Đại tướng Võ Nguyên Giáp
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Võ Nguyên Giáp mùa Xuân năm ấy...

  • 08:29 | Chủ Nhật, 26/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nhân đọc “Đường về Thăng Long”, tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa xuất bản.
 
(QBĐT) - Trước thềm Xuân Canh Tý, tiểu thuyết "Đường về Thăng Long" (ĐVTL) viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà văn Nguyễn Thế Quang vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
 
Phẩm cách cũng như công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có hàng trăm cuốn sách nói đến, nay vào lúc Tết đến Xuân sang, nhà nhà đoàn tụ, mời bạn đọc hình dung lại quãng thời gian quý giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống giữa những người thân trong một ngày Xuân 74 năm trước, được nhà văn Nguyễn Thế Quang miêu tả trong chương 2 của tiểu thuyết. Đó là lúc chính quyền non trẻ đang đứng trước những thử thách gay go, giặc Pháp gây hấn nhiều nơi, lăm le cướp nước ta một lần nữa. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến khó tránh khỏi, Võ Nguyên Giáp lên đường vào các tỉnh phía Nam theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
 
“… Sáng ngày 18-1-1946, xe chở Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp lên đường vào Nam. Trời se lạnh. Anh đưa mắt nhìn Hồ Gươm mờ sương và Tháp Rùa lặng lẽ với lá cờ đỏ sao vàng nhẹ nhàng bay trong gió. Tạm biệt nhé Thăng Long. Miền Nam đang gọi ta.  Và cả quê nhà cũng đang gọi ta…”
 
Là nhà tiểu thuyết, với thủ pháp “hồi cố” (nhớ lại chuyện cũ), khi xe đến chân Đèo Ngang, tác giả đã để cho Võ Nguyên Giáp nhớ lại những kỷ niệm cũ:
 
“… Từ nhỏ, nằm bên mẹ, mẹ thường kể cho chị em Giáp về ông ngoại giỏi võ, được cử làm Đề đốc chỉ huy hàng trăm người đánh Pháp. Bị chúng bắt, tra tấn, ông không khai chỗ ở của vua Hàm Nghi…
 
… Giáp nhớ mãi, chiều ấy - một chiều cuối Đông như thế này, hai ông cháu đứng trên một mỏm đá nơi lưng đèo An Mã… Chỉ lên phía Tây - ông nói về ngọn Đầu Mâu cao vút, chỉ về phía Đông - phá Hạc Hải mênh mông. Ông đọc hai câu thơ giọng trong như tiếng chuông:
 
“Bể Hạc ai mài xanh sắc nước
Non Mâu tô điểm vẽ da trời.”
 
Và nói: “Dân Quảng miềng ta có câu “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên”… Quảng Bình là đất học. Học giỏi mới thành tài, mới làm được việc lớn cháu à."
 
… Khi Giáp đã lớn hơn, cũng vào một ngày cuối Đông, ông đưa Giáp ra lưng đèo. Ông chỉ lên dãy núi phía Tây trập trùng, trên một đỉnh nổi lên hai tảng đá lớn dựng đứng
 
-   Đó là lèn Bảy. “Đầu Mâu vi bút, Học Hải vi nghiên” cùng với lèn đó, Quảng Bình ta có đủ bộ ba nói về chuyện học. Hai tảng đá dựng đứng đó là hình ảnh ông Văn ông Võ, đó là cụ Phạm Duy, đậu Tiến sĩ Văn năm 1865, cụ Lê Trực đậu Tiến sĩ Võ năm 1869….
 
- Văn và Võ phải gắn bó với nhau mới làm nên công nghiệp được…
 
    Lời ông và hình ảnh của quê nhà đã đi theo Giáp cả cuộc đời… Được Bác Hồ giao việc cầm quân, nghĩ đến lời dạy đó, Giáp lấy tên Văn làm tên gọi của mình….”
 
Qua đoạn văn hồi tưởng vừa dẫn, tác giả không chỉ đã cho bạn đọc biết thêm cuộc sống Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuổi thơ mà còn thể hiện được truyền thống anh hùng đẹp đẽ của quê hương - cội nguồn và là cái “nôi” đã sinh thành nên danh tướng Võ Nguyên Giáp.
 
 Trong chương 2, tác giả còn cho chúng ta “chứng kiến” những giờ phút gặp gỡ hiếm hoi của Võ Nguyên Giáp với gia đình, ngay trước dinh tỉnh trưởng cũ:
 
“… Dưới mái hiên, thầy mẹ và Hồng Anh đã đứng đợi. Giáp vội bước tới chào thầy mẹ và giơ tay đón con. Hồng Anh trố mắt nhìn nhưng hai tay ôm chặt lấy cổ bà...
 
     - Mấy tháng ni, các anh trên huyện qua nhà nói chuyện về con, thầy mẹ mừng lắm. Võ Nguyên Giáp - con đã làm được điều cha mẹ mong và cả họ trông chờ…
 
… Anh chợt nhớ những ngày nhỏ, anh và các bạn được thầy dạy những chữ Tam tự kinh đầu tiên… Ngày treo bảng thi tốt nghiệp tiểu học, thấy Giáp đậu đầu, ông cười ha hả: “Con giỏi lắm. Rứa mới đúng là Võ Nguyên Giáp của cha." Ông mỉm cười: "Cha đặt tên con vậy là có ý lắm. Nguyên là tốt, là bắt đầu, đứng đầu. Giáp là bảng A - bảng của những người giỏi nhất: trạng nguyên, tiến sĩ…” Giáp vừa vui vừa ngại ngần... Nhỡ không được, bạn bè họ lại cười cho.” Vì vậy, khi vào Quốc học Huế, Giáp ghi tên là Võ Giáp. Khi gặp Giáp, biết vậy, thầy nhắc đi nhắc lại: “Anh đi đâu làm gì thì cũng cứ phải lấy sự học làm đầu. Nhân bất học, bất tri lý. Mà anh phải ghi đầy đủ họ tên mà tôi đã báo cáo với tổ tiên: Võ Nguyên Giáp”...
 
Ngay lúc này gặp con, thầy vẫn nói đầy đủ cả họ tên và chữ đệm của mình. Hiểu lòng thấy, anh thưa:
 
    - Dạ thưa thầy! Có thầy dạy bảo, có đồng chí bạn bè, lại được gần Bác Hồ suốt năm năm trời, con có làm được ít việc. Những ngày tới khó khăn lắm, con sẽ cố gắng. Mong thầy mẹ chăm sóc Hồng Anh cho con.
 
Bữa cơm tối hôm ấy khá thịnh soạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ngồi cạnh Võ Nguyên Giáp cùng tiếp song thân của Bộ trưởng…
 
Bà mẹ nhìn anh vui vẻ:
 
-Mẹ có cái này dành cho anh Giáp và các anh chị em đây.
 
 Bà mở chiếc bị cói, lấy ra một lọ thủy tinh màu đỏ au. Bà mở nắp. Một mùi thơm lừng tỏa ra. Giáp quá bất ngờ, muốn ứa nước mắt. Mẹ bao giờ cũng hiểu anh đến cả những mong muốn, những sở thích dù nhỏ nhặt nhất. Kìa. Mẹ lại đưa một gói lá chuối và mở ra: những lá lộc mưng một mặt xanh non, một mặt tím nhạt. Chao ôi! Nhút Lệ Thủy chua cay ăn với lộc mưng non... Bao tháng ngày xa quê, ai mà không nhớ, ai mà không thèm được nhấm nháp...
*
Nắng vàng đã ửng sáng trên tháp chuông nhà thờ Tam Tòa bên sông Nhật Lệ. VNG xuống xe, tay bế Hồng Anh, cùng thầy mẹ ra bến sông. Sáng nay, sau khi ăn sáng xong, Anh lại giơ tay đón con. Hồng Anh tần ngần. Bà nhẹ nhàng: “Cháu bà ngoan nào. Ba sắp đi xa rồi đó.” Hồng Anh vâng lời. Giáp sung sướng quá vội nâng con lên rồi ôm vào lòng. Năm năm rồi, hơn một ngàn năm trăm ngày anh mới được áp má con vào mặt mình! Dù rất vội nhưng anh  bước chầm chậm. Phút giây được bên con đối với anh quý hiếm lắm lắm! Một chiếc đò dọc đang đợi ở bến… Hồng Anh ôm lấy cổ ba như không muốn rời...
 
 ... Thuyền ngược dòng. Giáp lặng nhìn theo… Hình ảnh mái nhà ngói nhỏ giữa vườn rộng xum xuê cây trái và ngập tràn tiếng chim hiển hiện trước mắt. Những ngày Tết cùng mẹ nấu bánh chưng, bánh tét… Đến bao giờ mình lại được  đắm mình trong hương đồng gió nội của quê nhà?!...”
***
Sau chuyến đi mùa Xuân năm ấy, Võ Nguyên Giáp trở lại Hà Nội, cùng với các thành viên chính phủ Cụ Hồ, vừa kiên quyết, vừa khôn  khéo đối phó với thủ đoạn của thực dân Pháp cùng những âm mưu giành thế lực của Quốc dân đảng, Đại Việt… Những cuộc đấu trí gay go, những cuộc gặp gỡ với những trí thức tên tuổi như Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, nhà văn Nguyễn Tường Tam…, giữa lúc Tổ quốc lâm nguy đòi hỏi bản lĩnh và cả lòng bao dung của Võ Nguyên Giáp và các cộng sự.
 
Dù vậy, đêm Nguyên tiêu mùa Xuân 1946, Võ Nguyên Giáp cùng Bác Hồ vẫn có phút thư giãn bờ hồ Hoàn Kiếm; nói đúng hơn, hai người muốn được tiếp sức khi tìm về cội nguồn lịch sử anh hùng của dân tộc.
 
“… Bác đi ra cổng. Rời cầu Thê Húc, Bác dừng lại dưới chân Tháp Bút. Đưa mắt ngước lên ba chữ “Tả Thanh Thiên" hiện rõ như nhắc nhở, như thách thức, Bác hỏi Võ Nguyên Giáp:
 
- Nếu bây giờ được viết lên trời  mấy chữ, chú sẽ viết gì?.
 
Anh nói ngay:
 
- Cháu sẽ viết lên bốn chữ: QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG.
 
 Bác gật đầu. Bộ trưởng Giáp bèn hỏi:
 
- Dạ, thưa Bác. Nếu viết, Bác sẽ viết chữ gì ạ?
 
Hồ Chủ tịch nói thong thả, rành rõ:
 
- Với Bác, lúc nào cũng chỉ có bốn chữ: TỔ QUỐC TRÊN HẾT!...”
 
Chính là với tinh thần ấy, trên những chặng đường tiếp theo, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều gắn liền với các chiến tích lẫy lừng của dân tộc mà mọi người đã biết. Những điều đó, vô vàn sách báo đã viết. Nguyễn Thế Quang chỉ chọn thời đoạn đầy thử thách năm 1946 với những “hồi cố” tuổi thanh xuân của Võ Nguyên Giáp, nhưng qua tác phẩm ĐVTL dày gần 600 trang khổ lớn, tác giả cũng đã làm mọi người thêm hiểu và yêu quý vị danh tướng xuất thân từ quê hương Quảng Bình luôn biết gắn kết “VÕ” và “VĂN”...
Nguyễn Khắc Phê