.

Võ Văn Luận-người đội viên giải phóng quân năm xưa

Thứ Sáu, 07/02/2014, 14:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Võ Văn Luận, một trong những người đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải phóng quân, tên thật là Võ Văn Dảnh, sinh ngày 15-6-1905 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá. Bố mẹ ông sinh ra được 7 người con, thì 6 người đã bị nạn đói cướp mất, chỉ còn lại một mình ông. Cha, mẹ lại mất sớm, năm 12 tuổi vì điều kiện gia đình túng thiếu Võ Văn Dảnh đã phải đi theo một người tốt bụng trong làng qua Lào làm thuê kiếm sống.

Ông Võ Văn Luận. (ảnh do gia đình cung cấp)
Ông Võ Văn Luận. (ảnh do gia đình cung cấp)

Qua Lào được 3 năm, lại sang Thái Lan. Tại đây Võ Văn Dảnh may mắn gặp được người đồng hương quê huyện Quảng Trạch tên là Đoàn Hồng đưa về ở trong nhà. Gia đình ông Đoàn Hồng là một cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan. Hàng ngày Dảnh được ông Hồng nuôi ăn học và dạy bảo nên ý thức giác ngộ cách mạng đã sớm hình thành ở cậu học sinh này. Năm 18 tuổi (1923) ông tham gia rải truyền đơn và bị cảnh sát U Đom bắt giam. Do ở trong tù Dảnh khai cha Tàu, mẹ An nam  nên khi ra tù (năm 1938) ông bị trả về Trung Quốc. Lúc này ông lại khai tên mới là Võ Văn Trung. Tại đây ông được các đồng chí Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn dìu dắt, giúp đỡ; được theo học các khoá huấn luỵện và được tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc...

Năm 1943, ông về nước hoạt động ở vùng Lục Khu (Cao Bằng) với một tên mới là Võ Văn Luận. Và cho tới mãi sau này tên Võ Văn Luận trở thành tên thường gọi của ông.

Ngày 22-12-1944, Võ Văn Luận được chọn vào đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Ông rất tự hào vì ngoài “Anh Văn” - người chỉ huy cao nhất của quân đội, trong đội còn có một người đồng hương cùng huyện là Đội trưởng Hoàng Sâm (quê ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hoá). Đúng là “duyên kỳ ngộ”! Ba người con Quảng Bình ra đi làm cách mạng bằng những con đường khác nhau nhưng lại có dịp cùng nhau sát cánh chiến đấu chống kẻ thù trong đội quân tiền thân của Quân đội NDVN.

Trong 3 trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân: Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu mà Võ Văn Luận được tham gia thì trận đánh đồn Phai Khắt để lại cho ông kỷ niệm đáng nhớ nhất. Trong trận này ông được giao nhiệm vụ chặn địch ở cổng đồn. Khi phát hiện tên đồn trưởng người Pháp đi ngựa từ Nguyên Bình vào, không nén nổi lòng căm thù, ông đã nổ súng bắn chết , mặc dầu theo kế hoạch là không được nổ súng mà phải bắt sống. Chính vì vậy mà sau trận này Võ Văn Luận đã bị phê bình kiểm điểm trước đội.

Đầu năm 1947 , Võ Văn Luận được chọn đi “Tây tiến”. Khí hậu khắc nghiệt vùng núi rừng Tây Bắc đã làm suy kiệt sức khoẻ của ông. Vì thế, mới lên Sơn La, bị bệnh tật hành hạ, Võ Văn Luận buộc phải quay lại Việt Bắc. Sau đó ông được điều về Khu 4. Sau 30 năm xa cách quê hương bây giờ ông mới được trở lại. Lần này ông mới có dịp được về thăm quê và xây dựng gia đình.

Ông ra đi tha phương cầu thực  khi mới 12 tuổi, lại mồ côi cả cha lẫn mẹ, nay trở về với quê hương trong sự oai nghiêm của một người lính, khiến dân làng và cả chính quyền địa phương ngỡ ngàng đến độ nghi kỵ.

Võ Văn Luận về quê, ngồi trên lưng ngựa, vai khoác khẩu súng dài, lưng giắt khẩu súng ngắn và chiếc kiếm bóng loáng trông thật là oai vệ. Về đến đầu làng sau 30 năm xa cách, mừng quá, không nén nổi niềm vui ông đã rút súng ra bắn liền mấy phát để “chào mừng quê hương”. Dân tình hiếu kỳ chạy ra xem và bàn tán xôn xao “sao cách mạng lại có người như rứa?” rồi chính quyền cũng sinh nghi và kết cục là Võ Văn Luận bị bắt giam. Rất may chỉ một thời gian ngắn nhờ sự can thiệp của trên ông được minh oan và được bố trí công tác tại địa phương. Để “tự minh oan” cho mình ông đã một mình bắt tên Việt gian khét tiếng Võ Cảnh giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại chợ Ba Đồn sau đó giao nộp cho đồng chí Nguyễn Văn Đồng (tức Trung tướng  Đồng Sỹ Nguyên sau này).

Năm 1951, Võ Văn Luận được Trung ương gọi ra để chuẩn bị sang hoạt động ở Lào. Mới được hơn một năm thì bệnh tật tái phát buộc ông phải chia tay quân đội trở về quê làm ăn sinh sống. Về quê ông vẫn tham gia hoạt động cách mạng, làm xã đội trưởng xã Đại Đồng (sau này chia thành 3 xã là: Thạch Hoá,  Đức Hoá và Phong Hoá). Từ năm 1955 đến 1970 ông làm tổ trưởng Đảng, đội trưởng đội sản xuất nông nghiệp, trưởng Ban kiểm soát HTX, Ban chấp hành Hội phụ lão...

Tháng 12-1989, nhân kỷ niêm 45 năm ngày thành lập Quân đội NDVN, Võ Văn Luận vinh dự có mặt trong đoàn Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình ra thăm thủ đô. Niềm vui được nhân lên gấp bội bởi chuyến đi này ông được gặp lại “Anh Văn”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đồng hương, người thủ trưởng cũ năm xưa của mình. Kể từ đó lai lịch của ông mới được bổ sung đầy đủ trong cuốn sách mang tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2003. Và hơn 1 năm  sau (2/1991) ông đã ra đi một cách thanh thản vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 86 tuổi. Bây giờ ở quê, ông còn một người con trai tên là Võ Văn Nhuận, hiện là Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đức Hoá. Còn người vợ thân yêu của ông tên là Lê Thị Diêu vừa qua đời năm 2012, hưởng thọ 89 tuổi.

Với công lao cống hiến của ông, ngày 25-12-2000, ông đã đựợc Chủ tịch nước CHXHCNVN truy tặng  Huân chương Độc lập hạng Ba. 

Hồ  Duy Thiện