.

Nhiều tỉnh kiến nghị lùi chương trình GDPT mới: Bộ GD-ĐT nói gì?

Thứ Ba, 22/08/2017, 08:12 [GMT+7]

Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe các kiến nghị và có thể đề xuất lên Chính phủ và trình lên Quốc hội xem xét lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT mới.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 diến ra sáng 21-8, đại diện lãnh đạo nhiều địa phương đã đưa kiến nghị lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Trước nhiều kiến nghị của các địa phương, ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ vừa thông qua chương trình GDPT mới và đang rà soát lại các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình theo đúng lộ trình như Nghị quyết 88 đã đề ra. Trong đó, ưu tiên đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, trước đề xuất của địa phương kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe các kiến nghị và có thể đề xuất lên Chính phủ và trình lên Quốc hội xem xét kéo dài thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc xây dựng và biên soạn chương trình sách giáo khoa mới cũng như các điều kiện cần thiết khác khi thực hiện chương trình GDPT mới.

 Ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT
Ông Đoàn Văn Ninh, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT

Nhận định về chương trình GDPT mới, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, chương trình đã được Bộ GD-ĐT thông qua là khá hoàn chỉnh; đáp ứng dạy học theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Các môn học, dung lượng kiến thức, phân bổ thời gian từng môn học và trong tổng thể chương trình được tính toán cân đối, phù hợp.

Với địa phương, ông Phạm Văn Hùng cho biết, tâm thế của cán bộ quản lý và giáo viên đã sẵn sàng cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đề nghị Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ cho lùi thời gian triển khai chương trình mới 1 năm.

“Thừa Thiên- Huế có khoảng 17.000 giáo viên, chúng tôi cần có thời gian để đội ngũ này thực sự hiểu, thấm nhuần về chương trình GDPT mới cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình” – ông Phạm Văn Hùng bày tỏ.

Cùng chung quan điểm này, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho rằng, nên lùi thời gian triển khai chương trình, SGK mới để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý... nhằm triển khai tốt nhất chương trình mới.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, với chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT đã rất cẩn trọng, nghiêm túc, có lộ trình bài bản. Thế nhưng về phía tỉnh Nghệ An vẫn băn khoăn về điều kiện thực hiện.

Dù địa phương đã rất quan tâm nhưng cơ sở vật chất, đặc biệt các địa phương vùng miền núi còn nhiều khó khăn; đội ngũ giáo viên cũng còn có những bất cập. Do đó, Bộ nên giãn tiến độ, lùi thời gian thực hiện để địa phương có thể chuẩn bị đầy đủ hơn. Cụ thể là thay vì bắt đầu thực hiện từ năm học 2018 – 2019 thì có thể dời sang năm học 2019 - 2020 để các địa phương chuẩn bị, đáp ứng được cơ bản hai điều kiện này. Có như vậy, chương trình phổ thông mới được thực hiện hiệu quả, chất lượng hơn.

Trong khi đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cho rằng, một trong những rào cản thực hiện chương trình GDPT mới là điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa khó thực hiện xã hội hóa.

Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long mong muốn Bộ GD-ĐT có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện. Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực.

Với Kiên Giang, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, việc triển khai chương trình mới không thể thực hiện cùng lúc, đồng loạt mà phải làm dần từng nội dung. Lãnh đạo Sở này cũng nhấn mạnh, chủ trương, mô hình mới cần được nghiên cứu cẩn trọng, đảm bảo yếu tố khoa học và thực tiễn...

Bộ GD-ĐT vừa chính thức thông qua chương trình GDPT mới. Chương trình có một số thay đổi so với bản dự thảo:

Cấp Tiểu học: Môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc từ năm lớp 3

So với bản dự thảo công bố lần 1, bản chính thức có nhiều điểm mới. Cụ thể với bậc tiểu học, môn ngoại ngữ 1 đã chuyển thành môn tự chọn đối với lớp 1, lớp 2, và là môn học bắt buộc đối với lớp 3, 4,5. Trong môn học tự chọn đã không còn bóng dáng của môn ngoại ngữ 2.

Số lượng môn học khác cũng được giảm đáng kể. Hai môn học tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội trong bản dự thảo 1 đã được tích thành môn học tự nhiên và xã hội. Địa lý và lịch sử cũng chỉ được coi là 1 môn học. Môn học bắt buộc “Cuộc sống quanh ta” ở bản dự thảo 1 đã không còn có mặt tại bản chính vừa được công bố.

Hai môn thế giới công nghệ và tìm hiểu tin học được tích hợp còn một môn là tin học và công nghệ. Số lượng các môn học giữa các lớp ở bậc tiểu học trong bản chính không giống nhau. Chính vì vậy, lớp 1, lớp 2 tổng số tiết trong năm học là 1015 tiết, lớp 3 là 1085 tiết, lớp 4 và lớp 5 là 1120 tiết.

Như vậy so với bản dự thảo lần 1, số tiết học trong năm của tất cả các lớp tiểu học đều giảm đi đáng kể. Cụ thể, lớp 1, 2 giảm nhiều nhất là 132 tiết (cả bắt buộc và tự chọn), lớp 3 giảm 62 tiết, lớp 4, 5 giảm 64 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).

Cấp THCS: hướng nghiệp từ lớp 8

Số lượng môn học, tên môn học ở bậc học THCS tại bản chính không thay đổi so với bản dự thảo. Nhưng có thay đổi mục tiêu, mục đích của một số môn học. Cụ thể, đối với mỗi môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. Số tiết học ở bậc THCS cũng giảm so với dự thảo lần 1. Cụ thể, lớp 6, 7 giảm 58 tiết (gồm cả bắt buộc và tự chọn), khối 8, 9 giảm 78 tiết (cả bắt buộc và tự chọn).

Ở bản chính,  ban soạn thảo đã đề cập đến nội dung hướng nghiệp. Cụ thể đề xuất các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc đều tích hợp nội dung giáo dục hướng nghiệp; ở lớp 8, lớp 9, các môn học Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật, Giáo dục công dân, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục của địa phương  có học phần hoặc chủ đề về nội dung giáo dục hướng nghiệp.

Cấp THPT: Bỏ chủ trương dự hướng ở lớp 10

Trong bản chính, nội dung 3 lớp học ở bậc THPT tương đồng, không còn chủ trương dự hướng ở lớp 10 như bản dự thảo lần 1. Chính vì vậy,  số lượng môn học, tên môn học ở các lớp 10, 11, 12 là như nhau.

Các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm; Nội dung giáo dục của địa phương. Môn Giáo dục thể chất được thiết kế thành các học phần; Hoạt động trải nghiệm được thiết kế thành các chủ đề; học sinh được lựa chọn học phần, chủ đề phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Các môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp gồm 3 nhóm môn:  Nhóm môn Khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm môn Khoa học tự nhiên: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Nội dung mỗi môn học thuộc nhóm này được thiết kế thành các học phần, học sinh được lựa chọn học phần phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.

Học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn.

Tổng số tiết học của mỗi năm là 1015 tiết, thấp hơn so với lớp 10 ở bản dự thảo lần 1 là 85 tiết, nhưng nhiều hơn lớp 11, 12 so với bản cũ là 30 tiết.

Theo Bích Lan/VOV.VN