.

Chiến khu Vườn Ba

Thứ Sáu, 01/11/2013, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Dưới thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân phong kiến đã cho thiết lập sở trồng dương liễu Đông Dương tại vùng cát ven biển Trường Sa (Bảo Ninh ngày nay) vào đến thôn Tân Định (Hải Ninh - Quảng Ninh ngày nay).

Từ địa giới vùng cát ven biển phía bắc thôn Hà Thôn (Bảo Ninh) vào vùng cát ven biển Tân Định, dài gần 15 km, chính quyền Pháp đã chia thành 6 khu vườn và cắt cử người hàng năm trồng trọt, chăm sóc dương liễu được trồng lên ở đây, theo thứ tự tính từ Bắc vào Nam là vườn một đến vườn sáu.

Vườn Ba là khu trung tâm, lại là nơi có đặc điểm địa lý thuận lợi như cây cối rậm rạp, nhiều đồi cát, có hai khe nước ngọt, đồng So rươi (người địa phương gọi là rười) um tùm nên được các đồng chí lãnh đạo Đảng ở đây chọn làm căn cứ để hoạt động cách mạng. Đây là vùng địch hậu vì bên kia sông Nhật Lệ là Đồng Hới - Quán Hàu thủ phủ, thị trấn do Pháp quản lý.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Ban quản lý sở trồng dương liễu Đông Dương giải tán. Các lô vườn ở đây trở nên hoang vu, vắng lặng, Vườn Ba và các vườn khác trở thành vùng đất dễ dàng cho các cán bộ cách mạng về xây dựng cơ sở để bám đất, bám dân ở Bảo Ninh và Đồng Hới.

Bảo Ninh đang từng ngày thay da đổi thịt. Ảnh: T.H
Bảo Ninh đang từng ngày thay da đổi thịt. Ảnh: T.H

Tại Vườn Ba, khoảng đầu năm 1950, đội du kích Trường Sa được tập họp, luyện tập quân sự, đợi thời cơ đêm đến tiến về thôn cũ, bao vây giặc, gài mìn, gài bom uy hiếp và tiêu diệt lính tráng giặc trong các đồn bốt ở thôn Hà Thôn và thôn Sa Động. Cũng tại đây, các cán bộ cách mạng xuất phát, ngược lên làng cũ về tận các cơ sở để giao nhiệm vụ hoặc phổ biến chỉ thị của lãnh đạo Thị ủy, Tỉnh ủy đưa về.

Tại Vườn Ba có 2 khe nước. Khe thứ nhất là nơi cơ quan xã đội, công an và trung đội du kích đóng, được gọi là "Khe xã đội". Khe phía nam, cách đó hơn 400m là nơi Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) và các đoàn thể đóng. Mỗi nơi đều có hầm bí mật, làm bằng cột dương liễu, xung quanh lấy cỏ rười kết lại. Bên trên có chiếc xuồng lật úp nên hầm trở nên kiên cố. Tại đây, tháng 7 -1950, Đại hội chi bộ Đảng Trường Sa lần thứ 2 được tiến hành, với hơn 60 đảng viên về dự họp.Vườn Ba trở thành căn cứ kháng chiến, biểu tượng cao đẹp về ý chí cách mạng của người dân Bảo Ninh sống giữa lòng địch.

Trước sự tồn tại của chiến khu Vườn Ba, tháng 9 năm 1950, thực dân Pháp ở Đồng Hới kết hợp với các lực lượng đóng đồn ở Võ Xá, Mỹ Trung của huyện Quảng Ninh đã 3 lần bao vây, tấn công, đốt phá các cơ sở vật chất và nhằm bắt sống các chiến sĩ cách mạng của ta. Tuy nhiên, nhờ có hầm bí mật nên tính mạng các chiến sĩ cách mạng đều an toàn, nhưng mọi cơ sở vật chất đều bị giặc đốt sạch, phá sạch. Trước diễn biến như vậy, Thị ủy Đồng Hới quyết định cho chi bộ Trường Sa gồm 28 đảng viên thực hiện phương án 2 là tạm rời Vườn Ba lên xã Vạn Ninh lánh nạn. Tại đây, đợi thời cơ, các đảng viên đã cắt cử nhau vượt quốc lộ, từ phía Gia Ninh trở lại Vườn Ba để bắt lại liên lạc lãnh đạo nhân dân tiếp tục kháng chiến.

Nhờ nhân dân che chở và ủng hộ, nên mọi hoạt động của chi bộ Đảng, xã đội, phụ nữ không bị gián đoạn.Từ năm 1951 đến năm 1954, Vườn Ba của Bảo Ninh là một căn cứ kháng chiến bền vững, nơi làm bàn đạp lặng lẽ và mạnh mẽ để các chiến sĩ cách mạng tiến công giặc trên mọi phương diện chính trị và quân sự. Chiến công lớn nhất giữa năm 1952 là bốn chiến sĩ của đơn vị 362 Thị đội Đồng Hới xuất phát từ Vườn Ba do đồng chí Phạm Lững, người làng Trung Bính dẫn đầu có 2 nữ chiến sĩ giúp sức là chị Bùi Thị Mò và Nguyễn Thị Duyên đã dùng súng DKZ đánh sập lô cốt Sa Động, thu hơn 20 súng trường, 1 súng máy, tiêu diệt một số lính ngụy đồn trú ở đây.

Ngày 3-7-1951, bị một tên phản bội bắt tay giặc, địch ra tay lùng sục, bố ráp và bắt sống một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Bảo Ninh. Phong trào cách mạng Bảo Ninh đi vào giai đoạn gay go ác liệt nhất. Tuy vậy, bước sang năm 1952 cao trào cách mạng trong cả nước lên cao, Bảo Ninh nói riêng, Đồng Hới nói chung có nhiều chuyển biến mới.

Ban cán sự Thị ủy đã cử người về Bảo Ninh bắt nối để gây dựng lại phong trào. Lúc đó, Vườn Ba thực sự là hậu cứ vững vàng của phong trào cách mạng Bảo Ninh và thị xã Đồng Hới, cho đến ngày Đồng Hới giải phóng (18-8-1954 ).

Có thể nói nếu Thuận Đức là chiến khu phía tây thì Vườn Ba là chiến khu về phía đông của cách mạng Đồng Hới trong cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt của dân tộc. Từ năm 1963 đến 1966, trong phong trào "Bám biển sản xuất", Vườn Ba là trung tâm của đội đánh cá "Xuất quân" của HTX đánh cá Thống Nhất Bảo Ninh. Cụ Trần Bạo, chồng mẹ Suốt anh hùng và tôi, người viết bài này từng là xã viên trong đội "Xuất quân" trong đội đánh cá ấy. Cá thu hoạch về, có bộ phận chị em chế biến, bảo quản, nếu thời tiết thuận lợi thì thuyền chạy thẳng lên cửa biển Nhật Lệ, vào bờ đổ cá và lại đi.

Hiện nay, địa điểm này rất ít người biết đến, nhất là những thế hệ mới lớn lên. Vấn đề giáo dục lịch sử và cung cấp những hiểu biết về Vườn Ba là một điều cần thiết để mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết rõ và tự hào hơn truyền thống đánh giặc giữ nước của người dân Bảo Ninh nói riêng và Đồng Hới nói chung.

Hồ Ngọc Diệp