.
Các trường học ở thị xã Ba Đồn:

Nỗi lo cơ sở vật chất sau lũ

Thứ Tư, 04/01/2017, 09:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống cơ sở vật chất của các trường học trên địa bàn thị xã Ba Đồn đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, sau 2 trận lũ xảy ra tháng 10-2016, hệ thống cơ sở vật chất của nhiều trường học bị xuống cấp nghiêm trọng, các trang thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh bị ngập nước, hư hỏng, ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động dạy học.

Trường THCS Quảng Long, ngôi trường có bề dày truyền thống trong công tác dạy và học ở thị xã Ba Đồn, hiện cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Toàn trường có 13 phòng học thì có đến 5 phòng không thể sử dụng được, vì tường nứt nẻ, nền nhà bị sụt lún rất nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn cho các em học sinh, nhà trường đã tổ chức dạy 2 buổi tại các phòng học kiên cố, đồng thời cảnh báo khu vực nguy hiểm để học sinh không được đến gần.

Toàn thị xã Ba Đồn hiện có 59 trường học ở tất cả các cấp học. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sau 2 cơn lũ xảy ra từ tháng 10-2016, hệ thống cơ sở vật chất nhiều trường học trên địa bàn bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều dãy phòng học bị mưa lũ làm cho tường bị nứt, ẩm ướt, nhiều bàn ghế, đồ dùng dạy học không thể sử dụng được do ngập quá sâu trong nước lũ. Mặc dù sau lũ, các trường học đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để khắc phục hậu quả nhưng đến nay, công tác dạy và học ở một số trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đây là rào cản không nhỏ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của toàn ngành. Trong khi nguồn lực nội tại của ngành chưa thể đáp ứng được yêu cầu khắc phục, sửa chữa cũng như nâng cấp, xây mới các trường học bị xuống cấp, ngành giáo dục - đào tạo thị xã Ba Đồn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành địa phương để công tác dạy và học trên địa bàn thị xã đạt chất lượng tốt hơn.

Ông Phạm Thanh Minh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Ba Đồn cho biết, hiện tại nhiều trường học ở thị xã đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác dạy và học của các nhà trường, ngành giáo dục thị xã đã quan tâm khắc phục nhưng do thiếu kinh phí nên đến nay, một số trường vẫn phải cho học sinh học trong những phòng học tạm và tổ chức học 2 buổi tại các phòng học kiên cố.

Các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục - đào tạo, đặc biệt là tạo điều kiện về kinh phí để các trường tu bổ, sửa chữa các phòng học, phòng chức năng bị xuống cấp.

Về lâu dài, ngành giáo - dục đào tạo thị xã sẽ tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để quyết tâm từng bước ổn định trường lớp, tạo mọi điều kiện tốt nhất để bảo đảm việc giảng dạy và học tập trên địa bàn thị xã.

Lệ Hằng
(Đài TT-TH Ba Đồn)