.

Không tạo căng thẳng khi đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ Tư, 05/03/2014, 17:37 [GMT+7]

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chính thức công bố những đổi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã làm cho nhiều người băn khoăn, lo lắng về việc thực hiện một kỳ thi quốc gia làm sao cho ổn định, nghiêm túc, hiệu quả, không gây áp lực cho xã hội?

Năm 2014 khác với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có thay đổi căn bản, chỉ thi bốn môn, trong đó có hai môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn tự chọn. Điểm xét tốt nghiệp của thí sinh sẽ được tính bằng điểm trung bình bốn bài thi tốt nghiệp là 50% và điểm trung bình năm học lớp 12 là 50%. Về lâu dài, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được thay đổi theo hướng chuyển từ bốn môn thi sang bốn bài thi (kiểm tra kiến thức liên môn và huy động các kỹ năng của nhiều môn học khác nhau để xử lý vấn đề). Bộ GD và ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp xã hội về bốn phương án lịch thi gồm: thi trong hai ngày; 2,5 ngày; ba ngày và trong bốn ngày...

Những điểm mới về thi tốt nghiệp THPT nói trên nằm trong lộ trình đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT. Tuy nhiên, cách triển khai đổi mới kỳ thi thời gian qua gây nhiều lo lắng trong dư luận xã hội, nhất là tâm lý bất an cho học sinh cuối cấp THPT vì đến nay, Bộ GD và ĐT chưa có quy chế, hướng dẫn cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như cách xác định, đăng ký môn thi tự chọn và lộ trình tổ chức thi. Trong khi đó, thời gian kết thúc chương trình THPT, chuyển sang ôn tập và ngày thi không còn dài. Nhiều cơ sở giáo dục phổ thông còn lúng túng trong việc tư vấn, hỗ trợ, định hướng cho học sinh thi tốt nghiệp và lựa chọn nghề nghiệp sau tốt nghiệp...

Có thể nói, việc Bộ GD và ĐT chọn đổi mới thi cử làm khâu đột phá, tạo xung lực mạnh, có sức lan tỏa để đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT là hợp lý. Tuy nhiên, việc đổi mới thi cử cần bàn kỹ, làm sao để không có những thay đổi liên tục, mà có tính ổn định lâu dài. Không nên để học sinh chỉ còn mấy tháng nữa bước vào kỳ thi vẫn hồi hộp chưa biết năm nay thi như thế nào? Bộ GD và ĐT cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện những đổi mới của kỳ thi, nhất là việc đăng ký các môn thi tự chọn sao cho phù hợp. Các trường THPT cần tập trung tổ chức dạy và học đúng chương trình, yêu cầu học sinh không được học tủ, học lệch. Khi Bộ GD và ĐT công bố thời gian đăng ký môn thi tự chọn, cần tổ chức ôn tập cho học sinh bám sát chương trình học, chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài cho học sinh.

Năm 2014, các trường THPT sẽ phải tổ chức ôn tập tám môn (thay vì sáu môn như những năm trước). Trong đó, các môn tự chọn của học sinh sẽ xảy ra tình trạng có môn có số lượng đăng ký đông, có môn có số lượng đăng ký rất ít. Vì vậy, các trường cần xác định lộ trình, bố trí thời gian cụ thể cũng như cơ sở vật chất, phòng học một cách hợp lý trong việc ôn tập cho học sinh. Tránh tình trạng lớp quá đông, ảnh hưởng việc học tập của học sinh.

Riêng đối với học sinh dự thi tốt nghiệp THPT cần xác định tập trung học tập chuyên cần vì điểm xét tốt nghiệp THPT không chỉ dựa vào bốn môn thi tốt nghiệp mà còn dựa vào kết quả học tập, rèn luyện cả năm học lớp 12. Đáng chú ý, do nhu cầu về thị trường lao động sau tốt nghiệp THPT cũng như đặc thù của từng môn học cho nên xu hướng học sinh thiên về thi các môn tự nhiên luôn chiếm số đông. Tuy nhiên, khi đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn, học sinh lớp 12 cần lựa chọn môn thi phù hợp nhất với khả năng, học lực, niềm đam mê cũng như yêu cầu môn thi ĐH, CĐ của chính mình. Tránh tình trạng đăng ký theo "số đông". Có như vậy mới bảo đảm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời cũng tạo điều kiện, bảo đảm cho học sinh lớp 12 yên tâm, giảm áp lực lo lắng trong kỳ thi.

Theo Mạnh Xuân (NDĐT)