.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở các xã biên giới

Thứ Năm, 15/06/2017, 15:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Minh Hóa đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục ở 4 xã biên giới. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học hàng năm ở các xã này giảm đáng kể, sĩ số lớp luôn được duy trì, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng, tỷ lệ học sinh lên lớp hàng năm tăng… Tuy nhiên, công tác giáo dục ở các xã biên giới trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở vật chất.

Huyện Minh Hóa có 4 xã biên giới gồm: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Trên địa bàn các xã biên giới có 16 trường học các cấp, trong đó, có 6 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường tiểu học và THCS. Học sinh tiểu học có 1.482 em, chiếm 30,8% tổng số học sinh toàn huyện; THCS có 948 em, chiếm 34,7%. Để nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số học sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài huyện xây dựng cơ sở vật chất; đổi mới phương pháp dạy, học, đồng thời, tổ chức chương trình hoạt động Đoàn, Đội, như: phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, “Góp sức chung tay giúp bạn vùng khó khăn”; kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đến lớp...

Bên cạnh đó, địa phương cũng đã thực hiện tốt chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc, góp phần tạo động lực cho các em đến trường. Thầy Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS bán trú Dân Hóa cho hay: “Hiện, một số học sinh THCS ở xã Dân Hóa do nhà xa trường nên đi học thất thường, nhưng nhà trường đã phân công các đảng viên phụ trách bản, giáo viên chủ nhiệm liên kết với Hội phụ huynh nhắc nhở học sinh đến lớp; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với học sinh. Đồng thời, nhà trường giao cho các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn rà soát học sinh có nguy cơ bỏ học để giúp các em đến lớp”.

Giáo viên Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa phải khiêng xe đến lớp trong mùa mưa lũ.
Giáo viên Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa phải khiêng xe đến lớp trong mùa mưa lũ.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa cho biết: “Đến thời điểm này, quy mô trường lớp ở các xã biên giới tạm đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh. Ngành cũng đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, đồng thời, tổ chức cho giáo viên đăng ký thi đua “Giáo viên dạy giỏi cấp trường” để nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, Phòng còn chỉ đạo các đơn vị chú trọng thực hiện xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về việc hợp đồng giáo viên, nhân viên cũng như tiến hành bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ hợp đồng này để nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương”.

Sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các trường ở 4 xã biên giới nói riêng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Đời sống của giáo viên và học sinh cũng từng bước được nâng cao, số trẻ suy dinh dưỡng trong độ tuổi từ 2 đến 6 tuổi đã giảm đáng kể so với năm trước. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học năm 2016 - 2017 đạt 96,7%. Số lượng học sinh khá giỏi cấp THCS là 214 em, chiếm tỷ lệ 22,8% toàn huyện. 100% học sinh lớp 9 đã tốt nghiệp THCS. Cả 4 xã biên giới đã phổ cập bậc học mầm non, tiểu học, đạt mức độ 1 đối với xã Dân Hóa, Trọng Hóa và Hóa Sơn; xã Thượng Hóa đạt mức độ 2 về phổ cập xóa mù chữ ở Trọng Hóa đạt mức độ 1, xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa đạt mức độ 2...

Tuy nhiên, do đặc thù biên giới, dân trí và đời sống của bà con thấp, nên một số học sinh THCS còn bỏ học, hoặc đi học không thường xuyên, ảnh hưởng đến việc duy trì sĩ số lớp. Bên cạnh đó, giao thông đi lại khó khăn, mưa lũ, sạt lở chia cắt đã ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như chất lượng dạy và học của các trường ở xã biên giới. Thầy Đoàn Anh Tuấn, giáo viên Trường tiểu học và THCS số 1 Trọng Hóa chia sẻ: “Mỗi mùa mưa lũ là anh em giáo viên cắm bản như chúng tôi rất vất vả khi phải thường xuyên khiêng xe đến lớp. Có khi mưa lũ dài ngày, thiếu lương thực, nên anh em phải nhờ dân bản hỗ trợ gạo, sắn để ăn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng để bám trường, bám lớp, dạy chữ cho con em dân bản”.

 Lớp học mầm non mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa.
Lớp học mầm non mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa.

Đặc biệt, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học vẫn còn thiếu khá nhiều. Riêng bậc học mầm non vẫn còn 45 phòng học tạm, 13 phòng học nhờ nhà văn hóa thôn bản (8 phòng ở Trường mầm non Dân Hóa và 5 phòng ở Trường mầm non số 1 Trọng Hóa); tiểu học còn 35 phòng học tạm và THCS còn 6 phòng học tạm.

Cùng với những khó khăn về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục các xã vùng cao huyện Minh Hóa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Năm học vừa qua, có 40 học sinh tiểu học ở các xã biên giới vẫn chưa đọc, viết thành thạo nên chưa chưa đủ điều kiện lên lớp. Trong đó, có 22 em yếu môn Tiếng Việt, 18 em yếu môn Toán. Trước thực trạng trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các trường tổ chức phụ đạo cho các em trong 2 tháng hè và qua 3 lần kiểm tra.

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Minh Hóa cho biết thêm, sắp tới, Phòng sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường học phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp. Phòng cũng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện cũng như chính quyền các xã biên giới tu sửa lại các phòng học tạm, cấp kinh phí để xây mới 15 phòng học mầm non đang học nhờ; tu sửa, nâng cấp lại các tuyến đường để giáo viên và học sinh đến lớp thuận lợi, an toàn hơn trong mùa mưa lũ; duy trì chế độ bán trú, nội trú và các chế độ khác đối với học sinh vùng đồng bào dân tộc để khích lệ các em đến trường...

Xuân Vương