bí bởi sông chảy đến đâu là xóm làng xanh tươi, trù phú và người dân có cuộc sống ấm no đến đó.

Không biết từ bao giờ, hòa trong tiếng vỗ sông Gianh đã có câu thơ: "Sông Gianh sóng nhạc xuôi buồm tướng quân". Sông Gianh đã bao phen chìm trong khói lửa binh đao. Nhưng cũng chính từ đau thương mất mát ấy mà biết bao thế hệ người dân nơi đây lớn lên cùng khát vọng hòa bình để đất nước được thống nhất và phát triển giàu mạnh. Dòng sông linh thiêng ấy đã từng làm nơi tụ nghĩa tụ quân để làm nên những chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Mãi mãi in sâu vào tâm thức người dân Quảng Bình lòng biết ơn người đã có công khai sinh vùng đất này.

Vào năm 1069, nguyên soái Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đạo quân triều Lý khai mở phương Nam, đánh bại quân Chiêm trên dòng sông Gianh, thu hồi vùng đất Quảng Bình về với Đại Việt. Từ đây, sông Gianh chính thức đi vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời trở thành phên dậu cực kỳ quan trọng về phía Nam của kinh thành Thăng Long. Nếu để mất sông Gianh, thì nguy cơ sẽ mất Thăng Long. Không chỉ vậy, sông Gianh còn được các triều đình phong kiến nước ta xem đó là bàn đạp vững chắc để thực hiện công cuộc mở rộng Tổ quốc về phương Nam.

Tháng giêng năm 1471, trên đường đưa quân vào Nam đánh giặc, vua Lê Thánh Tông đã dừng hạm đội ở sông Gianh, trước vị trí hiểm trở xung yếu của dòng sông này, ông đã làm bài thơ: "Linh Giang Hải Tấn" để khẳng định vai trò chiến lược của dòng sông cũng như vùng đất phên dậu Bố Chính đối với triều đình. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với vùng đất biên viễn này: Núi bọc xung quanh biển mịt mờ/Bố Chính ngày trước vẫn hoang sơ/Ven sông làng xóm nhà tranh cỏ...Trời Nam đã rưới cơn mưa móc/Chẳng phải xa xôi bỏ cõi bờ...

Tượng đài chiến thắng sông Gianh.
Tượng đài chiến thắng sông Gianh.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ghi dấu biết bao thời đại, sông Gianh đã trở nên gần gũi và thân thương: Mặt sông luôn trong xanh lấp lánh dưới ánh nắng vàng rực rỡ, một dòng lịch sử cứ như đang hiển hiện về: Với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 (1285), nhân dân đôi bờ sông Gianh đã đánh bại cánh quân của Toa Đô làm thất bại âm mưu tiến ra Thăng Long. Nhiều trận đánh đuổi quân Minh trên dòng sông này gắn liền với tên tuổi của những người con dũng cảm như: Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Quý Khoáng, Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ... đã góp phần giải phóng Tân Bình-Thuận Hóa. Không chỉ thế, đây còn là nơi biểu dương sức mạnh quân sự của hai thế lực phong kiến hùng mạnh Việt Nam thế kỷ 17-18: Trịnh-Nguyễn, khi gay gắt nóng bỏng chiến sự, những lúc bên này hay bên kia lấn sâu vào vùng đất của nhau, khi không làm gì được nhau thì lấy sông Gianh làm ranh giới: Đàng Trong-Đàng Ngoài.

Trong cuộc chiến đó, quân Trịnh luôn ở thế chủ động cả về tấn công cũng như phòng ngự, luôn đủ sức mạnh làm chủ sông Gianh. Theo lịch sử ghi nhận, quân Trịnh đánh quân Nguyễn 7 trận, trận nào cũng mang tinh thần quyết liệt, nghĩa là có 7 lần vượt sông Gianh tiến đến lũy Động Hải-đại bản doanh của chúa Nguyễn, đó là các trận 1620, 1627, 1633, 1648, 1661, 1672 và 1774 đánh vào Phú Xuân kết thúc nội chiến. Còn chúa Nguyễn chỉ hai lần vượt sông Gianh đánh chúa Trịnh vào các năm 1640 và 1655.

Không những vậy, trang sử đấu tranh hào hùng chống giặc ngoại xâm là chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc còn ghi nhận, trên dòng sông Gianh mang nhiều chứng tích là nơi đã diễn ra những trận đánh quyết liệt của nhân dân ta với thực dân Pháp, đã đi vào lịch sử như chiến thắng Phù Trịch, đánh đồn Quảng Khê, giải phóng Ba Đồn đã tiêu diệt hàng trăm binh lính, đánh chìm bắn cháy nhiều ca nô, tàu chiến Pháp, giải phóng quê hương và mở rộng vùng tự do Liên khu 4.

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, với vị trí quan trọng như bến phà Gianh, cảng Gianh cùng nhiều bến đò nhỏ, sông Gianh đã trở thành cửa ngõ duy nhất để đưa bộ đội, cán bộ, thanh niên xung phong và vũ khí vào Nam chiến đấu. Vì thế, sông Gianh đã trở thành mục tiêu quan trọng, điểm đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến Mỹ với đầy đủ vũ khí tối tân hiện đại, tập trung đánh có tính hủy diệt. Thế nhưng, vẫn không ngăn nổi những chuyến phà chở những đoàn quân cùng biết bao đoàn xe vượt sông vào chiến trường miền Nam ruột thịt với khẩu hiệu: "Đầu đội bom, chân đạp phà, tay lái, miệng hát bài ca chiến thắng" đã trở thành phương châm hành động của tập thể chiến sĩ phà Gianh.

Cùng với phà Gianh, cảng Gianh là nơi khởi đầu của đường Hồ Chí Minh trên biển, là nơi ra đời đơn vị vận tải quân sự đầu tiên: "Tiểu đoàn 163-Tập đoàn đánh cá sông Gianh" đã cùng những con tàu không số lặng lẽ vượt biển khơi vào Nam đưa vũ khí đạn dược của hậu phương miền Bắc chi viện cho lực lượng cách mạng miền Nam đánh thắng Mỹ - Ngụy, thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt một ngày đã đi vào lịch sử 28/4/1965: 5 chiếc tàu của hải quân nhân dân Việt Nam đã quần nhau với máy bay Mỹ từ hạm đội 7: Từ bến Lệ Sơn về đến bến Quảng Thanh, Quảng Thuận, cho đến chiếc tàu cuối cùng hóa thân vào bến cảng Gianh.

Trong ngày đó, đế quốc Mỹ đã huy động 80 lượt máy bay, mỗi lượt 9-20 chiếc các loại AD6, F8U, F105 với các loại vũ khí giết người hàng loạt như rốc két, 20 ly, bom sát thương, bom khoan bám riết 5 chiếc tàu, nhưng các chiến sĩ trên tàu đã chiến đấu anh dũng cùng lưới lửa phòng không của bộ đội, dân quân tự vệ và nhân dân hai bờ sông Gianh lập công xuất sắc, vít đầu 5 chiếc máy bay Mỹ xuống biển Đông, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Chiến thắng vang dội đó đã đi vào văn học nghệ thuật Việt Nam thời kỳ chống Mỹ qua ca khúc: "Chiến thắng sông Gianh" của nhạc sĩ Mộng Lân, ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân và dân đôi bờ sông Gianh, đồng thời thể hiện quyết tâm đánh Mỹ bảo vệ quê hương:

"Chiến công vang lừng của dòng sông Gianh anh hùng qua thắng Mỹ
Chiến thắng sông Gianh chúng ta gửi vào Trị Thiên với bao tấm lòng
Sông Gianh ơi, miền Nam đang nhắn gọi, căm hờn ta nổ súng
Bọn cướp Mỹ chớ hòng tới đây, đôi bờ mặt nước sông Gianh nổi sóng dìm đầu chúng bay".

Trong cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ đã đánh vào phạm vi bến phà Gianh 2791 trận, dội xuống hàng ngàn tấn bom đạn, trung bình mỗi m2 mặt nước phải hứng chịu 1 tấn bom đạn, nhưng bất chấp mức độ khốc liệt của chiến tranh, cán bộ chiến sĩ phà Gianh vẫn âm thầm vượt sông, rà phá thủy lôi bảo đảm cho mạch máu giao thông luôn được thông suốt, đưa hàng chục ngàn chuyến phà vượt sông Gianh, chuyên chở hơn 2 triệu lượt xe, hàng triệu tấn hàng hóa, hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ vào Nam ra Bắc phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tấm gương chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ phà Gianh đã góp phần làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trên đất lửa Quảng Bình.

Chiến công của các anh đã gắn liền với dòng sông, xương máu của các anh cũng hòa vào dòng sông để góp phần làm nên thời đại Hồ Chí Minh rạng rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Còn dòng sông trở thành bất tử, với tượng đài chiến thắng sông Gianh khắc ghi tên tuổi những người con ưu tú của đất nước, đã hiến dâng tuổi xuân để giữ vững mạch máu giao thông vì sự nghiệp đánh Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển đi lên. Sông Gianh cũng hòa vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà điểm nhấn đó là một cây cầu vĩnh cửu, hiện đại bắc qua sông nối liền hai miền đất nước thúc đẩy kinh tế văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng phát triển mạnh và bền vững.

Cùng với dòng chảy của thời gian, phù sa của lịch sử đã bồi tụ về sông Gianh và tiếp tục tỏa sáng, vẫn đang tạo nên những xúc cảm đặc biệt thiêng liêng và đầy tự hào về tinh thần yêu nước của những người con đất Việt, để hôm nay đứng trên cầu Gianh, ngắm nhìn tượng đài chiến thắng cùng biết bao chứng tích oanh liệt gắn liền với dòng sông mà nghe như vang vọng mãi bài ca chiến thắng.

Phan Thị Hằng
(Bảo tàng Quảng Bình)