.

Quy định điểm sàn riêng với ngành sư phạm dựa theo tiêu chí nào?

Thứ Sáu, 18/08/2017, 08:24 [GMT+7]

Tiêu chí xác định mức điểm sàn riêng đối với khối ngành sư phạm nên được thực hiện phù hợp với đặc thù của từng ngành đào tạo ở các cấp học…

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là năm nay, một số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường cao đẳng sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn. Điều này khiến nhiều người lo ngại chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Trước thực trạng trên, tại cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, để nâng cao chất lượng đầu vào, từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Vậy tiêu chí mức điểm sàn riêng đối với khối ngành sư phạm nên được thực hiện như thế nào cho phù hợp với đặc thù của từng ngành đào tạo?

 Từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên (ảnh minh họa)
Từ năm 2018, Bộ sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên (ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ủng hộ việc Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, khi quy định cần tính đến quy mô và đặc thù của từng bậc học, ngành học. Chẳng hạn như ngành giáo dục mầm non đòi hỏi giáo viên phải có những phẩm chất đặc biệt như yêu trẻ, có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, múa hát, kể chuyện…

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Huy, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm nên sử dụng kết quả thi THPT quốc gia; đồng thời cũng tính đến việc sử dụng học bạ bậc THPT.

Điểm sàn phụ thuộc rất lớn vào điểm thi của thí sinh

Mức điểm sàn riêng cho các trường ĐH, CĐ và cơ sở đào tạo giáo viên phụ thuộc rất lớn vào điểm thi và tổ hợp các môn thi của học sinh qua từng năm.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho rằng, có thể năm nay, với hình thức thi trắc nghiệm thì điểm thi THPT của thí sinh sẽ cao hơn năm ngoái nên mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH sẽ cao hơn. Năm sau có thể sẽ khác vì còn phụ thuộc vào đề thi, độ phân loại trình độ của thí sinh.

 Điểm sàn ngành sư phạm cũng phụ thuộc rất lớn vào điểm thi THPT quốc gia và tổ hợp xét tuyển của thí sinh (ảnh minh họa)
Điểm sàn ngành sư phạm cũng phụ thuộc rất lớn vào điểm thi THPT quốc gia và tổ hợp xét tuyển của thí sinh (ảnh minh họa)

Chắc chắn trước mùa tuyển sinh ĐH năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ còn họp với các trường ĐH, CĐ sư phạm về quy định đưa ra mức điểm sàn riêng đối với khối trường này.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lưu Trang, điểm sàn cho các trường ĐH sư phạm tốp đầu nên ở mức cao, còn các trường khác thì ở mức điểm sàn có chấp nhận được, không quá thấp.

Đối với điểm sàn từng ngành đào tạo, PGS.TS Lưu Trang cho rằng, điểm sàn đối với ngành mầm non có thể quy định ưu tiên thí sinh có kỹ năng, năng khiếu một số môn học như: Nhạc, Họa và lòng yêu mến trẻ chứ không cần phải có kiến thức chuyên môn các môn học sâu như các ngành sư phạm ở cấp học khác.

Điểm sàn phải được đặt ra với chỉ tiêu và nâng cao chất lượng

Có thể nói, nguyên nhân khiến một số trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp là vì từ vài năm nay, có những ngành tuyển sinh gặp khó khăn và vì tạo điều kiện học tập cho thí sinh vùng sâu, vùng xa cũng như đảm bảo đủ chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh.

Trước quy định mới sẽ quy định mức điểm sàn với các trường ĐH,  CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, năm nay, những trường ĐH sư phạm truyền thống, có uy tín, chất lượng đào tạo vẫn lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở lên.

 Số lượng ngành đào tạo sư phạm theo các mức điểm trúng tuyển năm 2017
Số lượng ngành đào tạo sư phạm theo các mức điểm trúng tuyển năm 2017

Những trường sư phạm ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng vẫn có điểm chuẩn ở tốp cao. Phần còn lại là tại các trường ĐH sư phạm ở địa phương và các trường CĐ sư phạm. Một số trường ĐH sư phạm lấy điểm chuẩn chỉ bằng với mức điểm sàn (15,5 điểm). Đặc biệt, có trường CĐ sư phạm lấy điểm chuẩn dưới mức điểm sàn, có trường lấy tổng số điểm 3 môn chỉ có 9 điểm.

Trong thực tế chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo tài chính. Do đó, nhiều trường xem việc tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường.

Tuy nhiên, nếu để bảo đảm kinh phí hoạt động, các trường sư phạm có thể sắp xếp công việc phù hợp như thay vì đào tạo các ngành mới thì nên tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới. Lúc đó, vấn đề chỉ tiêu sẽ không còn quá quan trọng với các trường.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, để đảm bảo chất lượng đào tạo sư phạm, cần sớm có các giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô cho tới các bộ ngành, địa phương; đừng để tình trạng các thầy cô giáo làm việc không mong muốn mà buộc phải hoạt động, buộc phải tồn tại. Đây là bài toán cần phải giải quyết cấp bách./.

Năm 2018, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ mức điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH nói chung. Tuy nhiên, đối với các trường ĐH, CĐ sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên, từ năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ quy định mức điểm sàn riêng cho khối trường này.

Quy định trên được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần. Đặc biệt là năm nay, một số trường sư phạm lại rất thấp, thậm chí có trường Cao đẳng sư phạm thông báo tuyển thí sinh chưa đến 10 điểm/3 môn.

Theo Bích Lan/VOV.VN