.

Chông chênh con đường đến trường

Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, sau trận bão lịch sử đổ bộ vào Quảng Bình, chúng tôi lên thăm Trường tiểu học (TH) số 2 Thượng Trạch đứng chân tại bản Cờ Đỏ (xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch). Lối đi độc đạo nối từ đường 20 vào bản bị lũ lụt tàn phá tan hoang. Ba năm sau, chúng tôi trở lại vẫn thấy những đứa trẻ bản Cờ Đỏ bước chông chênh trên con đường bị lũ cuốn đó tìm cái chữ thoát cảnh thất học.

Xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có hai trường tiểu học (TH). Trường TH số 1 đóng tại trung tâm xã và Trường TH số 2 đứng chân ở bản Cờ Đỏ, cách Trường TH số 1 gần 20km. Theo lời thầy giáo Hiệu trưởng Võ Anh Tuân: Trường TH số 2 có “tuổi đời” còn khá trẻ nhưng đảm nhận sự nghiệp trồng người trên một địa bàn rộng lớn của xã Thượng Trạch gồm 10 điểm trường thuộc các bản “ba nhất”: sâu nhất, xa nhất, khó khăn nhất. Về quy mô, tất cả các điểm trường có 20 phòng học, trong đó chỉ có 3 phòng kiên cố, 5 phòng bán kiên cố, 11 phòng tạm bợ và 1 phòng phải mượn nhà dân. Cả 10 điểm trường chỉ có 3 nơi phủ được sóng điện thoại, các bản lại cách xa nhau cả chục cây số, nhiều bản phải cắt rừng đi bộ gần ngày đường mới đến nơi. Tổng số cán bộ, giáo viên 38 người, có 3 cô giáo phụ trách công tác văn phòng, còn thầy giáo chia nhau luân chuyển đi cắm bản. “Cái chữ gieo nơi miền biên viễn này vẫn còn chông chênh lắm!”- thầy Võ Anh Tuân chia sẻ.

Điểm trường trung tâm Cờ Đỏ có 49 học sinh gồm: 11 em lớp một, 11 em lớp hai, 9 em lớp ba, 9 em lớp 4 và 8 em học lớp năm. Từ đường 20 vào đến trường khoảng 2 km; từ trường đến bản thêm chừng 2 km. Chỉ với 4 km đường độc đạo thôi nhưng bản Cờ Đỏ hầu như tách biệt hẳn với bên ngoài. Dân số toàn bản 58 hộ, 237 khẩu, là đồng bào dân tộc Ma Coong định cư từ lâu lắm, không ai còn nhớ mốc thời gian cụ thể.

Khu nhà bếp tạm bợ của thầy cô giáo cắm bản Cờ Đỏ.
Khu nhà bếp tạm bợ của thầy cô giáo cắm bản Cờ Đỏ.

Chuyện ăn ở, sinh hoạt, cắm bản dạy học của giáo viên Trường TH số 2 Thượng Trạch khá gian nan. Thầy giáo Hoàng Đức Cường, 13 năm “cắm” các bản: Cóc, Cà Roòng, Nôồng Cũ, Chăm Phu, 61, Cờ Đỏ... cho biết: “Khổ nhất là vào mùa mưa, nước lũ khe suối lên xuống bất thường không biết mô mà lần. Đường tắc, học sinh nghỉ học, thầy giáo cắm bản xin “neo lại” với bà con, dân bản ăn gì, mình dùng nấy. Không sóng điện thoại để thông báo cho ban giám hiệu nhà trường, cho gia đình. Bởi vậy mà lãnh đạo nhà trường có sáng kiến luân chuyển thường xuyên các thầy cắm bản, từ bản xa đến bản gần, từ bản phủ sóng điện thoại đến bản chưa phủ sóng... Nhưng thực tế, 10 điểm trường thì chỉ có 3 điểm phủ sóng điện thoại, thành ra các thầy phải chờ”.

Tôi hai lần lên Cờ Đỏ, ở lại với thầy cô tại điểm trường trung tâm. Gọi là trung tâm cho “oai” vậy thôi vì ngoài dãy nhà xây hai tầng ra thì nhìn đâu cũng thấy thiếu thốn. Thiếu từ nhà nội trú giáo viên đến các phòng chức năng, trang thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn. Tạm bợ nhất là khu nhà bếp và khu vệ sinh, các thầy linh động lên rừng chặt lá về lợp, dùng bạt quây lại. Mùa mưa, vắt rừng ngửi thấy hơi người lổm nhổm bò vào tận nhà bếp, khu vệ sinh.

Năm 2013, khi chứng kiến cảnh con đường vào bản Cờ Đỏ tan hoang do bão lũ, chúng tôi đã phản ánh trên Báo Quảng Bình. Tưởng rằng đường bây giờ được sửa chữa, khắc phục tạo điều kiện cho đồng bào giao lưu, đi lại với trung tâm xã, với miền xuôi, để học sinh thôi chông chênh ngày ngày đến trường học chữ. Nhưng mọi thứ vẫn như 3 năm về trước: tan hoang, sụt lún, từng tảng bê tông mặt đường bị lũ “quất” vỡ ra từng tảng nằm rải rác dọc suối.

Học sinh bản Cờ Đỏ ngày ngày vẫn đi lại trên con đường nguy hiểm này để đến trường.
Học sinh bản Cờ Đỏ ngày ngày vẫn đi lại trên con đường nguy hiểm này để đến trường.

Đã 3 năm học trôi qua, cứ vào mỗi buổi sáng, tất cả học sinh tiểu học bản Cờ Đỏ rồng rắn rủ nhau men theo suối, đi trên lối mòn đầy đá sỏi trơn trượt mà đến trường. Buổi trưa tan học, chúng lại rồng rắn quay về nhà. Đầu giờ chiều tiếp tục đi học, buổi tối về nhà. Một ngày đều đặn hai lượt đi, hai lượt về như vậy. Đoạn đường qua suối gần phía trước trường, nguyên bản đã đổ bê tông, chiều dài chừng 500 mét. Sau bão số 10, đường bị biến dạng hoàn toàn. “Vào mùa nắng không nói làm gì, mùa mưa, chỉ cần một trận mưa vừa là thầy phải ra tận suối để dắt các cháu qua. Nếu mưa to kéo dài chắc chắn các cháu phải nghỉ học vì nước suối rất lớn, chảy rất hỗn, không thể nào qua được. Có khi cả lớp đang học, trời đổ mưa không dứt, bắt buộc phải cho trò về sớm. Mới đưa các em qua suối xong thì nước lớn ào về. Chậm một chút chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”- thầy Hoàng Bảo Tăng kể.

Còn đây là lời tâm sự của cậu bé Đinh Tịnh, học sinh lớp 5: “Cháu muốn có một con đường thật đẹp vào bản, để ngày ngày cháu và các bạn đi học đỡ vất vả hơn, bớt nguy hiểm hơn. Cháu muốn thầy cô ở trường nấu cho ăn”. “Đinh Tịnh thích đi học không?”. “Thích! Đến trường rất vui, được học chữ, học hát, chơi trò chơi...”.

“Ban giám hiệu nhà trường kiến nghị rất nhiều về bữa ăn bán trú cho học sinh. Hiện tại, cơ sở vật chất, bếp ăn như thế, chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu của học trò được, mặc dù nếu học sinh ăn bán trú, các em đến trường chuyên cần hơn, độ an toàn cao hơn, chất lượng giáo dục cải thiện hơn”- thầy giáo Võ Anh Tuân cho biết.

Cần một con đường từ bản Cờ Đỏ đến Trường TH số 2 Thượng Trạch và ra tới đường 20, đó là khao khát của đồng bào Ma Coong bản Cờ Đỏ, của những người thầy giáo cắm bản dạy chữ... Để học sinh bản Cờ Đỏ bớt đi âu lo mỗi buổi đến trường.

Ngô Thanh Long