.

Khi mô hình giáo dục là bí quyết thành công

Thứ Hai, 09/01/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Hải Ninh là xã vùng biển bãi ngang của huyện Quảng Ninh, điều kiện kinh tế khó khăn, người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ nghề đánh bắt và chế biến hải sản. Những năm gần đây phong trào giáo dục ở Hải Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó, năm học 2015- 2016, Trường mầm non Hải Ninh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Nét nổi bật ở Trường mầm non Hải Ninh là nhà trường đã xây dựng thành công các mô hình giáo dục mới, góp phần xây dựng thương hiệu giáo dục huyện nhà.

Thực hiện chuyên đề phát triển vận động cho trẻ mầm non, nhà trường chỉ đạo thiết kế môi trường hoạt động chơi tập, đầu tư mua sắm dụng cụ, như: bóng, vòng, gậy, vòng chui, ghế thể dục, dây thừng... để dạy trẻ kỹ năng vận động tại nhóm lớp hoặc tại phòng giáo dục thể chất. Đối với thiết kế hoạt động vui chơi ngoài trời, trường triển khai cải tạo sân trường, xây dựng 500 m2 bê tông làm sân chơi, luyện tập và vận động, chơi cầu trượt, xích đu, bóng rổ, bóng đá, thang leo trèo, ghế thăng bằng... với các vận động như chạy, nhảy, đi cầu thăng bằng, ném bóng và các trò chơi dân gian. Nhà trường thường xuyên tổ chức cuộc thi giữa các nhóm lớp qua các trò chơi vận động và mang tính tập thể. Việc thiết kế vận động này góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ đem lại niềm vui và sự sảng khoái mỗi ngày khi trẻ đến trường, thỏa mãn nhu cầu vui chơi và phát triển thể chất của trẻ. Các hoạt động hình thành cho trẻ thói quen vận động cần thiết ngay khi còn nhỏ, đồng thời thu hút được sự quan tâm của phụ huynh, cộng đồng đối với nhà trường, từ đó phụ huynh hợp tác cùng nhà trường trong việc đầu tư, mua sắm thêm thiết bị, đồ chơi cho con em.

Năm học 2014 - 2015, Trường mầm non Hải Ninh xây dựng mô hình mới “Vườn rau của bé”. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo môi trường sinh thái và trẻ có được cơ hội trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh. Với ý tưởng này, nhà trường nhận được sự đồng thuận cao của các bậc phụ huynh. Phụ huynh đã hỗ trợ kinh phí, ngày công lao động và mua giống, phân bón để cùng với các cô giáo xây dựng mô hình. Nhà trường đã cải tạo 500m2 đất làm vườn rau có mái che bằng lưới có đường đi lối lại cho trẻ tham gia chăm sóc, khám phá. Trong vườn, nhiều loại rau, củ được trồng theo mùa và trồng theo dạng cuốn chiếu để thu hoạch luân phiên, như: khoai lang, rau ngót, dền, muống, hành, ngò, cải cay, cải ngọt, mồng tơi, su hào, đậu cô ve, dưa chuột, bầu, bí, đu đủ... Sau khi vườn rau được hoàn thành, giáo viên các lớp tổ chức mỗi tuần 2 lần cho trẻ ra tham quan, trải nghiệm, ngắm rau, tưới rau, nhổ cỏ, bắt sâu, thu hoach và vui đùa...

“Vườn rau của bé” đã giúp trẻ hoàn thiện một số kỹ năng sống, phát triển tinh thần linh hoạt, mạnh dạn, tự tin, biết phối hợp cùng nhau và cho trẻ nhiều cảm xúc, óc thẩm mỹ về vẻ đẹp của thiên nhiên. Qua đó, mô hình giúp trẻ hiểu và biết, yêu quý công việc, công sức của người lao động. “Vườn rau của bé” ở Trường mần non Hải Ninh thực sự đã mang lại một môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hiệu quả ở nơi vùng khó khăn của huyện Quảng Ninh.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng chuyên môn, là một người luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của nhà trường, có năng lực chuyên môn vững vàng, say mê công việc. Cô giáo Hạnh là giáo viên dạy lớp 5 tuổi, được trường chỉ đạo thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Cô đã có nhiều sáng tạo trong xây dựng môi trường lớp học và tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, được nhà trường đánh giá cao. Nhà trường chú trọng xây dựng mô hình “Con vật gần gũi” nhằm tận dụng quỹ đất nhỏ chưa được sử dụng, tận dụng thức ăn dư thừa của trẻ và rau già tại vườn rau của bé để nuôi gà đẻ trứng nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình “Con vật gần gũi” cung cấp thêm lượng trứng gà trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Với ý tưởng đó, sau khi tham vấn ý kiến của các bậc phụ huynh và được sự hưởng ứng tích cực, bước vào năm học 2015- 2016, nhà trường đã triển khai cải tạo 300m2 đất làm mô hình, có lưới bao quanh, có đường đi, lối lại cho trẻ tham gia chăm sóc và bảo đảm vệ sinh môi trường. Mô hình gồm 2 loại vật nuôi: 45 gà mái đẻ trứng và 5 con thỏ. Hàng ngày, giáo viên đã tạo cảm giác vui vẻ cho trẻ mỗi khi được quan sát, tham gia chăm sóc cho gà, thỏ ăn và được cùng cô giáo thu hoạch trứng gà. Hàng tháng, mô hình cung cấp cho các cháu 8 bữa ăn có trứng gà. Số tiền thu được từ nuôi gà đẻ đã hỗ trợ thêm quà buổi chiều cho trẻ”.

Với các mô hình này, nhà trường đã hình thành một số hiểu biết cho trẻ, trong đó có lợi ích của thực phẩm sạch đối với sức khỏe con người và mong muốn được ăn những thực phẩm sạch đó. Thành quả của việc xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, đồng thời xây dựng môi trường học đường xanh- sạch- đẹp.

Cô giáo Hà Thị Hồng Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong năm học 2016- 2017, nhà trường tiếp tục chỉ đạo giáo viên trồng, chăm sóc vườn rau và nuôi gà để cải thiện bữa ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh việc đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; đồng thời tăng cường hoạt động vui chơi để trẻ được trải nghiệm, khám phá, chú trọng phát triển kỹ năng sống phù hợp độ tuổi của trẻ. Trường bố trí những giáo viên có kinh nghiệm và năng lực để triển khai việc thực hiện công tác đổi mới này. Nhà trường xác định đây là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ để vừa tạo điểm nhấn, niềm tin cho phụ huynh và thương hiệu của nhà trường”.

Thái Toản