.

Hiệu quả từ nhà nội trú cho học sinh vùng cao

Thứ Năm, 13/04/2017, 08:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu năm học 2016-2017, Trường THCS và THPT Hóa Tiến đưa vào sử dụng nhà nội trú cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh nghèo ở xa. Công trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực khi góp phần tạo điều kiện cho hàng chục học sinh ở các xã biên giới huyện Minh Hoá có điều kiện đến trường, ăn ở, học tập tốt hơn.

Trước đây, học sinh các xã biên giới ở huyện Minh Hóa, như: Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa, Thượng Hóa, tốt nghiệp THCS xong sẽ phải thi vào Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Nếu em nào thi đậu thì tiếp tục về TP.Đồng Hới học tập để viết tiếp ước mơ. Còn em nào không đậu thì về xã Hóa Tiến thuê nhà để tiếp tục đi học. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của học sinh các xã biên giới còn rất nhiều khó khăn, nên chỉ một số em đến trường, còn phần lớn các em phải bỏ học giữa chừng.

Trước tình trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh thành lập các lớp học nội trú dành riêng cho học sinh các xã biên giới ở huyện Minh Hóa tại Trường THCS và THPT Hóa Tiến. Chính sách nội trú đã nhanh chóng đến với các em học sinh từ năm học 2014-2015. Qua đó, mỗi em học sinh được hưởng mỗi tháng 15kg gạo với số tiền 730.000 đồng. Từ khi có chế độ nội trú, học sinh các xã biên giới đã đến trường ngày càng đông hơn, năm học 2013-2014 có 7 em; năm học 2014-2015, đã có thêm 15 em đến trường; năm học 2015-2016, nhà trường đã vận động thêm 29 học sinh các xã biên giới đến học, đạt tỷ lệ 87%.

Chế độ nội trú đã tạo động lực rất lớn cho học sinh các xã biên giới đến trường. Tuy nhiên, các em vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn trong vấn đề đi lại, thuê nhà và nhiều vấn đề khác. Nếu như năm học 2014 -2015, trường vận động được 15 em đến trường thì có tới 5 em phải bỏ học. Năm học 2015 – 2016 vận động được 29 em thì có 18 em bỏ học. Chưa có nhà ở nội trú nên nhà trường vẫn gặp khó khăn trong công tác quản lý, chăm sóc học sinh. Để tạo điều kiện cho các em ăn, ở, học hành tốt hơn, UBND tỉnh đã đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng công trình nhà nội trú cho học sinh. Công trình được khởi công từ cuối năm 2014 với thiết kế 20 phòng ở, một nhà ăn tập thể có căng tin với sức chứa 300 người và một nhà thi đấu thể thao. Đến thời điểm này, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng đầu năm học 2016-2017.

Học sinh Trường THCS và THPT Hóa Tiến được hỗ trợ chế độ nội trú với 3 bữa ăn/ngày.
Học sinh Trường THCS và THPT Hóa Tiến được hỗ trợ chế độ nội trú với 3 bữa ăn/ngày.

Từ khi có nhà ở nội trú, lại được chu cấp tiền ăn, học, đi lại, số học sinh các xã biên giới đến lớp nhiều hơn. Năm học 2016 -2017, nhà trường đã đón 37 em đến trường và con số này vẫn duy trì cho đến bây giờ. Em Hồ Thị Tình, học lớp 11A2, ở xã Dân Hóa phấn khởi: “Nhờ có chế độ nội trú nên chúng em mới được đi học. Dù cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn nhưng em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành cô giáo dạy các em nhỏ trong bản”. Tình là con của một gia đình nghèo ở bản Y Leng, xã Dân Hóa. Nếu như năm học trước, em phải thuê phòng ở chung với bạn mỗi tháng mất 300.000 đồng (chưa kể tiền điện nước). Ngoài ra, em còn phải lo rất nhiều chi phí cho cuộc sống nên mỗi tháng gia đình phải hỗ trợ thêm 600.000 đồng nữa. Nhưng từ khi được ở nội trú, gia đình không phải chu cấp các khoản đó nên em rất yên tâm học tập, thực hiện ước mơ của mình.

Em Hồ Lum, học lớp 10A2, xã Trọng Hóa chia sẻ: “Nếu không có nhà nội trú, em cũng bỏ học như nhiều anh chị trước đây thôi. Giờ đây, được đi học, được ăn, ở, đi lại miễn phí, nên em và các bạn ở xa rất vui và phấn khởi”. Hiện, khu nội trú của Trường THCS và THPT Hóa Tiến có trên 60 em học sinh. Học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc ở biên giới và những em hộ nghèo, nhà cách trường trên 10km nhưng không có điều kiện để đi về trong ngày. Theo chế độ nội trú, mỗi ngày, một em được ăn ba bữa với số tiền là 33.000 đồng, từ thứ 2 đến thứ 6. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ thêm tiền sách vở, chi phí đi lại vào dịp cuối tuần... Để tạo điều kiện cho học sinh ăn ở nội trú tốt nhất, nhà trường đã vận dụng kinh phí hoạt động để thuê 1 quản sinh, 3 người chuyên nấu ăn. Hàng ngày, người quản sinh sẽ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu nhà trường quản lý giờ giấc học tập, đi lại, ăn ở tại trường của học sinh.

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho hay: “Trước đây, có rất nhiều học sinh trên địa bàn học xong lớp 9 phải bỏ học do không thi đậu vào Trường dân tộc nội trú tỉnh hoặc hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Nhưng, từ khi Trường THCS và THPT Hóa Tiến mở nội trú, các cháu trúng tuyển đều đi học hết”. Thầy Đinh Xuân Thọ, Phó hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hóa Tiến cho biết: “Việc đưa nhà nội trú vào hoạt động đã giúp nhà trường quản lý các em ở xa tốt hơn, giúp cho phụ huynh yên tâm khi cho con em đến trường học tập. Cũng nhờ có điều kiện ăn ở tốt nên số lượng học sinh đến trường nhiều hơn, số học sinh bỏ học giảm đáng kể. Chất lượng dạy và học của trường cũng được nâng cao”. Cũng theo thầy Thọ, hiện chế độ nội trú cho các em khối lớp 10 vẫn chưa thực hiện được, tiền thuê người nấu ăn, quản sinh vẫn chưa có, nên nhà trường đang phải trích ngân sách hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất cho các em ăn học.

Mô hình trường học nội trú không chỉ giúp học sinh các xã biên giới theo học tại Trường THCS và THPT Hóa Tiến bớt đi vất vả, mà còn giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi đây tiếp tục thực hiện mong ước tới trường như bao bạn học cùng trang lứa, góp phần giảm số lượng học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục ở những vùng khó khăn.

Xuân Vương