Đại tướng Võ Nguyên Giáp
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vị tướng của lòng dân

  • 10:37 | Chủ Nhật, 25/08/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải (SN 1957), quê xã Mai Thủy (Lệ Thủy) nguyên là Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Với tình cảm sâu nặng của mình, nhân kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2024), ông đã thể hiện tấm lòng và những cảm nhận về Đại tướng qua bài viết “Vị tướng của lòng dân”. 
 
Nhà quân sự thiên tài 
 
Sinh ra bên bờ sông Kiến Giang hiền hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một thầy giáo dạy môn Lịch sử trở thành một nhà quân sự thiên tài, tầm cao tư duy về nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Tài năng, trí tuệ, đức độ, nhân cách của Đại tướng mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc, trường tồn trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
 
Ông là vị tướng huyền thoại, bậc thầy về chiến lược và nghệ thuật quân sự; nhất là đường lối chiến tranh nhân dân. Trong những chiến dịch có tính chất quan trọng, Đại tướng luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén với tư duy quân sự đặc biệt: Đề xuất và tổ chức tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ; làm phá sản chiến tranh tổng lực của các đế quốc hùng mạnh ở thế kỷ 20. Kết tinh những bài học quý giá của lịch sử dân tộc và thế giới, đúc kết thực tiễn chiến đấu của quân đội ta. 
PGS-TS, Trung tướng Nguyễn Đức Hải
Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải.
Ở những thời điểm bước ngoặt, Đại tướng quyết định các vấn đề một cách chính xác: Tổ chức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, đập tan âm mưu tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc (năm 1947); đổi mục tiêu đánh Cao Bằng sang Đông Khê (Chiến dịch Biên giới năm 1950); phân tán chủ lực cơ động của Pháp để tập trung tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Đông-Xuân 1953-1954)...
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đại tướng chỉ đạo xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải chiến lược trên bộ, trên biển chi viện cho miền Nam; tham mưu mở chiến dịch đường 9-Khe Sanh; ghìm lực lượng cơ động của địch ở Trị-Thiên, tạo điều kiện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân (1968); chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân đánh bại cuộc tiến công chiến lược đường không của đế quốc Mỹ (năm 1972); điểm huyệt Buôn Ma Thuột (năm 1975), buộc địch rút bỏ Tây Nguyên; chỉ đạo mở chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng, quần đảo Trường Sa... 
 
Tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nghệ thuật lừa địch, dụ địch, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta. Điển hình là thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà theo Đại tướng là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”, góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu người lính nhưng vẫn làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; nắm vững thời cơ lịch sử với mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, tạo nên sức mạnh tổng hợp tiến công mãnh liệt vào sào huyệt cuối cùng của địch trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975), đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ có tài cầm quân, mà còn là nhà lý luận quân sự uyên thâm về học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh (về vũ trang quần chúng cách mạng; xây dựng Quân đội nhân dân; về khởi nghĩa vũ trang...). Đại tướng là "kiến trúc sư" của đường lối chiến tranh nhân dân, trở thành nghệ thuật quân sự được xây dựng trên nền tảng “cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc”, được cả thế giới ngưỡng mộ. Giáo sư Piere Aselin, Đại học Hawaii Pacific (Mỹ) nói: “…Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, sự tài tình của ông đã giúp Việt Nam chiến thắng quân xâm lược. Khi mà nguồn lực của phía quân Pháp rõ ràng lớn hơn nhiều so với lực lượng quân đội của ông Giáp…”.
 
Sống mãi trong lòng dân
 
Mỗi người dân Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân luôn dành sự kính trọng cho vị tướng tài năng và đức độ-Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng đã về với "thế giới người hiền”, nhưng Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải vẫn nhớ như in giây phút cuối cùng bên Đại tướng. Tướng Hải nhớ lại:
 
“Đó là vào đầu giờ chiều ngày 6/10/2013, tôi cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Học viện Quốc phòng ra nhà số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng cùng gia đình sinh sống để thắp hương. Dấu ấn đầu tiên hết sức cảm động là mọi tầng lớp nhân dân, lực lượng vũ trang xếp hàng nối dài đến tận nhà Quốc hội... lặng lẽ, tiếc thương vào dâng hương. Nhân dân thủ đô tự nguyện tổ chức các trạm phục vụ nước uống, bánh mì miễn phí. Chúng tôi cùng xếp hàng trong đội hình ấy, cảm nhận hết tình cảm thiêng liêng của muôn người con đất Việt dành cho Đại tướng, như chính mình mất đi người thân ruột thịt”.
 
“Thật may mắn và vinh dự, tôi đứng trong đội hình sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cửu của Đại tướng, được chứng kiến các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bạn bè quốc tế, nhân dân nối tiếp nhau, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh vị tướng tài ba của một dân tộc anh hùng. Cảm động nhất là tình cảm của các cựu chiến binh, thương binh nặng qua các thời kỳ, tuổi đã cao, chống nạng, đi xe lăn.. nhớ thương Đại tướng”.
Một tiết mục văn nghệ tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP. Đồng Hới
Một tiết mục văn nghệ tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP. Đồng Hới.
“Một ký ức không thể nào quên, trong đêm 12/10/2013, tôi nhận thông báo của Bộ Quốc phòng: Là người con quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình, đồng chí được giao nhiệm vụ tháp tùng trên chuyến bay đặc biệt tiễn đưa Đại tướng về yên nghỉ nơi đất mẹ Quảng Bình”. 
 
“Sau lễ truy điệu, linh cửu của Đại tướng di chuyển qua các tuyến phố chính, qua Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi đi qua nhà Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu. Suốt chặng đường nơi đoàn xe ra sân bay Nội Bài, lớp lớp nhân dân lệ lăn dài trên má, tay cầm di ảnh nghẹn ngào vĩnh biệt Đại tướng. Sân bay Nội Bài cũng lặng yên, ngàn đôi mắt hướng về một con người sắp sửa đi xa... Linh cửu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đội tiêu binh đưa lên chiếc máy bay ATR-72, mang số hiệu VN103, lấy theo tuổi thọ của Đại tướng; Ban Lễ tang và người nhà Đại tướng di chuyển trên máy bay Airbus 321, số hiệu VN1911, lấy theo năm sinh của Đại tướng... hướng về sân bay Đồng Hới”. 
 
“Thời khắc 13 giờ ngày 13/10/2013, linh cửu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tới sân bay Đồng Hới. Mây trời Quảng Bình hôm ấy như dừng lại để tiễn đưa người. Suốt chặng đường 70km, đưa Đại tướng bằng ô tô ra Vũng Chùa-Đảo Yến, lớp lớp người dân từ mọi miền Tổ quốc cùng hội tụ với bà con Quảng Bình, xếp hàng kín hai bên đường tiễn biệt người con quê hương trọn đời hiến dâng cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân. “Đại tướng của lòng dân” về yên nghỉ giữa hồn thiêng núi non, điệp trùng mây trắng, bên bờ biển Đông ngàn năm sóng vỗ. Đại tướng trở về nơi ký ức tuổi thơ, tắm mình trong gió Lào cát trắng. Hóa thân vào làn điệu “Hò khoan Lệ Thủy” ngọt ngào, bâng khuâng, da diết... hòa mình vào dòng Kiến Giang xanh mát thuở nào”.
Thanh Long (thực hiện)

tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim người lính và đồng bào Tây Bắc

Với mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân Tây Bắc, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi. Đó không chỉ là câu chuyện về vị Tổng tư lệnh kiệt xuất gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", mà còn là những khoảnh khắc gần gũi, sự quan tâm, yêu thương mà Đại tướng dành cho đồng bào nơi đây.

Ghi ở Triển lãm "Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ"

(QBĐT) - Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử, tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đang diễn ra triển lãm ảnh "Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ" thu hút đông đảo người dân đến tham quan.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp-mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam

Xin phép được soi chiếu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy)-tìm hiểu những hiện tượng được giao lưu, tiếp biến từ nhiều nguồn văn hóa nên tạo được những nét độc sáng, để khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một mô hình (paradigm) mẫu mực về nhân văn quân sự Việt Nam.