.
Trường tiểu học Long Sơn (Trường Sơn, Quảng Ninh):

Nỗ lực xây dựng trường chuẩn quốc gia

Thứ Hai, 03/03/2014, 11:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường tiểu học (TH) Long Sơn thuộc xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh thành lập từ giữa năm 2002, đến nay đã gần 12 năm. Với ngần ấy thời gian, lại cắm chốt giữa đại ngàn Trường Sơn, giáp biên với nước bạn Lào, Trường TH Long Sơn luôn nỗ lực phấn đấu, từng bước xây dựng trường chuẩn Quốc gia.

Học sinh của trường là con em người Kinh và người dân tộc Vân Kiều, trong đó, học sinh người Vân Kiều chiếm số đông. Ngoài khu vực trung tâm đóng ở thôn Long Sơn, trường còn có 6 điểm trường lẻ ở các bản Chân Trôộng, Trung Sơn, Bến Đường, Đá Chát, Liên Sơn- Thượng Sơn và Dốc Mây cho con em người dân tộc Vân Kiều đến học.

Do đời sống kinh tế của bà con người Vân Kiều quá khó khăn, trình độ dân trí lại thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của con em. Thầy giáo Nguyễn Quang Thú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn đặt công tác huy động số lượng lên hàng đầu. Hàng năm, vào đầu tháng 8, chuẩn bị cho năm học mới, Ban giám hiệu và giáo viên về tận các bản, làng thăm hỏi, nắm bắt tình hình và động viên con em đến trường.

Tại các điểm trường lẻ, các giáo viên được phân công cắm bản đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, với học sinh nên luôn được dân bản và học sinh mến phục, tin yêu, coi thầy cô như người của bản. Mặt khác, nhà trường có chủ trương cho học sinh mượn khá đầy đủ sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập nên đã tác động tốt đến công tác huy động số lượng, duy trì sĩ số. Năm học 2011- 2012, trường huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 89,8%, duy trì sỹ số đạt 100%.

Năm học 2012- 2013, trẻ được huy động vào lớp 1 đạt 98%, trẻ từ 6 tuổi đến 11 tuổi đến trường đạt 99,5%, duy trì sỹ số đạt 100%. Đến học kì II năm học này, công tác duy trì số lượng của trường vẫn bảo đảm 100%. Đây là một thành tích đáng ghi nhận của một trường có phần lớn học sinh là con em người thiểu số. Tháng 11 năm 2013, đoàn kiểm tra phổ cập giáo dục của tỉnh đã kiểm tra, đề nghị UBND tỉnh công nhận xã Trường Sơn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Đó chính là tiền đề, động lực cho trường phấn đấu từng bước đạt trường chuẩn quốc gia.

Lớp học tại bản Chân Trôộng, Trường TH Long Sơn.
Lớp học tại bản Chân Trôộng, Trường TH Long Sơn.

Ở địa bàn xã Trường Sơn, một xã quá cách xa vùng đồng bằng, công tác xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thật sự khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của tỉnh, của huyện Quảng Ninh và các chương trình, dự án, lãnh đạo nhà trường đã thường xuyên tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Trường Sơn đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất trường học cho nhà trường. Giữa năm 2011, UBND huyện Quảng Ninh đầu tư 650 triệu đồng để xây dựng điểm trường Dốc Mây giáp với nước bạn Lào.

Từ trung tâm trường, trung tâm xã, nếu đi bộ đường rừng không mang vác nặng vào đến bản Dốc Mây cũng phải mất hơn nửa ngày, ấy thế nhưng vì xây dựng trường cho con em nên các bậc phụ huynh và nhân dân trong bản không quản leo rừng, lội suối, dốc đá hiểm trở để khuân vác xi măng, tấm lợp và các vật liệu xây dựng khác vào làm một phòng học cho học sinh và một phòng ở cho giáo viên. Năm học 2012- 2013, phòng học, phòng ở đã được sử dụng.

Năm học 2013-2014 này, bản Dốc Mây có một lớp 2 và một lớp 4 gồm 22 học sinh. Giáo viên vào giảng dạy tại đây, luân phiên nhau mỗi đợt 2 người, ăn ở, giảng dạy trong nửa tháng; đến hẹn, 2 giáo viên khác vào đến bản, 2 giáo viên này mới ra trường trung tâm. Ngoài bản Dốc Mây, các điểm trường lẻ Đá Chát, Chân Trôộng, Liên- Thượng Sơn và Trung Sơn đều có đủ phòng học cấp 4 khang trang, đầy đủ bàn ghế cho giáo viên, học sinh. Tại trung tâm trường, đã có nhà học 2 tầng, có khuôn viên đủ rộng. Năm học 2012-2013, UBND huyện Quảng Ninh đầu tư 200 triệu đồng xây dựng sân trường bằng bê tông kiên cố; ngoài ra, các bậc phụ huynh đã đồng thuận, tự nguyện góp công, góp sức xây nhà để xe cho giáo viên và học sinh trị giá 20 triệu đồng.

Mặt khác, nhà trường phối hợp Công đoàn trường huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên lao động ngoài giờ xây các bồn hoa, trồng nhiều hoa và cây cảnh ở trong khuôn viên trường. Giáo viên của trường, những người được lên giảng dạy tại đây mỗi người có một hoàn cảnh riêng, có những khó khăn nhất định nhưng trong họ, 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường TH Long Sơn năm học 2013- 2014, ai ai cũng gần gũi, thương yêu học sinh, tâm huyết với nghề, giáo dục các em nhằm nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn.

Cô giáo Hà Thị Huế cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chúng tôi luôn học hỏi, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Kết hợp khéo léo giữa dạy Tiếng Việt với tiếng dân tộc Vân Kiều và sử dụng linh hoạt đồ dùng dạy học để học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu. Trong dạy học, chúng tôi vận dụng khéo léo, hợp lý các hoạt động phù hợp từng nhóm đối tượng; học mà chơi, chơi mà học, tạo ra không khí vui tươi, hứng thú cho các em".

Ngoài chất lượng đại trà được nâng lên, trong những năm gần đây, trường đã có những học sinh đạt giải trong các hội thi, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Ba năm lại đây, Phòng GD và ĐT Quảng Ninh tổ chức hội thi Giao lưu Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, năm học 2012- 2013, trường đạt giải nhất; năm học 2013- 2014 đạt giải nhì đồng đội. Thi viết chữ đẹp cấp huyện, năm học 2012- 2013, trường có 8 em đạt giải khuyến khích.

Là một trường miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Trường TH Long Sơn có một đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên  đoàn kết, thân thương, gắn bó với trường, với lớp, cùng nhau thực hiện các cuộc vận động của Đảng, của ngành Giáo dục và xây dựng các phong trào thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học. Hiện nay, chất lượng giáo dục của trường đã được nâng lên và từng bước khang trang, xanh- sạch- đẹp, thân thiện, an toàn, thu hút học sinh đến học, vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống. Đây chính là hành trang để trường phấn đấu sớm được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Thái Toản