.

Những nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2016-2017

Thứ Bảy, 03/09/2016, 20:21 [GMT+7]
Năm học 2016-2017 sắp bắt đầu. Trong chỉ thị về nhiệm vụ năm học mới, Bộ GD&ĐT xác định các nhóm nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung thực hiện để hoàn thành các mục tiêu về GD&ĐT đã đề ra.
 
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm này được xây dựng trên cơ sở phương hướng, mục tiêu chung của toàn ngành giáo dục, đó là: Tăng cường kỷ cương, nề nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định. Giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu cầu thị trường lao động.
 
Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên được Bộ GD&ĐT xác định là sẽ tiến hành rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước. Các địa phương tổ chức rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng và giáo dục thường xuyên phù hợp với điều kiện của từng vùng, địa phương.
 
Triển khai kiểm định các cơ sở giáo dục đại học để có căn cứ xếp hạng, phân tầng và sắp xếp lại mạng lưới một cách tổng thể, phù hợp với nhu cầu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế.
 
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bộ sẽ tiến hành rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn năng lực, đạo đức giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
 
Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành để làm căn cứ xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn; xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông. Bộ sẽ cung cấp rộng rãi thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, nhằm định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhu cầu của địa phương.
 
Hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Nghiên cứu dự báo nhu cầu thị trường lao động. Điều chỉnh cơ cấu đào tạo theo hướng giảm dần các ngành nghề đào tạo đang dư thừa trên thị trường lao động như kế toán, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng..., tăng cường đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật và công nghệ.
 
Kiểm soát quy mô đào tạo theo hướng giảm chỉ tiêu các ngành ít có nhu cầu tuyển dụng và chất lượng thấp; tăng dần quy mô đào tạo các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao và chất lượng cao.
 
Tập trung nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với giáo dục phổ thông.
 
Xây dựng, hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học.
 
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chủ động giải trình kết quả thực hiện quyền tự chủ được giao. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tự chủ thành công trong hệ thống. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quyền tự chủ.
 
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục.
Theo Nguyệt Hà (Chinhphu.vn)